Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, nuôi trồng dược liệu Lâm Ðồng

05:01, 19/01/2022
Lâm Ðồng đã xác định được danh mục các loài dược liệu hiện có trên địa bàn, đồng thời đã có nhiều nghiên cứu về các loài dược liệu như: Sâm Langbiang, sâm Ngọc Linh, nấm Linh chi, Trà hoa vàng, Lan gấm, Actiso... là những cơ sở khoa học để định hướng tổ chức bảo tồn, khai thác và nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S thăm Nhà máy Ladophar tại Khu Công nghiệp Phú Hội (Ðức Trọng) với các sản phẩm chủ lực từ Actiso.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S thăm Nhà máy Ladophar tại Khu Công nghiệp Phú Hội (Ðức Trọng) với các sản phẩm chủ lực từ Actiso.
 
•  KHO THUỐC QUÝ
 
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, thực vật làm thuốc trên địa bàn tỉnh trong tự nhiên có 2.291 loài thuộc 283 họ. Trong đó, những cây thuốc có tên trong Sách đỏ Việt Nam gồm 51 loài, như: Ba gạc hoa đỏ, Ba gạc vòng, Bảy lá một hoa, Bách hợp, Bí kỳ nam... Cây thuốc đặc trưng tại Lâm Đồng có 16 loài, như: Actiso, Bồ công anh Trung Quốc, Canh ki na đỏ... Những cây thuốc có trữ lượng lớn gồm 20 loài, như: Actiso, Ba chẻ, Bách bệnh, Bình vôi... Những cây thuốc di thực đã được trồng tại Lâm Đồng gồm 23 loài, như: Ba gạc Ấn Độ, Bạch chỉ...
 
Toàn tỉnh hiện có khoảng 476,4 ha trồng cây dược liệu với sản lượng trên 14 ngàn tấn. Trong đó, diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 119,2 ha. Đây là tiềm năng còn bỏ ngỏ bởi toàn tỉnh hiện có trên 542.600 ha rừng với hơn 16.000 hộ đang được khoán quản lý, bảo vệ rừng. Diện tích dược liệu trồng trên đất nông nghiệp toàn tỉnh hiện có 375,2 ha, gồm: 302,7 ha trồng thuần và 72,5 ha trồng xen. 
 
Có khoảng 1 ha Diệp hạ châu tại huyện Cát Tiên và 10 ha atiso tại Đà Lạt, Lạc Dương có chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. 
 
Hiện, trên địa bàn tỉnh có các doanh nghiệp thuê đất để trồng dược liệu, cụ thể: Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex thuê tại xã Tà Nung và Phường 5 (Đà Lạt); Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng thuê tại xã Xuân Thọ (Đà Lạt); Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang thuê tại Phường 3 (Đà Lạt); Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hữu Phú thuê tại Phường 3 (Đà Lạt). Diện tích đất cho các doanh nghiệp thuê để trồng dược liệu còn rất thấp, chỉ chiếm 13,27% (63,22 ha/476,4 ha) trên tổng diện tích trồng dược liệu của cả tỉnh.
 
Toàn tỉnh có 59 cơ sở hàng năm thu mua, chế biến dược liệu với sản lượng khoảng 7.105 tấn nguyên liệu /9.742,6 tấn tổng sản lượng (chiếm 73%). Trong đó, có 5 công ty, 3 hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến dược liệu với tổng diện tích 164,9 ha/331,9 ha toàn tỉnh (chiếm 49,7%). Số hộ liên kết 294 hộ với sản lượng 4.940 tấn/năm (chiếm 50,7 %), gồm 3 loại dược liệu chính: Actiso (112,6 ha), Đương quy (34 ha), Diệp hạ châu (18,3 ha). 
 
Ngoài ra, còn có sự tham gia của 12 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chức năng từ dược liệu với các sản phẩm như: viên nén Sâm Ngọc Linh của Công ty Sâm Ngọc Linh Việt Nam; viên nang Hepatic của Công ty TNHH MTV Pasteur Đà Lạt; viên nhộng actiso của Công ty Vĩnh Tiến; Cao actiso của Công ty Ladophar, Ngọc Duy...
 
Các bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, các trung tâm y tế huyện, thành phố trong tỉnh hàng năm sử dụng khoảng 50 - 60 tấn dược liệu. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 70 cơ sở y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh bằng thuốc đông y, sử dụng nguyên liệu từ cây trồng dược liệu. 
 
  ÐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU LÂM ÐỒNG
 
Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; trong đó, Lâm Đồng thuộc vùng trung bình có khí hậu á nhiệt đới, cùng với Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La) quy hoạch trồng 12 loài dược liệu, bao gồm 5 loài bản địa: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn, Ý dĩ và 7 loài nhập nội: Actisô, Bạch truật, Bạch chỉ, Dương cam cúc, Đỗ trọng, Đương quy, Huyền sâm, với diện tích 3.150 ha, ưu tiên phát triển các loài Bạch truật, Đỗ trọng, Actisô. 
 
Đồng thời, Lâm Đồng là tỉnh nằm trong vùng Tây Nguyên cùng với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông quy hoạch phát triển trồng 10 loài dược liệu, bao gồm các loài bản địa: Gấc, Gừng, Hương nhu trắng, Đảng sâm, Nghệ vàng, Sa nhân tím, Sả, sâm Ngọc linh, Trinh nữ hoàng cung, Ý dĩ, với diện tích khoảng 2.000 ha, ưu tiên trồng các loài: Đảng sâm, sâm Ngọc Linh.
 
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra nhiều văn bản chỉ đạo về việc phát triển dược liệu. Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã nêu rõ: “Phát triển vùng dược liệu, phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành một trong những trung tâm dược liệu lớn trong nước”. 
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025”.
 
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, tỷ lệ sử dụng một số giống dược liệu như sau: Đối với giống Actiso chủ lực vẫn là giống địa phương A75, A80, A85 (chiếm khoảng 80%); có 20% giống mới nhập khẩu từ năm 2018 - 2020. 
 
 Đối với giống Đương quy có 90% nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản. Các giống Linh chi được Trung tâm ứng dụng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ lưu trữ nguồn giống (Linh chi đỏ, Linh chi vàng, Linh chi đen…). Đối với giống nấm Đông trùng hạ thảo: Nguồn giống từ Viện Công nghệ sinh học ứng dụng. Các giống dược liệu khác như Đảng sâm, Diệp hạ châu... chủ yếu do các công ty nhập khẩu giống và Viện Dược liệu cung ứng nguồn giống. Các giống cây dược liệu dưới tán rừng chủ yếu có trong tự nhiên.
 
Trong thời gian qua, có nhiều đề tài, dự án trồng thử nghiệm, tuy nhiên, công tác nhân giống chưa được chú trọng, chưa có nghiên cứu cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng cây giống để nhân rộng sản xuất. Công tác bảo tồn dược liệu tại chỗ tập trung ở các Vườn Quốc gia, như: Nam Cát Tiên, Bidoup - Núi Bà và trên nhiều rừng đặc dụng khác ở Lâm Đồng. Về bảo tồn chuyển chỗ và bảo tồn đồng ruộng được thực hiện từ nhiều năm qua. Trung tâm Nghiên cứu Trồng và Chế biến cây thuốc Đà Lạt (nay là Công ty TNHH MTV Dược liệu Vimedimex) đã bảo tồn tại chỗ trên 200 loài, hàng năm thu hoạch hàng chục tấn cành xén Thông đỏ lá dài, Ích mẫu, Dương cam cúc, Bình vôi, Ngũ gia bì, Sâm Osaka… Trong Nhân dân, việc bảo tồn còn nhiều hạn chế về nhân lực và kinh phí, công tác bảo tồn tản mát, manh mún, việc phát triển nuôi trồng bấp bênh nên chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn dược liệu gắn với khai thác bền vững. 
 
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với 9 khu quy hoạch bảo tồn trên địa bàn tỉnh. 
 
Giai đoạn 2015 -2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu và bàn giao kết quả đối với 7 đề tài nghiên cứu về dược liệu gồm: Nghiên cứu, đánh giá khả năng khai thác và sử dụng cây Đảng sâm tại Lâm Đồng làm dược liệu; nghiên cứu nuôi cấy nấm Đông trùng hạ thảo tại Lâm Đồng; nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất cao khô từ lá dâu tằm dùng làm dược liệu...
 
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế đó, có 6 nhiệm vụ đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện gồm: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng một số loài trà hoa vàng phục vụ sản xuất trà túi lọc ở Lâm Đồng; nghiên cứu tuyển chọn bộ giống Actiso chất lượng cao tại Lâm Đồng; nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và nuôi trồng cây Sói rừng làm dược liệu tại Lâm Đồng; nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm cao lỏng và trà hòa tan từ cây Đảng sâm Việt Nam trồng tại Lâm Đồng; nghiên cứu bảo tồn và khai thác các chủng, loài nấm ăn và nấm dược liệu tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; sưu tập, lưu trữ và bảo tồn nguồn gen 45 họ thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm của Lâm Đồng tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
 
AN NHIÊN