Xác định công tác phổ cập giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, huyện Đơn Dương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở tất cả các cấp học. Hiện, tất cả 10 xã và thị trấn của huyện đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Điều này không chỉ thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí người dân mà còn góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
|
Học sinh vùng sâu, vùng xa được đến trường vui chơi, học tập đúng độ tuổi |
Huyện Đơn Dương hiện có 4 trường trung học phổ thông (THPT), 14 trường trung học cơ sở (THCS), 21 trường tiểu học, 15 trường mầm non và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Theo ông Trần Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, các trường đều được bố trí tương đối hợp lý theo địa bàn dân cư, mỗi xã, thị trấn đều có ít nhất 1 đến 2 trường mầm non; trường tiểu học và trường THCS hoặc THPT. Việc bố trí này giúp học sinh thuận tiện ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. “Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn Đơn Dương cũng được huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hóa. Đến nay, trên toàn huyện không còn trường, lớp học tạm bợ”, ông Dũng cho biết.
Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn, hàng năm, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện còn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Mặt khác, Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục của huyện cũng thường xuyên theo dõi và có những chỉ đạo kịp thời trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trên địa bàn, nhất là công tác điều tra, nhập liệu, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các xã, thị trấn… Các đơn vị giáo dục trên toàn huyện đã thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục, mở rộng diện tích đất, hoán đổi vị trí trường học phù hợp nhiệm vụ giáo dục, địa bàn phân bố.
Với công tác phổ cập giáo dục, việc thu hút học sinh đến lớp được xem là yếu tố hết sức quan trọng. Vì vậy, các địa phương cùng các trường trên địa bàn huyện đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục phụ huynh học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc học. Đặc biệt, với các địa bàn có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, các trường đã phối hợp với các già làng, trưởng bản, trưởng thôn và những người có uy tín, thân tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, xóa mù chữ. Riêng với học sinh bỏ học, giáo viên sẽ cùng với những người có uy tín của địa phương trực tiếp đến nhà vận động, thuyết phục và tìm nguồn hỗ trợ kinh phí cho các em đi học trở lại. “Để thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huyện Đơn Dương đã huy động cả hệ thống chính trị cùng sự đồng tình hưởng ứng của người dân”, ông Dũng nói.
Song, để học sinh gắn bó và yêu thích học tập, việc cải tiến nội dung giảng dạy, phương pháp truyền thụ cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Theo đó, các trường học trên địa bàn huyện không ngừng đầu tư nâng cấp, sửa chữa trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, giáo viên đã chủ động tìm tòi, áp dụng các phương pháp mới vào môn học như sử dụng âm thanh, hình ảnh, bài giảng đa phương tiện, các trò chơi trí tuệ... giúp học sinh dễ dàng tiếp thu nội dung, kiến thức mới, có thêm hứng thú đến trường vui chơi và học tập hiệu quả.
Từ những giải pháp thiết thực này, công tác giáo dục phổ cập, xóa mù chữ của huyện Đơn Dương đã đạt được những thành tựu nổi bật. Riêng trong năm học 2021 - 2022, tất cả 10 xã, thị trấn trong huyện đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2; 8/10 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Đặc biệt, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Các cơ sở vật chất giáo dục đều được đầu tư xây dựng theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, có 47 trên tổng số 54 trường đạt trường chuẩn quốc gia. Những kết quả tích cực này không những góp phần nâng cao chất lượng dân trí, giáo dục mà còn giúp cải thiện năng suất, hiệu quả kinh tế, phát triển xã hội của địa phương.
Theo ông Trần Hùng Dũng, để duy trì và nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng giáo dục đảm bảo về chất lượng lẫn số lượng, thời gian tới, ngoài tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, UBND huyện và Ban Chỉ đạo các cấp; sắp xếp mạng lưới trường lớp hợp lý; đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu; huyện Đơn Dương sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học cũng như quản lý giáo dục. Trong đó, ngành Giáo dục – Đào tạo sẽ tích cực áp dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động giảng dạy và quản lý; chú trọng số hoá học liệu, xây dựng các bài giảng đa phương tiện nhằm tăng tính hấp dẫn của tiết học cũng như nâng cao khả năng tiếp thu của các học sinh. Mặt khác, huyện cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, từ đó, có biện pháp phù hợp để duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, với các tiêu chí về Giáo dục - Đào tạo.
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin