(LĐ online) - Trong màn sương buổi sớm, sân Trường THCS Tân Thượng ở xã vùng xa Tân Thượng, huyện Di Linh mỗi sáng thứ Hai như bừng sáng, rực rỡ hơn bởi những sắc màu trong trang phục truyền thống của dân tộc K’Ho, Mường, Nùng, Khơ me, Sán Dìu,… mà các em học sinh mặc đến trường.
Học sinh Trường THCS Tân Thượng hào hứng khi được mặc trang phục truyền thống đến trường. (Ảnh trường cung cấp)
Mộc mạc, gần gũi và giản đơn nhưng không kém phần duyên dáng, trang trọng, từ năm học 2022 - 2023, những cô cậu học trò Trường THCS Tân Thượng lại thêm phần háo hức, mong ngóng đến ngày chào cờ đầu tuần hay mỗi dịp lễ, hội để được khoác lên bộ đồng phục đặc biệt: trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Nằm yên bình dưới tán thông xanh, ngôi Trường THCS Tân Thượng cách trung tâm huyện Di Linh chừng 20 km với 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 386 em học sinh thuộc 12 lớp học của các khối. Trong đó, có đến 89,6% là học sinh người đồng bào các dân tộc thiểu số K’Ho, Sán Dìu, Nùng, Tày… Theo thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, điều này càng đặt ra cho giáo viên cùng Ban Giám hiệu nhiệm vụ đặc biệt quan tâm hơn đến việc giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho các em học sinh, và trang phục là một trong những nét văn hóa đặc sắc đó.
Những bẽn lẽn, ngại ngần ngày đầu mang trang phục truyền thống đến trường thay cho đồng phục quần xanh áo trắng nhanh chóng được thay thế bằng sự tự tin, hào hứng và phấn khích. Dưới ánh nắng sớm, em Từ Thị Ngọc Hiền – học sinh lớp 7A3 thêm phần rạng rỡ hơn trong trang phục truyền thống của người Sán Dìu với bộ váy áo màu chàm và thắt lưng bằng dải lụa màu xanh nổi bật. Hiền có mẹ là người Sán Dìu, bố là người Nùng nên mỗi dịp Tết đến xuân về, hay có lễ hội, thì văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống của hai dân tộc luôn hiện hữu trong căn nhà nhỏ của em. Với Hiền, việc được mặc bộ váy dân tộc mình tới trường là lời nhắc nhở để mỗi ngày em và các bạn biết trân quý, giữ gìn nét đẹp văn hóa ấy.
Duyên dáng trong trang phục truyền thống, những cô cậu học trò nhỏ vui vẻ nói về văn hóa của dân tộc mình
Cô học trò nhỏ Ka Phương Trinh – học sinh lớp 6A2 xinh xắn trong bộ váy áo thổ cẩm của người K’Ho được mẹ dắt đi may ngay khi nhà trường có thông báo học sinh sẽ mặc trang phục truyền thống vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần. Cô bé vui lắm, bởi ở nhà, mỗi lần nhìn mẹ mặc váy thổ cẩm là em lại thấy mẹ đẹp hơn, và ước ao được mặc đồ giống mẹ. Rồi ước muốn của Trinh cũng đã thành hiện thực, em bảo rằng mình tự tin hơn rất nhiều về dân tộc mình mỗi khi đến lớp. “Mỗi ngày đến trường, chúng em có thể tự hào nói với các bạn trong lớp về bộ áo quần mà em đang mặc để các bạn có thể hiểu hơn về dân tộc mình”, Ka Phương Trinh vui vẻ nói.
Hay với Bùi Thị Phương Anh - cô học sinh lớp 6A1 là người dân tộc Mường, bộ trang phục mà em mang đến lớp, là món quà được người thân gửi từ tận quê hương Hòa Bình. Thế nên, mỗi lần em nhẹ nhàng, dịu dàng trong bộ váy áo và chiếc khăn đội đầu là mỗi lần em thấy xúc động, biết ơn những yêu thương từ miền Bắc xa xôi và thêm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Không chỉ học sinh, những giáo viên người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn hằng ngày mặc trang phục truyền thống như một cách gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình
Không riêng học sinh, mà các thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số của Trường THCS Tân Thượng cũng tự tin mặc trang phục truyền thống mỗi khi lên bục giảng. Xinh đẹp và duyên dáng trong tà áo được may từ vải thổ cẩm cách điệu một vài chi tiết, cô giáo Ka Duýs (23 tuổi) - giáo viên trẻ nhất của Trường THCS Tân Thượng tươi cười bảo rằng, bây giờ, ngày thứ Hai mỗi tuần là ngày cả giáo viên lẫn học sinh trong trường mong chờ nhất, bởi ai cũng đẹp hơn trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Cô giáo Ngữ văn trẻ tuổi chia sẻ: “Đứng trên bục giảng với những bộ trang phục truyền thống, tôi càng thấy trân trọng hơn giá trị văn hóa của dân tộc mình. Học sinh cũng háo hức tìm hiểu về dân tộc của các bạn xung quanh thông qua bộ trang phục mà các bạn mặc đến lớp. Cũng từ việc quy định mặc đồ truyền thống dân tộc đến lớp, thời gian sau này, giáo viên trong trường dần nhận thấy ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của các em từ đó cũng được tăng lên. Điều này thật sự đáng mừng khi mà văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng đứng trước nguy cơ mai một”.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng cho biết, là trường vùng xa với tỷ lệ con em dân tộc thiểu số chiếm khá lớn, việc quy định mặc trang phục truyền thống dân tộc mình trong ngày thứ Hai, những ngày lễ lớn trong năm là để các em thêm hiểu về truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, không chỉ góp phần khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo nên một không gian văn hoá dân tộc thiểu số đa màu sắc trong môi trường học đường.
Bên cạnh đó, nhà trường còn quan tâm tới việc trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương thông qua hình thức tích hợp các môn học, chương trình giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Để từ đó, mỗi học sinh sẽ là một “đại sứ” của dân tộc mình, và sự tự tin, tự hào trong mỗi trái tim sẽ được bồi đắp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để cùng đồng hành với các em trong hành trình trưởng thành mai sau.
Duyên dáng trong trang phục truyền thống, những cô cậu học trò nhỏ vui vẻ nói về văn hóa của dân tộc mình
Giờ ra chơi, sân trường rộn ràng hơn bởi giữa đồng phục quần xanh áo trắng là những trang phục truyền thống của người đồng bào K’Ho, Sán Dìu,..
Trong học tập hay trình diễn văn nghệ, các em học sinh và giáo viên đều tự hào khi được khoác trên mình trang phục truyền thống
(LĐ online) - Chiều 10/11, ông Ciaran Chestnutt - Phó Tổng lãnh sự - Lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp với Cựu du học sinh Australia tại TP Đà Lạt.
(LĐ online) - Sau một ngày diễn ra hào hứng, sôi nổi tại Làng văn hóa Chu Ru (thôn Đông Hồ, xã Proh), đêm 10/11, Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương lần thứ I – 2022 mang chủ đề "Âm vang Đơn Dương" đã bế mạc.
(LĐ online) - Ngày 11/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022...
(LĐ online) - Ngày 11/11, ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an huyện, các xã, thị trấn và Ban giám hiệu các nhà trường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bạo lực học đường.
(LĐ online) - Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 có chủ đề "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng" được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2022.
(LĐ online) - Ngày 11/11, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm xác định và báo cáo tình trạng tiêm vắc xin phòng Covid-19 của bệnh nhân tử vong có nhiễm SARS-CoV-2.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin