Mùa Xuân và Đại hội Đảng - thời khắc giao hòa giữa đất trời và lòng người

06:01, 01/01/2021

Một năm bắt đầu từ mùa Xuân, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được ra đời vào đúng một mùa xuân (Xuân năm Canh Ngọ 1930)...

Một năm bắt đầu từ mùa Xuân, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được ra đời vào đúng một mùa xuân (Xuân năm Canh Ngọ 1930). Và thật là thú vị, từ khi ra đời đến nay, các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng thường được tổ chức vào dịp mùa Xuân - thời khắc giao hòa giữa đất trời và lòng người. Sau mỗi kỳ đại hội, Đảng ta lại đem đến cho đất nước những mùa Xuân ấm áp, sinh chồi nảy lộc.
 
Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI
Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI
 
Mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930, trước đòi hỏi cấp thiết phải thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một tổ chức đảng cách mạng của giai cấp vô sản, một Đảng Cộng sản có tính chất giai cấp và tính quần chúng ở Đông Dương, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Vương), mặc cho đang bị Tòa án Nam triều kết án tử hình vắng mặt, vẫn từ Đông Bắc Thái Lan xuống Băng Cốc, đi Singapore, sang bán đảo Cửu Long (Hương Cảng) để triệu tập Hội nghị hợp nhất. Trong 5 ngày (từ 3 - 7/2/1930), khi thì trong căn nhà nhỏ của xóm lao động, khi thì chuyển ra một khán đài sân bóng đá, ngày kết thúc tại căn buồng nghỉ trọ, đại diện ba tổ chức Cộng sản Việt Nam thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức bữa cơm mừng xuân, mừng Đảng với niềm tin Đảng sẽ “dẫn dắt Nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc”.
 
Mùa Xuân năm Ất Hợi 1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng diễn ra từ ngày 27 - 31/3/1935 tại Ma Cao, Trung Quốc. Đại hội đã đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là: củng cố và phát triển Đảng; đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng; chống chiến tranh đế quốc. Đại hội I đánh dấu thắng lợi của cuộc đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng, chuẩn bị điều kiện để Đảng bước vào thời kỳ đấu tranh mới.
 
Mùa Xuân Tân Mão năm 1951, Đại hội lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 - 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Đại hội đã phát triển đường lối kháng chiến và đề ra những chính sách cụ thể để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn và chuẩn bị những tiền đề đi lên CNXH sau khi kháng chiến thành công. Đại hội quyết định xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Cộng sản riêng. Ở Việt Nam, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam và ra hoạt động công khai. 
 
Mùa Xuân năm Bính Thìn 1976, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 - 20/12/1976, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đại hội tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh, anh dũng, bền bỉ và thắng lợi vẻ vang; đề ra đường lối xây dựng CNXH trong phạm vi cả nước. Đây là đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, khẳng định và xác định đường lối đưa cả nước tiến lên CNXH. Đại hội IV quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Mùa Xuân năm Nhâm Tuất 1982, Đại hội lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 - 31/3/1982 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối của cách mạng XHCN và đường lối xây dựng kinh tế do Đại hội IV đề ra; xác định nước ta đang ở “chặng đường đầu tiên” của thời kỳ quá độ với mục tiêu là tạo ra những tiền đề cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hóa. Đại hội V đã đánh dấu một bước chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng, tìm tòi bước đi trên con đường quá độ lên CNXH, trước hết là về mặt kinh tế, nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam.
 
Mùa Xuân năm Bính Dần 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 - 18/12/1986 tại Hà Nội. Với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng CNXH; đề xướng và lãnh đạo đường lối đổi mới toàn diện đất nước; xác định mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ bao trùm là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa trong chặng đường tiếp theo. Đại hội VI có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp quá độ lên CNXH ở Việt Nam và mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng Việt Nam. 
 
Mùa Xuân năm Tân Tỵ 2001, Đại hội lần thứ IX của Đảng diễn ra từ ngày 19 - 22/4/2001, tại Hà Nội. Đại hội tổng kết và khẳng định ba thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX (Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước). Đại hội IX là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới; có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
 
Mùa Xuân năm Bính Tuất 2006, Đại hội lần thứ X của Đảng diễn ra từ ngày 18 - 25/4/2006 tại Hà Nội. Đại hội tổng kết 20 năm đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng; tiếp tục khẳng định chủ trương phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội ra Nghị quyết cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư bản tư nhân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm đổi mới.
 
Mùa Xuân năm Tân Mão 2011, Đại hội lần thứ XI của Đảng diễn ra từ ngày 12 - 19/1/2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội. Đại hội khẳng định: Công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát 5 năm (2011 - 2015) là: Xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội thông qua Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020).
 
Mùa Xuân năm Bính Thân 2016, Đại hội lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 - 28/1/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội. Đại hội tổng kết 30 năm đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; đề ra mục tiêu tổng quát 5 năm (2016 - 2020) là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
 
Mùa Xuân Canh Tý 2020, Đảng ta long trọng tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là năm tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp, để đến mùa Xuân năm 2021 tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. 
 
Bước vào mùa Xuân Tân Sửu 2021, Đảng ta tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII - Đại hội mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, phấn đấu đưa nước ta đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, nổi bật, trong đó đặc biệt nhấn mạnh “khát vọng phát triển đất nước”. Khát vọng phát triển đất nước mà Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra là khát vọng về một đất nước Việt Nam đổi mới, dân tộc Việt Nam cường thịnh, văn minh, Nhân dân hạnh phúc. Đây là một khát vọng thiêng liêng, cao cả, có sự hòa hợp giữa ý Đảng với lòng dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng và cũng chính là khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Có thể nói, khơi dậy “khát vọng phát triển đất nước” được xem là nguồn lực nội sinh, nguồn năng lượng tiềm tàng tạo thành sức mạnh vĩ đại - động lực to lớn của dân tộc ta trong thời kỳ mới.
 
Một mùa Xuân mới lại về trên khắp mọi miền quê hương, đất nước; một mùa Xuân tươi đẹp, chan chứa niềm tin, hy vọng và tràn trề sức sống. Đón chào xuân mới Tân Sửu 2021, Đảng ta thêm một tuổi, một kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng diễn ra - Đại hội lần thứ XIII. Và từ Đại hội này sẽ tỏa ra một niềm tin lớn, một khí thế mới, quyết tâm mới, một sự đoàn kết thực sự. Từ đó, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân ta ở trong nước cũng như ngoài nước phấn khởi hơn, tin tưởng, đoàn kết và sáng tạo, nguyện cùng nhau ra sức xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc để đất nước “càng ngày càng xuân”.
 
VĂN NHÂN