Để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có hiệu quả

08:10, 24/10/2019

(LĐ online) - Ngày 23/9, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định 205/QĐ-TW gồm 15 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (23/9/2019).

(LĐ online) - Ngày 23/9, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định 205/QĐ-TW gồm 15 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (23/9/2019).
 
Quy định 205- QĐ/TW nêu  rõ: Quyền  lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.
 
Quy định này của Bộ Chính trị có những nội dung mới, đó là: (I) Kiểm soát quyền lực theo theo 6 nhóm chủ thể: Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; Đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; Đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị; Đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp; Đối với cán bộ tham mưu, đề xuất; Đối với nhân sự. Việc xác định rõ nhóm chủ thể cần kiểm soát có ý nghĩa gắn trách nhiệm, nêu những việc phải làm, không được làm đối với từng nhóm.(II) Xác định cụ thể 06 hành vi chạy chức, chạy quyền; nhận diện rõ thế nào là chạy chức chạy quyền, thế nào là bao che, tiếp tay; có ý nghĩa vừa giúp các đối tượng tự kiểm soát, đồng thời giúp cho cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền nhận diện rõ hành vi vi phạm để xử lý. (III) Quy định bổ sung các biện pháp xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền; đảng viên vi phạm ngoài chịu hình thức xử lý kỷ luật theo quy định trước đây thì còn phải chịu các hình thức xử lý bổ sung tương ứng. (IV) Quy định này gắn với xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện nêu gương, đề cao tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của Đảng viên. (V) Quy định nhằm đảm bảo tính khách quan cho người thực thi nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn tiêu cực “lợi ích nhóm” hay “tranh thủ cuối nhiệm kỳ”; theo đó, người đứng đầu một tổ chức khi có thông báo nghỉ hưu, chuyển công tác nếu có nhu cầu về công tác tổ chức, cán bộ thuộc thẩm quyền thì phải báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến.
 
Có thể nói, Quy định 205-QĐ/TW như một liều thuốc mạnh nhằm trị từ gốc căn bệnh lợi dụng chức quyền trong Đảng để mưu cầu lợi ích cá nhân, nguyên nhân của quốc nạn tham nhũng hiện nay. Bởi với những nội dung trong Quy định này cho thấy những hành vi lợi dụng quyền lực để dung túng cho chạy chức, chạy quyền, đề tham nhũng,… sẽ không thể né tránh được. Trước đây, Đảng ta cũng đã đề ra các quy định, quy trình về công tác cán bộ, nhưng quá trình kiểm soát hành vi chưa được chặt chẽ, đặc biệt chưa xác định rõ trách nhiệm của từng loại đối tượng, chưa chỉ ra những hành vi cụ thể nên các đối tượng đã sử dụng quyền lực của mình để làm những điều sai trái nhưng vẫn né trách được trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho “quyết định của tập thể”. 
 
Quy định 205-QĐ/TW được ban hành trong thời điểm mà các cấp ủy đang triển khai Chỉ thị 35 về chuẩn bị Đại hội Đảng thì càng có ý nghĩa hơn, đảm bảo được phương án lựa chọn nhân sự, chọn được cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo. Bảo đảm được các điều này sẽ đưa đến kết quả góp phần tích cực vào việc chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.
 
Để thực hiện quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền đạt hiệu quả cao trong thực tiễn, nhất là quá trình tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các tổ chức đảng cần phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh một số điềm sau đây:
 
Trước hết, phải quán triệt, tuyên truyền mạnh mẽ, thường xuyên,sâu rộng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng chống chạy chức chạy quyền; nâng cao ý thức tự trọng cả người có trách nhiệm, người có thẩm quyền trách nhiệm và cả nhân sự; chống bôi nhọ, nói xấu nhau, cũng như các thủ đoạn tinh vi khác. 
 
Thứ hai, tiếp tục cụ thể hóa, rà soát, bổ sung, sửa đổi không ngừng hoàn thiện các nguyên tắc tổ chức, hoạt động; các quy chế, quy định của Đảng, đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, liên thông về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, các mặt không chỉ ở trong Đảng, mà cả trong bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; tránh tình trạng thiếu đồng bộ, không thống nhất rất khó quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể có liên quan. Đặc biệt, Ủy ban kiểm tra phải thể chế hóa thành khung khi xử lý đối với các hành vi đã được nêu trong quy định.
 
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các quy định của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Theo đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất, coi trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra nội bộ trong công tác cán bộ nói chung và theo chuyên đề nói riêng; đặc biệt coi trọng cảnh báo, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh vi phạm để đảm bảo ngăn ngừa làm sao không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy. Việc tang cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo không chỉ để phát hiện ngăn ngừa, tìm ra những người vi phạm để xử lý đến nơi đến chốn mà còn minh oan cho những người không sai phạm để họ tiếp tục được quy hoạch, được bổ nhiệm, có như thế mới tạo được lòng tin trong cán bộ và nhân dân. 
 
Thứ tư, xây dựng cơ chế hữu hiệu vừa kiểm soát chặt chẽ quyền lực các khâu trong công tác cán bộ, vừa đảm bảo thực thi nghiêm minh, có hiệu quả ở mọi cấp, mọi ngành; hướng tới hình thành một môi trường văn hóa, lành mạnh có tính bền vững trong công tác cán bộ.
 
Thứ năm, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, đặc biệt trong công tác cán bộ. Điều này đòi hỏi phải công khai, minh bạch tất cả các hoạt động của Đảng kể cả vấn đề tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và kỷ luật cán bộ. Trước đây, chúng ta xem công tác cán bộ là công việc của Đảng, một vấn đề có tính nhạy cảm, nên thường tiến hành nội bộ, do đó người dân đâu biết, mà nếu có biết cũng không thể tham gia được. Thời gian gần đây, nhiều thông tin về công tác cán bộ như tuyển dung, bổ nhiệm, đề bạt, xử lý cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp đã công khai trên công luận để người dân biết, từ đó tạo dư luận đồng tình hay phản đối, giúp các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm xử lý những trường hợp vi phạm. Rõ ràng, việc công khai, minh bạch để người dân giám sát, tham gia đóng góp vào công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ là rất cần thiết…
 
Điều quan trọng là để việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo Quy định 205-QĐ/TW thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị phải chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Đồng thời, nâng cao ý thức tự trọng của người có trách nhiệm, người có thẩm quyền trách nhiệm và bản thân các nhân sự.
                                                                                                                   
  VĂN NHÂN