Tinh gọn bộ máy hành chính, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp

07:10, 26/10/2019

Ngày 25-10, Quốc hội (QH) khóa XIV, làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của: Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Kiểm toán nhà nước...

Ngày 25-10, Quốc hội (QH) khóa XIV, làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của: Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Kiểm toán nhà nước. Các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật nêu trên.
 
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường
 
Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nêu rõ, để có thể đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và thể chế hóa Nghị quyết của T.Ư về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần có thời gian để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu một cách căn cơ, toàn diện, kỹ lưỡng, từ đó đề ra các giải pháp khả thi và đồng bộ. Với tinh thần tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa hai luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa T.Ư và địa phương, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.
 
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật nêu trên, các đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi); Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cùng một số đại biểu cho rằng, để bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế và quản lý hiệu quả biên chế, Chính phủ nên quy định số lượng biên chế tối đa của các cơ quan, đơn vị, căn cứ theo vị trí việc làm, xác định số biên chế tối đa để làm cơ sở pháp lý thực hiện lộ trình tinh giản biên chế. Về tổ chức chính quyền địa phương, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật vẫn nặng về giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), phó trưởng ban, các ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện mà chưa chú trọng nhiều việc sửa đổi, bổ sung quyền hạn, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Trong khi đó, nhiệm vụ của HĐND không chỉ là biểu quyết thông qua các vấn đề UBND trình mà phải tăng cường đi vào chiều sâu, dự báo, cân đối nguồn lực của địa phương, giữ vững định hướng phát triển.
 
Về số lượng phó chủ tịch HĐND tỉnh, có ý kiến tán thành với phương án một, đó là giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có hai phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Bên cạnh đó, một số đại biểu tán thành với phương án hai, quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có hai đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí một phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí hai phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
 
Đối với những quy định về việc phân quyền, phân cấp, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần phải cụ thể rõ ràng, việc nào của T.Ư, việc nào của địa phương và mỗi cấp phải chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi các đơn vị phải xin ý kiến của cấp trên, cần phải được trả lời bằng văn bản đồng ý hoặc không, tránh trường hợp kéo dài, dễ xảy ra tiêu cực. Vì trong thời gian qua, có tình trạng, khi xảy ra sự cố, đã có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Dự thảo Luật cần làm rõ các nguyên tắc tiêu chí trong việc phân quyền, phân cấp, tránh xảy ra tình trạng phân cấp, phân quyền tràn lan.
 
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cùng một số đại biểu cho rằng, tại dự thảo Luật lần này, có nội dung bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng về việc quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính nhà nước khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, cần làm rõ, “cơ quan hành chính nhà nước khác” có phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Trong khi đó, hiện tại, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là các sở, các phòng. Theo Luật hiện hành, việc thành lập các sở, các phòng thuộc thẩm quyền thành lập của HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp huyện. Bởi vậy, dự thảo Luật cần xem xét nội dung sửa đổi nêu trên để tránh mâu thuẫn với nội dung trong Luật hiện hành.
 
Khắc phục chồng chéo giữa Kiểm toán nhà nước và cơ quan thanh tra
 
Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật này.
 
Về các quy định để xử lý chồng chéo giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay, cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khác nhau được quy định tại hai luật khác nhau nhưng đều cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu nhất trí việc xác định trách nhiệm phối hợp giữa KTNN và các cơ quan thanh tra và ngược lại nhằm thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, giao KTNN chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo về đối tượng, đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán.
 
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật chưa rõ, chưa khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa KTNN và thanh tra chuyên ngành. Thực tiễn hiện nay, các hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu cho thấy, về cơ bản đã có sự trùng lặp về đối tượng kiểm toán và thanh tra, việc phân định về nội dung kiểm toán và nội dung thanh tra đối với doanh nghiệp chưa rõ. Đây là nguyên nhân gây ra việc chồng chéo nội dung và đối tượng giữa cơ quan thanh tra và kiểm toán. Doanh nghiệp nhà nước không chỉ là đối tượng được thanh tra, kiểm tra mà còn là đối tượng tiếp nhận kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực cho nên càng làm tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khó kiểm soát, khó xử lý. Do đó, đề nghị cần sớm phân định rõ trách nhiệm hoạt động giữa thanh tra và kiểm toán; đồng thời trong dự thảo Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ, KTNN khu vực và thanh tra các bộ, ngành, địa phương qua đó tránh chồng chéo về thời gian và nội dung; nâng cao việc công khai và thống nhất kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hằng năm trước khi ban hành.
 
Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia được các đại biểu quan tâm. Nhiều đại biểu tán thành việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định này cần thiết, phù hợp thời đại, xu thế của cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu thường có nhiều loại thông tin khác nhau, thông tin mật, tối mật, có những thông tin bí mật riêng tư... được pháp luật bảo hộ đầy đủ. Vì vậy, cần phân cấp quyền truy cập phù hợp, có quản lý, giám sát chặt chẽ, không để lộ bí mật. Mặt khác, để KTNN có quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, thu thập thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán, song lại chưa quy định rõ thẩm quyền và phạm vi được phép truy cập là chưa đầy đủ, cần bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật.
 
Trong giai đoạn hiện nay, việc phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương là rất cần thiết và cấp bách để tạo tính chủ động linh hoạt cho chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương là nơi thực hiện chủ yếu các nhiệm vụ kinh tế xã hội, do đó, cần đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ mà chính quyền địa phương có thể đảm đương, T.Ư có thể kiểm soát.
 
Đại biểu VÕ THỊ NHƯ HOA (Đà Nẵng)
 
Luật đã có quy định về công khai báo cáo kiểm toán, nhưng lại không quy định về thời hạn phải công khai, do đó làm giảm ý nghĩa, thậm chí làm vô hiệu hóa quy định về công khai. Vì vậy, cần bổ sung về thời hạn công khai sau khi báo cáo được ký ban hành.
 
Đại biểu NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (Quảng Bình)
 
Hiện nay, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã làm tốt các việc xử lý, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan này vẫn còn xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp về niên độ cũng như đối tượng thanh tra, đơn vị được kiểm toán. Điều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng được thanh tra và đơn vị được kiểm toán.
 
Đại biểu HÀ THỊ LAN (Bắc Giang)
(Theo nhandan.com.vn)