Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã dành thời gian trả lời phỏng vấn trên Báo Lâm Đồng...
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã dành thời gian trả lời phỏng vấn trên Báo Lâm Đồng, nhằm cung cấp thêm những thông tin quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Quốc hội. Đặc biệt là những kết quả nổi bật của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã từng bước đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
|
Đồng chí Đoàn Văn Việt. Ảnh: V.Báu |
PV:
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021), với tư cách là Trưởng đoàn ĐBQH, xin đồng chí cho biết kết quả và ý nghĩa của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.
Đ/c ĐOÀN VĂN VIỆT: Cách đây 75 năm, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến sự kiện trọng đại: Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta, mở đầu thời đại mới trong lịch sử dân tộc.
Ngày 5 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 06/01/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử ở khu vực Hà Nội với số phiếu cao nhất (98,4%). Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Sau gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn và xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6 tháng 1 năm 1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi, khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV:
Quốc hội Việt Nam - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Vậy vị trí, vai trò quan trọng này của Quốc hội trong chặng đường 75 năm qua được khẳng định như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c ĐOÀN VĂN VIỆT: Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội luôn không ngừng phấn đấu thực hiện tốt việc phát hiện, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, thực hiện các chức năng cơ bản về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những hoạt động của Quốc hội đã và đang thực sự bám sát, gắn thực tiễn với sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong đời sống của Nhân dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong đó, hoạt động lập pháp ngày càng được quan tâm để nâng cao chất lượng của các văn bản luật, pháp lệnh nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ðồng thời củng cố, hoàn thiện bộ máy nhà nước; góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Hoạt động giám sát có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Nhiều cách thức tổ chức hoạt động giám sát mới như lấy phiếu tín nhiệm, xem xét báo cáo về việc thực hiện các vấn đề chất vấn, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đã được triển khai áp dụng và bước đầu đã phát huy tác dụng. Nhiều kiến nghị qua giám sát được tiếp thu, khắc phục, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm xem xét và giải quyết những vấn đề được dư luận và các cử tri quan tâm, góp phần làm cho sinh hoạt của Quốc hội trở nên sôi động, thiết thực, được Nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.
Quốc hội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, chính sách dân tộc, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển đất nước. Đặc biệt, nhiều công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư sau khi hoàn thành đã tạo ra những tác động tích cực đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đặc biệt, Quốc hội đã cử đại diện tham dự nhiều hội nghị trực tuyến với các Nghị viện thành viên AIPA, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), nhằm thúc đẩy vai trò của nghị viện trong ứng phó với đại dịch COVID-19, kết quả đạt được này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.
|
Các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tiếp xúc cử tri |
PV:
Đồng chí có thể cho cử tri và Nhân dân trong tỉnh biết những kết quả nổi bật của Đoàn ĐBQH qua các thời kỳ, trong đó có sự đóng góp của Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng?
Đ/c ĐOÀN VĂN VIỆT: Cùng với sự hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, ngay từ khóa đầu tiên của Quốc hội, Lâm Đồng đã vinh dự có 2 đại biểu (thuộc tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng cũ) được bầu là ĐBQH. Do điều kiện, hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên đến sau ngày thống nhất đất nước, từ Quốc hội khóa VI đến nay, Lâm Đồng tiếp tục có ĐBQH đại diện cho cử tri và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tham gia diễn đàn Quốc hội.
Qua nhiều nhiệm kỳ của Quốc hội, các thế hệ đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thông qua các hoạt động như góp ý xây dựng luật, giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước… Hoạt động của ĐBQH luôn gắn bó mật thiết với cử tri, với Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có cử tri ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các đại biểu luôn bám sát thực tiễn đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri trong quá trình thực hiện quyền lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Phát huy kết quả đạt được của các thế hệ ĐBQH các khóa trước, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng. ĐBQH của Đoàn tham gia các hoạt động của Quốc hội theo đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xứng đáng với niềm tin của cử tri và Nhân dân giao phó. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động, ĐBQH của Đoàn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện, nâng cao chất lượng tham gia các hoạt động của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH, góp phần vào kết quả chung của Quốc hội. Chất lượng hoạt động của ĐBQH trong Đoàn tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Các ĐBQH đã phát huy vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia hoạt động của Đoàn ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội mà đại biểu là thành viên; giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, phát hiện các vấn đề bức xúc trong thực tiễn để đề xuất kiến nghị; thực hiện quyền chất vấn trên tinh thần đoàn kết, thẳng thắn, mang tính xây dựng; phát huy trách nhiệm trước Nhân dân trong thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện chính kiến rõ ràng, trước hết và trên hết là vì sự phát triển phồn vinh của quốc gia, dân tộc. Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng không chỉ góp phần vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội mà còn có những đóng góp nhất định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PV:
Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn trên Báo Lâm Đồng!
NGUYỆT THU
(thực hiện)