Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người dân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám lật đổ chế độ phong kiến nhiều thế kỷ đã lỗi thời, đập tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, giành chính quyền về tay nhân dân.
(Trích diễn văn Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9)
|
Đ/c Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: V.B |
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người dân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám lật đổ chế độ phong kiến nhiều thế kỷ đã lỗi thời, đập tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, giành chính quyền về tay nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một nhà nước kiểu mới - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được xây dựng. Sự kiện trọng đại này mở ra thời kỳ mới cho nhân dân Việt Nam và cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX, bắt đầu một quá trình sụp đổ không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần và quyết tâm của nhân dân các dân tộc bị áp bức đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự lựa chọn của chính nhân dân Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam qua nhiều thập kỷ khảo nghiệm, tìm tòi con đường cứu nước; là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng và để lại nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá cho cách mạng Việt Nam.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đe dọa, khó khăn chồng chất, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng đã cùng toàn dân ta làm nên những điều kỳ diệu: Thực hiện thắng lợi Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương; củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng nền kinh tế mới, văn hóa mới, đời sống mới. Đó là những điều kiện và cơ sở pháp lý có tầm quan trọng đặc biệt để Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, kiên quyết bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám.
Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng và ủy ban khởi nghĩa, với khí thế hừng hực của cách mạng, các tầng lớp nhân dân đã đem hết sức mình chạy đua với thời gian; các đoàn thể công nhân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão và các đội tự vệ được tổ chức lại và tự vũ trang bằng những thứ vũ khí sẵn có, nổi dậy giành chính quyền.
Đêm 21/8/1945, Hội nghị lịch sử bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra ở Đà Lạt, Ủy ban khởi nghĩa quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Lạt - Lâm Viên, Đồng Nai Thượng vào ngày 23/8/1945. Hội nghị phân công cán bộ, đảng viên cơ sở cốt cán xuống các địa bàn phổ biến kế hoạch, tổ chức lực lượng may cờ, viết khẩu hiệu, sắm vũ khí,... Mặc dù chưa bắt được liên lạc và sự chỉ đạo của cấp trên, nhưng do nhạy bén với tình hình, được sự chỉ đạo của tổ chức Đảng tại chỗ, nhân dân vùng Trạm Hành, Cầu Đất, D’Ran đã nổi dậy giành chính quyền vào ngày 22 tháng 8 năm 1945 thành công. Đồng thời, ngay trong đêm đó, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trịnh Lý cùng một số cán bộ và 2 tiểu đội thanh niên có vũ trang dùng xe ô tô, cắm cờ đỏ sao vàng, tiến xuống Di Linh; dọc đường đi, đoàn đã tước súng của bọn lính Nhật ở các trạm gác Liên Khàng, Đại Ninh, được sự giúp đỡ của lực lượng tại chỗ đã tiến thẳng đến tòa sứ Di Linh, buộc Tỉnh trưởng Cao Minh Hiệu đầu hàng.
Tại Đà Lạt, sáng ngày 23/8/1945, từ các địa bàn trong và ngoại ô thị xã, các tầng lớp nhân dân với hàng ngũ chỉnh tề, mang theo cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, các loại vũ khí thô sơ rầm rộ kéo về trung tâm, thực hiện lệnh của Ủy ban khởi nghĩa; lực lượng kéo đến bao vây dinh Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên (nay là số 4 đường Thủ Khoa Huân). Trước sức mạnh của quần chúng và thái độ cương quyết của Ủy ban khởi nghĩa, Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên phải tuyên bố đầu hàng, giao nộp ấn, tín, sổ sách cho đại biểu Ủy ban khởi nghĩa. Sau khi lấy xong dinh Tỉnh trưởng, lực lượng khởi nghĩa kéo đến phá nhà lao Đà Lạt, bao vây đồn bảo an và dinh Tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh, bắt giam tổng đốc, thu ấn, tín, sổ sách giấy tờ; rồi chia thành từng đoàn nhỏ để tiếp quản các vị trí quan trọng khác.
Tối ngày 23/8/1945, Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Lâm Viên được thành lập. Ngay trong đêm (23/8), Ủy ban đã cử đồng chí Hồ Nhã Tránh xuống Đồng Nai Thượng để giúp tỉnh thành lập chính quyền. Chiều ngày 28/8/1945, tại sân vận động Di Linh, trước hàng trăm công chức, thanh niên, đồng bào dự mít tinh; đồng chí Hồ Nhã Tránh thông báo cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước, ở Đồng Nai Thượng chính quyền đã thuộc về tay nhân dân và giới thiệu với đông đảo quần chúng nhân dân thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh.
Như vậy, chỉ trong vòng 7 ngày (từ ngày 22 đến ngày 28/8/1945), với khí thế sục sôi cách mạng của quần chúng nhân dân, mà hạt nhân lãnh đạo là các chi bộ Đảng, tổ chức quần chúng, lực lượng tự vệ, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở.
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thắng lợi, đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng đối với phong trào cách mạng địa phương. Góp phần cùng nhân dân cả nước đập tan gông cùm tàn bạo của phát xít Nhật, ách thống trị của thực dân Pháp suốt 87 năm, lật nhào chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc ta bước sang trang sử mới.
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và giành được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Bộ mặt của tỉnh từ thành thị, nông thôn đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tại chỗ có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Năng lực sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong và ngoài tỉnh vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Các lĩnh vực đột phá phát triển chưa tương xứng yêu cầu phát triển của địa phương. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ có sự chênh lệch giữa vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với vùng đô thị; giảm nghèo chưa thật bền vững, đời sống một bộ phận nhân dân nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. An ninh, chính trị còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Trước những thời cơ và thách thức, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X của tỉnh Đảng bộ sắp tới đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh toàn dân; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng lợi thế so sánh của địa phương; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, hội nhập và hợp tác quốc tế; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường công tác quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững, đây chính là góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta tự hào về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta càng tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới đất nước mà Đảng ta, nhân dân ta đang ra sức thực hiện. Chúng ta tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng của đất nước, của dân tộc trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mãi mãi soi đường, khích lệ các thế hệ người Việt Nam chúng ta trên con đường xây dựng đất nước phát triển như mong ước của Bác Hồ và các thế hệ cha ông từng làm nên sự kiện lịch sử vẻ vang, sáng chói của dân tộc 70 năm trước.
Nhân dịp này, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí trong tỉnh phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT - XH, quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(*) Tít do Tòa soạn rút