Vai trò của "đội quân tóc dài" trong Phong trào Đồng khởi Bến Tre

06:01, 17/01/2020

(LĐ online) - Năm 1954, Nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" buộc người Pháp phải ký Hiệp định Geneve và rút quân khỏi Việt Nam...

(LĐ online) - Năm 1954, Nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc người Pháp phải ký Hiệp định Geneve và rút quân khỏi Việt Nam. Thế nhưng, sau đó đã không có một cuộc bầu cử nào được tiến hành sau 2 năm. Một âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam đã được vạch ra. Đỉnh điểm là vào năm 1959, khi chế độ Sài Gòn ban hành Luật 10/59 cùng việc thành lập các "khu trù mật", "khu dinh điền"; thực hiện các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng". Trong bối cảnh ấy, ở miền Nam Việt Nam đã bùng phát một phong trào của quần chúng Nhân dân chống lại sự kìm kẹp, đó là Phong trào Đồng khởi Bến Tre với sự ra đời của đội quân tóc dài.
 
Đồng bào tỉnh Bến Tre mít-tinh hoan nghênh Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1960 - Ảnh tư liệu TTXVN
Đồng bào tỉnh Bến Tre mít-tinh hoan nghênh Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1960. Ảnh tư liệu TTXVN
 
Trước tình hình khẩn trương, bức thiết của cách mạng miền Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp hội nghị lần thứ 15 và ban hành một nghị quyết quan trọng chuyển hướng cách mạng miền Nam để đối phó với sự khủng bố, đàn áp. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu… kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến”. Tinh thần đó đã làm bùng phát cuộc tiến công và nổi dậy năm 1960 trên toàn Nam Bộ.
 
Ngày 1/1/1960, tại xã Tân Trung (huyên Mỏ Cày, Bến Tre), đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Bí thư Tỉnh ủy truyền đạt tinh thần Nghị quyết 15 và những chủ trương cụ thể của Khu ủy cho cán bộ các huyện trong tỉnh. Hội nghị quyết định chọn ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày làm điểm để tiến hành đồng khởi trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn 3 ngày 17, 18, 19 tháng 1 năm 1960, nhân dân 3 xã trên đã giành được quyền làm chủ. Từ ngày 17 đến 24/1/1960, nhân dân 47 xã thuộc huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú đã nhất tề nổi dậy, 22 xã diệt ác, phá đồn, đập tan bộ máy thống trị của địch, giải phóng quê hương, nhân dân ở 25 xã khác diệt ác, bao vây đồn bốt, giải phóng nhiều ấp. Cuộc Đồng khởi Bến Tre đã gây chấn động lớn chính quyền Sài Gòn. 
 
Cuộc đấu tranh ngày 4/2/1960 tại huyện lỵ Mỏ Cày chứng tỏ nhân dân các xã, ấp vừa khởi nghĩa giành chính quyền có khả năng giữ thế hợp pháp, đấu tranh chính trị trực diện và vận động binh lính địch kết hợp với lực lượng vũ trang chống khủng bố càn quét. Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Linh tổng kết Đồng khởi Bến Tre: “Khi Xứ ủy xin Trung ương cho nổi dậy, Trung ương dặn nổi dậy phải hết sức giữ thế đấu tranh chính trị, giữ thế hợp pháp của quần chúng; đẩy mạnh vũ trang nhưng nhất thiết không được để cho chính trị yếu đi, mà đẩy mạnh vũ trang lại càng đẩy chính trị mạnh lên… Đồng khởi Bến Tre giải đáp những băn khoăn của Xứ ủy, biến ý kiến chỉ đạo của Trung ương thành thực tiễn sinh động. Chính trị như Bến Tre là thế tiến công rất mạnh. Tiến công bằng binh vận, tiến công không rời rạc, mà chính trị, quân sự, binh vận kết hợp với nhau. Tiến công địch mà giữ thế hợp pháp, một thế hợp pháp không thụ động mà (có tính chất) tiến công…”. 
 
Cuộc đấu tranh này đã hình thành một đạo quân rất mới, có tổ chức của quần chúng, đông đảo nhất là phụ nữ. Sau này chúng ta gọi bằng một cái tên trìu mến "Đội quân tóc dài". Đội quân tóc dài hình thành và phát triển đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đánh bại cuộc "chiến tranh đơn phương", "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. "Đội quân tóc dài" là một binh chủng độc đáo của cách mạng Việt Nam. Và phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà thật xứng đáng với tám chữ vàng: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".
 
VŨ TRUNG KIÊN