Đảng viên gần dân, dân thêm tin yêu Đảng...
|
Đảng viên K’Túc |
Đảng viên K’Túc: Những việc có lợi cho đồng bào mình thì hết sức làm
Anh K’Túc (50 tuổi) là người Mạ, sinh ra ở quê cha (Bảo Lộc), lên 6 tuổi (năm 1976) anh về sống ở quê mẹ nơi lòng hồ Đạ Tẻh (buôn Con Ó, xã Mỹ Đức bây giờ), trải qua những ngày tháng buôn làng của mình cơ cực nhất...
Năm 2003, ở 33 tuổi, anh được bầu làm Trưởng Thôn 8; năm 2015 chuyển qua làm Bí thư chi bộ với 5 đảng viên. Thôn 8 - Con Ó là địa bàn rộng gồm khu vực lòng hồ Đạ Tẻh, kéo dài giáp với Lộc Bắc (Bảo Lâm), tổng số 160 hộ với 583 người, 155 hộ là người Mạ và vài hộ người Kinh cư trú xen kẽ. Nằm ngay cạnh nguồn nước của huyện, nhưng nhiều năm liền, diện tích đất bỏ hoang còn nhiều, với chức trách là Đảng ủy viên phụ trách địa bàn, đồng thời là Bí thư chi bộ thôn, anh K’Túc đã vận động bà con chăm sóc cao su tập trung. Việc vận động không dễ dàng bởi cây cao su là một loại cây hoàn toàn mới lạ, 7 năm mới thu hoạch, trong khi đồng bào luôn muốn trồng cây ngắn ngày, nhanh có thu.
108 hộ được Nhà nước hỗ trợ trồng đã nhận chăm sóc 108 ha cao su, mỗi hộ 1 ha. Trong 5 năm (2014 - 2019), anh K’Túc đã vận động 100% bà con tham gia các đợt bón phân, làm cỏ và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Cây cao su đang phát triển tốt, buôn làng phủ kín một màu xanh, mùa khô không còn oi bức. Đã có 100 hộ khai thác mủ cao su với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng, đời sống của đồng bào bớt khó khăn. Anh vận động bà con chuyển đổi cây trồng từ cây điều già cỗi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; phát triển chăn nuôi tăng đàn bò, trâu, dê, heo, gà, vịt; phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì đội cồng chiêng Tây Nguyên, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/người/năm, cả buôn Con Ó chỉ còn 6 hộ nghèo do tuổi cao sức yếu, neo đơn, 9 hộ cận nghèo.
Không chỉ vận động suông, bản thân anh là người đi đầu hành động làm gương trong việc thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng nếp sinh hoạt văn minh. Gần 30 tuổi, anh K’Túc mới lập gia đình, sinh 2 con cách nhau 12 tuổi, chăm lo cho con cái học hành. Con gái lớn đang học đại học năm cuối ở TP HCM, con trai nhỏ mới học lớp 5. Anh trồng được 3 ha điều, 1 ha cà phê xen canh trong vườn điều, 1 ha cao su với 550 cây đã cho thu hoạch 3 năm (60 triệu đồng/năm).
Anh phối hợp xây dựng 2 mô hình dân vận khéo tại buôn làng mình, mô hình “Đèn bàn thắp sáng ước mơ” và mô hình “Tổ tuần tra phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội làm công tác đảm bảo an ninh ở cơ sở” đạt được nhiều hiệu quả.
|
Đảng viên Phạm Thị Duyên |
Đảng viên Phạm Thị Duyên: Người đi đầu phong trào tuổi trẻ
Chị Phạm Thị Duyên sinh năm 1991, quê ở Bình Sơn - Quảng Ngãi, ngay từ khi còn là sinh viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Đà Lạt, Duyên đã tích cực tham gia công tác Đoàn và các phong trào tuổi trẻ tình nguyện. Trong một mùa hè xanh về xã Phước Lộc (Đạ Huoai), gặp người bạn nam nhiệt thành cùng nhóm quê Đạ Tẻh, sau mùa hè ý nghĩa ấy, họ yêu nhau. Ra trường, Duyên theo chồng về Đạ Tẻh, năm 2015 được làm công chức ở UBND thị trấn Đạ Tẻh với vị trí một cán bộ tuyên giáo, rồi Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn. Ở nhiệm vụ nào, Duyên cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc. Cuối năm 2016 chị vinh dự được kết nạp Đảng, được chỉ định làm Phó Bí thư Đoàn thị trấn, rồi đầu năm 2017 làm Bí thư Đoàn. Trở thành thủ lĩnh thanh niên, là đảng viên, trọng trách càng lớn, tinh thần xung kích trỗi dậy. Với 30 chi đoàn của toàn thị trấn có lúc, có nơi hoạt động không đều, chị bắt tay vào củng cố, vực dậy các chi đoàn hoạt động kém hiệu quả, tổ chức nhiều hoạt động thanh thiếu nhi tại các thôn, tổ dân phố.
Chị Duyên đã phối hợp xây dựng Công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” tại Tổ 1B, 1C; tổ chức Chương trình văn nghệ “Xuân sẻ chia” quyên góp tiền hỗ trợ các suất ăn bán trú cho học sinh nghèo gần 23 triệu đồng; tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện hướng về những thôn khó khăn, giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách, hiến máu tình nguyện, khám chữa bệnh cho người nghèo, huy động đội hình thanh niên xung kích phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; cắt tóc miễn phí cho trẻ em, xây dựng các “Sân chơi cho em”. Chị chủ động phối hợp cùng UBND thị trấn và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 231 đoàn viên thanh niên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 10,4 tỷ đồng…
Mới đây nhất là mô hình “Rửa xe gây quỹ” được hình thành và duy trì từ tháng 12/2019 tại Nhà sinh hoạt cộng đồng Tổ dân phố 5B, chị đã thành lập đội rửa xe, đoàn viên trong thị trấn luân phiên nhau rửa xe dịch vụ vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Số tiền thu được đến nay đã hơn 15 triệu đồng; hỗ trợ được 2 hoạt động Đoàn, tiền còn lại đóng góp vào phong trào “Vì đàn em thân yêu”, đóng tiền ăn bán trú cho các em học sinh nghèo cấp I và mua bảo hiểm y tế cho các em học sinh cấp II, chi phí cho quà Tết Trung thu… Nhiệt tình, tận tụy, từ năm 2017 đến nay, chị Phạm Thị Duyên đã đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của thị trấn Đạ Tẻh phát triển lên một bước mới, trở thành điểm sáng trong phong trào tuổi trẻ của huyện Đạ Tẻh. Chị nhận được nhiều giấy khen của Huyện đoàn Đạ Tẻh vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tặng Bằng khen “Đảng viên trẻ tiêu biểu” năm 2020.
|
Đảng viên Phan Văn Rung |
Đảng viên Phan Văn Rung: Làm cán bộ của dân phải biết hy sinh
Từng là người lính đóng quân ở quần đảo Cô Tô (Quảng Ninh), năm 1987, ông Phan Văn Rung (SN 1966) ra quân, trở về quê Thái Bình. Không cam chịu cảnh nghèo, tháng 2/1988 ông đưa vợ con vào Bình Phước tìm miền đất mới, ông làm bất cứ việc gì, bất kể ai thuê mướn nhưng cuộc sống vẫn không hết khó khăn. Năm 1997 ông chuyển đến thị trấn Đạ Tẻh và gắn bó với vùng đất này. Bằng trách nhiệm của người lính Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường, ông tích cực tham gia vào mọi phong trào và được cử làm Tổ phó Tổ dân phố 1C, năm 2004 - 2017 ông làm Tổ trưởng. Tháng 3/2017, Đại hội Hội Cựu chiến binh thị trấn bầu ông làm Phó Chủ tịch Hội, sau đó được Đảng ủy thị trấn cử kiêm Bí thư chi bộ Tổ 1C.
Tổ dân phố 1C - nơi gia đình ông Phan Văn Rung ở có 252 hộ với 957 nhân khẩu thì có 143 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (107 hộ đồng bào Mạ bản địa, 36 hộ đồng bào Tày, Nùng từ phía Bắc đến lập nghiệp). Phong tục tập quán khác nhau, làm sao để bà con đoàn kết, yêu quý, đùm bọc lẫn nhau là điều ông Rung luôn trăn trở. Tất cả mọi công việc cấp trên gửi về, ông triển khai làm ngay, báo bà con, tổ chức họp dân để phổ biến. Ông biết từng người, nắm rõ từng hoàn cảnh, quan tâm từ việc làm ăn của người lớn, sức khỏe của người già, đến việc học của con trẻ, hướng dẫn tận tình, giải thích cho bà con hiểu rõ ràng, cặn kẽ, đã hứa là làm, ông được bà con tin yêu.
Ông tâm sự: Khi đồng bào đã tin thì làm việc gì cũng không khó. Quỹ đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng không còn, ông đã vận động bà con đồng thuận đóng góp và cùng với nguồn kinh phí thị trấn cấp để mua đất xây dựng hội trường tổ dân phố. Có đất, mỗi hộ tiếp tục đóng góp 500 ngàn đồng, thu được 100 triệu đồng, huyện hỗ trợ 300 triệu đồng. Hội trường tổ dân phố khang trang, mỗi lần sinh hoạt đều thu hút đông đủ người dân tham gia. Ông Rung tiếp tục vận động bà con đồng bào đóng góp 16 triệu đồng thêm vào kinh phí ngân sách cấp trải đá con đường dài 250 m, rộng 4 m bớt lầy lội, làm cho diện mạo tổ dân phố sạch đẹp hơn.
Ông kiên trì vận động đồng bào Mạ thay đổi nếp sống, cách nghĩ; định canh, định cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng tổ dân phố văn hóa. Trong 107 hộ người Mạ, không còn hộ nào thuộc diện hộ nghèo, cả tổ chỉ còn 3 hộ nghèo thì trong đó 2 hộ người Kinh, 1 hộ người Tày. Kết quả có được là nhờ nỗ lực của chi bộ Đảng mà đứng đầu là Bí thư Phan Văn Rung, trong đó bài học lớn nhất mà ông rút ra là phải gần dân, hiểu dân, chăm lo cho dân, gắn bó với dân để dân thêm tin yêu Đảng.
Với tâm niệm làm cán bộ tổ dân phố phải biết hy sinh, 16 năm liên tục gắn bó với Tổ dân phố 1C và công tác Hội Cựu chiến binh của thị trấn, mọi việc lớn nhỏ, ông Rung luôn toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân, trở thành người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
QUỲNH UYỂN