Trẻ em được đảm bảo các quyền và phát triển toàn diện

06:03, 23/03/2022
“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” là câu thơ thể hiện tình cảm Bác Hồ dành cho các em bé mầm non từ năm 1941. Đến nay, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên tính thời sự; tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người về trẻ em tiếp tục được phát huy trong mục tiêu “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.
 
Trẻ mầm non Lâm Đồng đến trường học trực tiếp, năm học 2021-2022
Trẻ mầm non Lâm Đồng đến trường học trực tiếp, năm học 2021-2022
 
•  LÂM ĐỒNG LƯỢNG HÓA 7 CHỈ TIÊU
 
Thực hiện Kế hoạch 1254 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Quyết định 350 của UBND tỉnh Lâm Đồng, mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em (TE) giai đoạn 2022-2030 của ngành Giáo dục. Mục tiêu là đảm bảo thực hiện các quyền TE, phát triển toàn diện TE về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và mối quan hệ xã hội, phát huy tối đa tiềm năng của trẻ; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho TE; giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận thông tin, các dịch vụ xã hội và tham gia các hoạt động xã hội của TE giữa các vùng miền, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho TE.
 
Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, gồm 7 chỉ tiêu cụ thể. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục (CSGD) có nhà vệ sinh cho TE vào năm 2025; trong đó, 85% nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Phấn đấu có ít nhất 30-35% TE nhà trẻ và 90-95% TE mẫu giáo trong CSGD mầm non được tiếp cận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phát triển toàn diện. Tỷ lệ huy động TE 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,8%. Tỷ lệ TE hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 99-100% phấn đấu giảm tỷ lệ TE bỏ học cấp tiểu học dưới 0,12%. Tỷ lệ TE hoàn thành cấp trung học cơ sở 88% phấn đấu giảm tỷ lệ TE bỏ học cấp trung học cơ sở dưới 0,14%. Phấn đấu 95% số CSGD có dịch vụ hỗ trợ tâm lý TE. Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh, sinh viên khuyết tật đạt 55%. Đồng thời, tỷ lệ TE khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80%.
 
Trên nền tảng đạt được, giai đoạn 2025-2030, Lâm Đồng hướng đến 7 chỉ tiêu ở mức cao hơn. Đó là: Phấn đấu 100% CSGD có nhà vệ sinh cho TE vào năm 2030, trong đó có 95% nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Phấn đấu có ít nhất 40% TE nhà trẻ và 97% TE mẫu giáo trong CSGD mầm non được tiếp cận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phát triển toàn diện. Tỷ lệ huy động TE 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,9%. Tỷ lệ TE hoàn thành cấp tiểu học đạt 99% phấn đấu giảm tỷ lệ TE bỏ học bậc tiểu học dưới 0,1%. Tỷ lệ TE hoàn thành cấp trung học cơ sở 93% phấn đấu giảm tỷ lệ TE bỏ học cấp trung học cơ sở dưới 0,05%... 
 
•  VÀ 8 NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
 
Để đạt được những con số cụ thể của hai giai đoạn nêu trên, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể, Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đối với việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch. Hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền TE và giải quyết các vấn đề về TE. Phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền TE có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ TE. Tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của TE; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về TE và giải quyết các vấn đề về TE. Bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền TE và các mục tiêu, chỉ tiêu về TE; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ TE. Hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền TE, giải quyết các vấn đề về TE mang tính toàn cầu và khu vực. Vận động nguồn lực và sự tham gia của xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về TE. Theo đó, Sở GDĐT chỉ đạo Phòng Giáo dục Trung học, Phòng Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non, Phòng Kế hoạch - Tài chính và Phòng GDĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức thực hiện theo từng mục tiêu cụ thể liên quan. 
 
Ở một hướng khác, đồng hành với ngành Giáo dục và ngay trong năm 2022, UBND tỉnh có Văn bản 1345 (ban hành tháng 3/2022) chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ TE năm 2022 theo Văn bản 478 của Bộ LĐ-TB -XH. UBND tỉnh giao Sở LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương tham mưu triển khai. Các nội dung thực hiện bao gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của địa phương để thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE, giải quyết các vấn đề về TE. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong bảo đảm thực hiện quyền TE, giải quyết các vấn đề về TE, các vụ việc vi phạm quyền TE. Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền TE, bổn phận của TE phù hợp với từng nhóm đối tượng; chú trọng truyền thông trực tiếp… Đó còn là bố trí nhân lực; phát triển mạng lưới xã hội; bố trí ngân sách; kiểm tra, thanh tra… 
 
MINH ĐẠO