Chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở

06:01, 06/01/2022
Quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở; kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh… là những hoạt động trọng tâm của Sở Nội vụ, góp phần xây dựng nền quốc phòng địa phương vững mạnh toàn diện.
 
Kiện toàn cán bộ quân sự ở cơ sở là vấn đề thường xuyên được các địa phương chú trọng
Kiện toàn cán bộ quân sự ở cơ sở là vấn đề thường xuyên được các địa phương chú trọng
 
ĐÀO TẠO GẮN VỚI SỬ DỤNG CÁN BỘ QUÂN SỰ CẤP XÃ
 
Thời gian qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Đề án đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cho cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã cũng như thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã đảm bảo theo đúng quy định.
 
Tính đến nay, 12 huyện, thành phố đã tổ chức triển khai và ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chức danh Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, hàng năm đều có rà soát, điều chỉnh bổ sung theo đúng quy định. 
 
Về công tác bố trí cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã sau đào tạo, đến nay đã có 132/142 đơn vị bố trí Chỉ huy trưởng Quân sự có trình độ chuyên môn chuyên ngành quân sự và được bầu thành viên UBND cấp xã giai đoạn 2021 - 2026. 10 đơn vị còn lại hiện các huyện, thành phố đang thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định. Hiện có 137/142 xã đã bố trí Phó Chỉ huy trưởng Quân sự.
 
Theo thống kê của Sở Nội vụ về kết quả triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, trong năm 2021 đã có 10 đồng chí Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Quân sự được bầu làm cán bộ cấp xã. Trong đó, có 5 Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, 3 Chủ tịch Hội Cựu chiến binh... Bên cạnh đó, trong năm 2021, Sở Nội vụ đã thẩm định kế hoạch tuyển dụng và phê duyệt kết quả tuyển dụng cho 9 công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã theo hình thức xét tuyển thuộc các huyện, thành phố: Đạ Tẻh, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lộc và Đà Lạt. 
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề kiện toàn bộ máy ngành quân sự cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh, ông Trần Hồng Quyết - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Hiện nay, toàn tỉnh có 10 chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã còn khuyết chưa được tuyển dụng; vì vậy, UBND cấp huyện cần chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố quan tâm rà soát, triển khai, thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng và bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã đảm bảo đủ số lượng, chất lượng theo quy định. Đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã, UBND cấp huyện cần tổ chức rà soát lại đội ngũ cán bộ đã có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để bố trí, sắp xếp phù hợp, tránh lãng phí, bảo đảm nguồn kế cận, tạo sự ổn định lâu dài và nâng cao chất lượng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã.
 
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng được Sở Nội vụ đặc biệt quan tâm, nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Năm 2021, do tình hình phức tạp của dịch COVID-19, Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn (trực tuyến) cho hơn 100 cán bộ, công chức phụ trách công tác tôn giáo cấp xã. Đồng thời, tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền chính sách tôn giáo cho hơn 200 chức sắc, tu sĩ của Công giáo và Phật giáo ở thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng tổ chức in ấn, hỗ trợ 2.000 cuốn tài liệu pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để phát cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương, cơ sở.
 
 Ở các huyện, thành phố, trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, song Ban Tôn giáo và các huyện, thành phố đã vận dụng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người để tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ và tuyên truyền bầu cử; Luật Đất đai, Luật Xây dựng cho hàng chục ngàn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. 
 
Trong dịp đi thăm chức sắc, cơ sở tiêu biểu nhân ngày lễ trọng của các tôn giáo như: lễ Phục sinh, Noel của Công giáo, Tin lành; Đại lễ Phật đản, Vu Lan của Phật giáo; lễ Khai đạo của Cao Đài,… lãnh đạo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) và UBND các huyện, thành phố cũng kết hợp tuyên truyền, vận động, nhắc nhở để chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thực hiện đúng quy định pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thuận và ủng hộ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương; nhất là việc thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong từng thời điểm cụ thể; chung tay quyên góp các nhu yếu phẩm cần thiết giúp đỡ Nhân dân các tỉnh gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh và đóng góp, ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19. 
 
Qua thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tích cực hưởng ứng và thực hiện hiệu quả các nội dung phát động; tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra nền nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật.
 
Kết quả việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong hình thành khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng nền quốc phòng địa phương ổn định, vững mạnh.
 
NGỌC NGÀ