Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh: Tư liệu |
Năm nào cũng vậy, cứ chiều mồng một Tết, Bác Hai Minh, người hàng xóm, sang nhà ba tôi chúc Tết, uống ly trà đầu năm rồi đàm đạo chuyện xưa nay. Ở cái tuổi “bát lục niên thọ hỷ”, Bác Hai đã trải qua nhiều cung bậc cuộc đời, từng đi qua làn ranh giữa cái chết và sự sống thời chiến tranh. Trong nhiều câu chuyện đàm đạo giữa Bác Hai với ba tôi, tôi nhớ như in lời Bác Hai nói:
- Công nhận “anh Đảng” này, ảnh giỏi thiệt!
Lời nói mộc mạc, dân dã đó khiến tôi không thể nín cười vì từ hồi nào tới giờ có ai gọi Đảng là “anh Đảng” đâu. Cách gọi đó nghe thì ngồ ngộ nhưng rất đỗi thân tình. Ba tôi vốn là nhà giáo. Nghe Bác Hai nói thế liền hỏi lại:
- Giỏi như thế nào Anh Hai?
- Thì từ hồi mấy thằng Tây tới, mình có nhiều cuộc khởi nghĩa chống Tây, nào là Khởi nghĩa Trương Định; Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, Khởi nghĩa Ba Đình; Bãi Sậy; Hùng Lĩnh; khởi nghĩa của ông Phạm Bành, Đinh Công Tráng rồi Khởi nghĩa Phan Đình Phùng; Khởi nghĩa Yên Thế của ông Đề Thám. Nhiều vô số kể Anh Ba, tui không nhớ hết. Cả vua Hàm Nghi cũng kịch liệt chống Pháp, nhưng tất cả đều bị trảm, bị lưu đày biệt xứ. Chỉ khi “anh Đảng” ra đời thì mình mới đuổi được mấy thằng Tây về nước.
Ba tôi cười:
- Anh Hai có vẻ thông kinh, thuộc sử hỉ, nhưng không chỉ có Tây đâu Anh Hai, sau này mình còn đánh đuổi cả Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nếu không có “anh Đảng” thì không biết hôm nay tui với anh như thế nào?
- Chắc cũng xanh cỏ rồi Anh Ba ơi! Hớp ngụm trà, Bác Hai chắp chắp giọng nói tiếp:
- Công nhận cái đầu “anh Đảng” hay ở chỗ thu phục nhân tâm. Ảnh ở tận đẩu, tận đâu, vậy mà ngoài Bắc trong Nam người người đi theo ảnh. Ở Bình Định quê tui cứ “ngày Quốc gia, tối thì Cộng sản”. Cán bộ của Việt Minh đi đâu cũng được bà con thương yêu, đùm bọc. Thậm chí, có con gà, buồng chuối, trái mít, củ sắn, củ lang, dân mình cũng để dành cho cán bộ; trai tráng trong xóm, trong làng “trốn quân dịch”, háo hức đi theo Việt Minh làm du kích, làm bộ đội địa phương.
Ba tôi tiếp lời:
- Mẹ tui có 6 anh em trai, thằng em kế tôi thứ tư vì sợ bị bắt đi quân dịch nên nó dùng búa chẻ củi chặt đứt một phần bàn chân của nó. Thoát bị bắt đi quân dịch, nó ở nhà tham gia đội tuyên truyền Việt Minh. 3 thằng em sau, nằng nặc đòi đi bộ đội địa phương. Ngày thì ở núi ở rừng, lâu lâu ban đêm lẻn về thăm gia đình rồi tức tốc quay về đơn vị. Được mấy năm cả ba anh em nó đều hy sinh cả. Năm ngoái mới tìm được hài cốt…
Trầm ngâm một lát, giọng Bác Hai buồn buồn:
- Hy sinh nhiều lắm Anh Ba… Thằng Chính nhà tôi cũng hy sinh ở chiến trường Campuchia, đến giờ cũng chưa tìm được hài cốt…
Để câu chuyện đầu xuân không bị rơi vào điệu nhạc buồn, ba tôi đổi giọng:
- Nó hy sinh để bây giờ tui với anh được hưởng an lạc, thanh bình.
Nghe thế Bác Hai cười tươi rồi nói:
- Cuộc sống bây giờ sướng quá rồi Anh Ba, bù cho những ngày sau giải phóng. Thời đó thiệt là khổ Anh Ba hỉ!
- Hà, hà, thời củ sắn, củ mì mà Anh Hai. Hồi đó, tui làm giáo viên mỗi tháng được mua 3 ký gạo sổ, còn lại là khoai khoai sắn sắn; thịt tem phiếu được mua nửa ký nhưng không dám mua thịt mà chỉ mua mỡ, rán lên để dành xào rau muống…; mua được ký cá thì đổ cả ký muối vào ủ cả ngày cho thấm rồi kho thiệt mặn, mỗi bữa ăn dích từng chút, từng chút. Tui nhớ, bà nhà tôi mua một ký cá mà cả nhà ăn cả tuần, 10 ngày chưa hết… Khổ như vậy nhưng không ai phàn nàn, vì nếu so với thời chiến tranh thì cái khổ đó vẫn còn sướng hơn rất nhiều. Anh Hai có nhớ không, hồi chiến tranh bà con mình thường nói hòa bình rồi ăn hạt muối cũng ngon.
- Chớ sao Anh Ba, đang ăn nghe đạn nổ đùng đùng là bỏ cơm mà chạy, thậm chí có người sợ đến nổi té đái ra quần. Lúc đó có ăn vàng cũng chẳng thấy ngon. Anh Ba này, anh là nhà giáo chắc anh hiểu rõ hơn tui. Tui hỏi anh, sao mà cái thời đó khổ dữ vậy, lẽ ra thống nhất đất nước rồi, hết bom đạn rồi bà con mình phải sống sướng chứ anh?
- Anh Hai cứ nghĩ đi, một ngày bom đạn tàn phá thì phải tốn bao nhiêu năm tái thiết; hàng chục năm chiến tranh tàn phá thì phải mất bao nhiêu năm xây dựng lại. Hơn nữa, mình vừa giải phóng xong, thì mấy thằng cha Pôn - Pốt gây sự đánh phá biên giới phía Nam; ông anh phía Bắc thì đem quân đánh phá phía Bắc, thằng Chính con nhà anh hy sinh ở chiến trường Campuchia là tại mấy thằng cha đó. Thêm nữa, hồi đó mình bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận không cho làm ăn buôn bán. Đã nghèo lại còn thêm ngặt nên dân mình mới đói khổ…
Nghe ba tôi giải thích, Bác Hai như hiểu ra:
- Chà, nếu không bị như vậy, thì đất nước mình bây giờ đã giàu hơn rất nhiều rồi Anh Ba hỉ!
- Nhưng thôi Anh Hai, đừng “được voi đòi tiên”, thế hệ tui với anh không “xanh cỏ” là phước đức ông bà, tổ tiên để lại, hôm nay có được cuộc sống như thế này thì đã mãn nguyện lắm rồi. Được ở nhà xây, cơm ngày ba bữa; thịt, cá ăn phát ớn, đường sá bê tông to rộng, đèn điện sáng trưng; con cái tuy không giàu nhưng cũng đủ đầy… Cháu nội, cháu ngoại học hành đến nơi đến chốn, không còn lo lắng gì cả.
- Tui 87, anh 86, lo gì nữa Anh Ba, chỉ lo tập dưỡng sinh để sống thêm được ngày nào với con với cháu là mừng rồi. Không biết anh nghĩ sao, chứ còn tui thì rất ghét một số người so sánh cuộc sống của bà con mình với người dân một số các nước khác, họ nói mình còn nghèo, còn khổ, thu nhập thấp kém. Tui thì tui không cần so sánh đâu xa, so sánh ngay với cái thời của tui với anh trước đây thôi, thì cũng thấy rõ cuộc sống bây giờ đã sướng hơn ngày trước rất nhiều. Mà có được như vậy cũng nhờ “anh Đảng”.
Ba tôi tiếp lời:
- Bà con mình biết “anh Đảng”, phục “anh Đảng”, tin “anh Đảng” thông qua cái gì Anh Hai biết không? thông qua cuộc sống hàng ngày. Bà con có ăn no, ăn ngon không? Có mặc ấm, mặc đẹp không? Nhà xây to rộng có nhiều không? Ti vi, xe máy, xe ô tô có nhiều không? Ngày giỗ, ngày kỵ con cháu có tiền về đông đủ hay không? Tuổi già như tui với anh có được Nhà nước quan tâm không? Thanh niên trai tráng có bị thất nghiệp hay không? Rất nhiều thứ để nhìn thấy “anh Đảng” trong cuộc sống thường ngày Anh Hai à.
- Tui cũng nghĩ như anh, Đảng không phải ở trên trời. Những điều Anh Ba nói, “anh Đảng” này đã làm được hết. Tuổi già như tui cũng được chu cấp tiền già 300 ngàn một tháng, không nhiều nhưng rất vui…
Ba tôi và Bác Hai hàng xóm không nghĩ rằng Đảng phải bệ vệ, oai quyền, tiền hô hậu ủng, quần thần lớp lớp mà ba tôi và Bác Hai hàng xóm chỉ nhìn thấy “anh Đảng” của mình trong cuộc sống dung dị đời thường. Với những người như ba tôi và Bác Hai, thì Đảng không xa, Đảng hiện hữu trong mỗi một gia đình, trong mỗi xóm, làng.
Suốt cuộc hành trình 93 năm, từ biết bao khó khăn, gian khổ, Đảng đã thấm vào lòng dân, ở trong ý nghĩ của dân, biến những khát vọng của dân thành hiện thực.
Không có Đảng làm sao đuổi được Tây, giành độc lập cho dân, cho nước; không có Đảng làm sao đuổi Mỹ, thống nhất giang sơn, phát triển cơ đồ. Không có Đảng làm sao bảo vệ từng tấc đất biên cương, giữ yên biển trời; và nếu không có Đảng thì làm sao có được cuộc sống an bình, thịnh vượng như lời Bác Hai nói.
Bác Hồ Kính yêu đã dạy: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”. Rõ ràng, Đảng không ở đâu xa, Đảng luôn hiện hữu trong từng ngôi nhà, trong mọi ngõ ngách của cuộc sống đời thường. Chính vì vậy, Tạ Hữu Yên đã “Nghĩ về Đảng”: Đảng là lúa chín mùa no/ Đồng quê bay bổng cánh cò ca dao/ Đảng là điện sáng vùng cao/ Mái trường ngói đỏ, vuông ao quanh nhà / Đảng là cây bốn mùa hoa/ Sắc hương bề bộn tay ta vun trồng/ Đảng là nắng ấm vầng đông/ Trời xanh chim lượn trăm vòng thảnh thơi/ Đảng là của bạn của tôi/ Trong veo phẩm chất, sáng ngời thanh danh.
93 năm, mục tiêu của Đảng từ khi ra đời và mãi mãi là xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, tự do; là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sánh vai với các cường quốc năm châu. 93 năm qua, dù chưa thể xóa hết những mảng tối màu trong bức tranh nhiều điểm sáng, nhưng những gì mà Đảng đã làm cho dân, cho nước đã minh chứng rõ ràng: Đảng không đâu xa, Đảng luôn gần dân và dân luôn cận kề bên Đảng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin