(LĐ online) - Cán bộ là một trong những nhân tố quyết định sự thành, bại của cách mạng, là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ phải là người có đức, có tài lớn, tức phải là người có tác phong công tác, làm việc, sinh hoạt sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, mở rộng dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm nêu gương cao.
(LĐ online) - Cán bộ là một trong những nhân tố quyết định sự thành, bại của cách mạng, là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ phải là người có đức, có tài lớn, tức phải là người có tác phong công tác, làm việc, sinh hoạt sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, mở rộng dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm nêu gương cao.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, thăm hỏi, động viên đội ngũ y bác sỹ làm việc tại Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên). Ảnh: Đông Anh |
Xuất phát từ vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ cách mạng, đối với Nhân dân, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về trách nhiệm nêu gương. Theo đó, thời gian qua việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Rõ nét nhất là sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong phần lớn cán bộ, đảng viên. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi tổ chức Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều gương “Người tốt, việc tốt” có sức lan tỏa sâu rộng, có giá trị tuyên truyền cao trong quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế: Một bộ phận cán bộ, đảng viên hô hào học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng khi thực hiện chỉ nói suông mà không thực hành, thiếu tinh thần làm gương, đi trước, làm trước; trong việc làm thực tế thì vẫn còn nặng về bệnh thành tích, độc đoán, cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm…, dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí, nạn chạy chức, chạy quyền… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó vấn đề cốt yếu nhất vẫn là vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp chưa được thể hiện rõ nét.
Để phát huy hơn nữa trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng hiện nay, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều biện pháp, trong đó, cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt về trách nhiệm nêu gương
Các cấp ủy đảng phải nhận thức đầy đủ về chuẩn mực đạo đức cách mạng cũng như nội dung, phương pháp nêu gương, nhất là nêu gương về đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt. Lãnh đạo nâng cao nhận thức, nắm vững ý nghĩa, mục đích, yêu cầu về trách nhiệm nêu gương. Tiến hành bồi dưỡng, rèn luyện, đề cao trách nhiệm nêu gương một cách thường xuyên, liên tục, bằng nhiều nội dung, hình thức, phương pháp đa dạng, linh hoạt. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, khắc phục tình trạng ngại học nghị quyết, lười học lý luận chính trị. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề và các các hoạt động của địa phương, đơn vị.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để xây dựng thể chế về nêu gương; cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm tự giác, gương mẫu học trước, làm trước của người đứng đầu. Rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu.
Thứ hai, đề cao tính chủ động, tích cực, tự giác nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải đăng ký về nội dung trách nhiệm nêu gương trên cả ba phương diện: đối với mình; đối với người, với tổ chức và đối với công việc. Đồng thời, phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện cụ thể. Người đứng đầu cần phải thường xuyên kiểm tra, rà soát theo các tiêu chí đã được Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”; chủ động, nghiêm khắc trong tự phê bình, xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu để rèn luyện. Việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, tạo uy tín cao trong tập thể. Đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp phải gương mẫu chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói đi đôi với làm. Thực hiện tốt việc nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động.
Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, dư luận xã hội trong việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên
Cấp uỷ, tổ chức đảng cần xác định đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo cán bộ, đảng viên làm theo phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ các nội dung học tập, gắn với nhiệm vụ cụ thể. Việc vận dụng các phương pháp, hình thức cần linh hoạt, sáng tạo theo hướng vừa đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, giúp đảng viên nắm vững phong cách nêu gương của Bác Hồ, vừa gắn với các phong trào thi đua của đơn vị và các cuộc vận động. Lấy đó là căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng, phân tích, nhận xét, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên và trong điều động, bổ nhiệm cán bộ hằng năm.
Tổ chức đảng phải có kế hoạch phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, thích hợp cho từng đảng viên theo cương vị, năng lực công tác; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ và nêu cao vai trò nêu gương đối với cán bộ chủ chốt. Thực hiện nghiêm Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Tăng cường công tác dân vận, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát. Duy trì nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình thường xuyên với tinh thần thẳng thắn, không “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, ngại va chạm…
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, sai trái
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Xây dựng quy định và thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của Nhân dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với công dân; có biện pháp kịp thời xử lý những cán bộ, đảng viên có chỉ số hài lòng thấp.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách. Có chế tài đủ mạnh và phải kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm kỷ cương, kỷ luật, nhất là đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Kết hợp với việc thực hiện chính sách cán bộ, nhất là chính sách tiền lương, nhà ở một cách khoa học, hợp lý. Kiên định và sớm hoàn thiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và mỗi người dân sống và làm việc theo pháp luật; qua đó, nghĩa vụ của từng cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được xác định, làm cơ sở phát huy tính tự giác, ý thức trách nhiệm trong việc thực thi.
Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng và cũng là phẩm chất quan trọng của người cán bộ, đảng viên, do đó hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viện phải thực sự thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý thức, trách nhiệm nêu gương, trong đó cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Chính vì vây, mỗi tổ chức đảng cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thông qua đó góp phần làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở nên thực chất và hiệu quả hơn.
B.Đ.M