Tạo động lực phát triển đất nước

LINH NHÂN 06:34, 29/02/2024

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) 2024, gồm 16 chương và 260 điều. Luật Đất đai (sửa đổi) là cơ sở pháp lý cho việc triển khai trên thực tiễn, góp phần khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường của đất nước trong thời gian tới. Kỳ vọng tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại các nghị quyết và kết luận đã đề ra, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII; đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa phát triển các quy định đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đất đai với pháp luật khác có liên quan… với rất nhiều điểm mới. Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 có tác động một cách sâu rộng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhiều giai tầng, nhiều đối tượng, nhiều thành phần sử dụng đất; do đó cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đời sống của Nhân dân. Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực sẽ góp phần quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạọ nguồn lực, động lực to lớn thúc đẩy đất nước ta phát triển trở thành nước có thu nhập cao như Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã đưa ra.

Sở dĩ chúng ta hy vọng vào những điều nêu trên là bởi Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần khắc phục được các bất cập, hạn chế, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn cho người dân, đặc biệt là doanh nghiệp; tạo cơ sở pháp lý tiếp tục thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khi đất đai trở thành tài sản và là nguồn lực, nguồn vốn của cả người dân và doanh nghiệp được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, khi đất nông nghiệp được sử dụng hiệu quả hơn sẽ tạo điều kiện thúc đẩy ngành Nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân ngày càng giàu có và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; từ đó cũng tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa, phát triển các khu dân cư nông thôn... Đồng thời, Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 còn tạo điều kiện sử dụng đất rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công viên, khu vui chơi giải trí…

Để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng theo thẩm quyền cần: Khẩn trương, trách nhiệm sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giải thích về các văn bản hướng dẫn thi hành luật để các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu được và tạo sự đồng thuận trong việc tổ chức, thực hiện. Thực hiện đề án truyền thông chính sách, tuyên truyền phổ biến về luật, đưa các điều khoản, quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) được thực thi, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn; chú trọng tập huấn, quán triệt đến những người làm công tác lãnh đạo, quản lý đất đai từ Trung ương tới các địa phương. Hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung...

Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 sẽ là giải pháp đồng bộ, quan trọng để khơi thông nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường của đất nước trong thời gian tới.