[links()]
Bài cuối: Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp
“Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động” là mục tiêu chung mà Lâm Đồng đặt ra trong thời gian tới khi tiếp tục triển khai Chỉ thị 19 của Trung ương.
|
Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm của các nhà tuyển dụng lao động ở Lâm Đồng. Ảnh: Minh Đạo |
Việc triển khai các chương trình, đề án cũng như chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, từ thực tế hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
•
THỪA ĐẠI HỌC, THIẾU LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ
Mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đã được triển khai rộng khắp nhưng một số địa phương vẫn còn lúng túng trong chỉ đạo hoạt động nghề tại các cơ sở dạy nghề. Bởi lẽ việc quy định một số tiêu chí, tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp chưa phù hợp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong thực hiện; kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đồng đều, trong khi cơ sở đạt chuẩn kiểm định lại chưa có chính sách cụ thể. Mặt khác, theo kết quả phân luồng học sinh chỉ đạt 15% trên tổng số học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và việc thu hút học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông vào học cao đẳng còn hạn chế chỉ chiếm 10% trên tổng số học sinh tốt nghiệp hàng năm, tương đương khoảng 15.000 học sinh. Trên thực tế, theo báo cáo của Tỉnh ủy, mỗi năm có khoảng 3.000 học sinh sau trung học cơ sở chưa tham gia tiếp tục học tập các trình độ khác. Từ những số liệu trên cho thấy, hoạt động của các trường trung cấp, cao đẳng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc triển khai phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp hay chương trình 9+ chưa đi vào thực chất nên khó đạt mục tiêu đề ra. Ngoài ra, những khó khăn khác còn được chỉ ra đó là chính sách hỗ trợ học nghề từ ngân sách, bao gồm hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề và hỗ trợ học nghề... còn hạn chế, chưa được phân bổ hoặc chưa triển khai.
Thống kê trong vòng 5 năm, từ 2016-2020, thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng cho thấy, bậc đại học luôn thừa 40% nhu cầu tuyển dụng, trong khi đó số lượng lao động trình độ cao đẳng, trung cấp chỉ đáp ứng 35%; còn công nhân kỹ thuật qua đào tạo đáp ứng 10% và lao động phổ thông chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nhà tuyển dụng. Điều này cho thấy, lao động trình độ từ cao đẳng trở xuống chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là các nghề kỹ thuật như điện, hàn, sửa chữa động cơ, xây dựng và nhóm nghề dịch vụ, du lịch. Điểm hạn chế nữa là “Ngành Công nghiệp của Lâm Đồng chưa có bước đột phá để thu hút lao động. Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh còn phổ biến tuyển dụng lao động phổ thông nên tác động đến phát triển lao động qua đào tạo nghề” - Báo cáo số 270 của Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định.
• HOẠCH ĐỊNH CHO NHỮNG NĂM TỚI
Vẫn biết rằng ở thời điểm hiện nay, đa số các bậc phụ huynh và cả học sinh vẫn còn tư tưởng chuộng bằng cấp nên sau khi hoàn thành chương trình phổ thông sẽ vào đại học, do đó chưa quan tâm chọn nghề dựa vào điều kiện kinh tế, năng lực học tập của con em và nhất là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Một bộ phận lao động nông thôn chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, còn có tâm lý ngại đi học nghề. Song về mặt khách quan, cũng cần chỉ ra đó là cơ sở vật chất của hệ thống đào tạo nghề còn hạn chế, trang thiết bị dạy nghề chưa được đầu tư đồng bộ và khai thác sử dụng một cách có hiệu quả. Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi chủ yếu do các đơn vị tự xây dựng, chưa có chương trình chung, chuẩn và thống nhất cho tất cả các đơn vị tham gia dạy nghề. Và việc dạy nghề chưa gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; mối liên kết với doanh nghiệp tham gia tổ chức đào tạo nghề và tuyển chọn, sử dụng lao động sau đào tạo chưa được các địa phương quan tâm đúng mức...
Vì vậy, cần có cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ về vốn, thiết bị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như công tác giới thiệu việc làm cho người lao động sau học nghề; đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng đào tạo nghề và thực hiện đồng bộ chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, thực hiện tốt hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... từ đó mới có dữ kiện cung - cầu cho việc hoạch định đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế.
Dựa trên cơ sở đánh giá toàn diện các mặt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, mục tiêu tổng quát từ nay đến năm 2030 mà Tỉnh ủy đề ra đó là “phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng có kỹ năng nghề phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Cụ thể, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 85-86,5%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 23,6%. Thu hút khoảng 15.000 người lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, trong đó có 85% lao động được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Có khoảng 63,5% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành Nông nghiệp. Tương tự, định hướng đến năm 2030, thu hút khoảng 20.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, trong đó có 90% lao động thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Và có khoảng 65% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành Nông nghiệp.
Ngoài ra, Lâm Đồng cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11/3/2018 để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đặt hàng đào tạo gắn với địa chỉ việc làm. Riêng đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thúc đẩy đầu tư phát triển trường chất lượng cao, trung tâm thực hành theo vùng, tạo cơ sở đào tạo kỹ năng nghề có chất lượng, đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
TUẤN LINH - XUÂN TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin