(LĐ online) - Chiều ngày 28/10, tiếp tục chương trình hoạt động kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận trực tuyến về Luật Điện ảnh.
(LĐ online) - Chiều ngày 28/10, tiếp tục chương trình hoạt động kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận trực tuyến về Luật Điện ảnh.
|
Các đại biểu tham dự trực tuyến kỳ họp tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh và đại diện Công an tỉnh, lãnh đão các sở Văn hóa – Thể thao và du lịch, Thông tin truyền thông, Tài chính, Giáo dục và đào tạo, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh cùng dự.
Việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời cụ thể hóa nội dung về quyền con người, quyền công dân, quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa quy định trong Hiến pháp 2013.
Sau 15 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, mạng xã hội đã và đang tác động mạnh đến ngành điện ảnh, làm thay đổi về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân.
Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh. Cần đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi giải trí, thời trang,…) và tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong môi trường công nghệ số, tiên tiến, hội nhập quốc tế.
|
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý Luật Điện ảnh |
Tham gia góp ý cụ thể về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng đề nghị bổ sung khái niệm “Phim hợp tác sản xuất với nước ngoài” vào dự thảo Luật, đây là khái niệm quan trọng đối với hoạt động điện ảnh ở các nước và trên thế giới, theo đó, Luật mới có thể quy định một cách chặt chẽ “quyền lợi”, nghĩa vụ” và “chế tài” đối với các phim hợp tác. Hơn nữa, khi đã đưa khái niệm “Phim Việt Nam” vào Điều 3 về giải thích từ ngữ thì càng cần giải thích khái niệm“Phim hợp tác sản xuất với nước ngoài”. Tại khoản 6 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “bình đẳng giới” để thể hiện quan điểm cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về thực hiện bình đẳng giới, ghi thành: “Nguồn đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn khác cho điện ảnh phải được sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên “bình đẳng giới”, các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn.”.
Đề nghị nghiên cứu chính sách tài trợ cho cho hoạt động điện ảnh, trong đó chú trọng đến đối tượng hưởng thụ. Tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nơi rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hoá, đưa hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc đến khắp nơi trên thế giới. Một trong những thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của chính phủ là sự chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho bên cung sang tài trợ cho bên cầu. Nói cách khác, các trợ cấp của chính phủ chủ yếu dành cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ, nhằm vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Ngày nay, chính phủ quan tâm và tập trung nhiều hơn vào khán giả là những người hưởng thụ, tiêu thụ văn hoá, tác phẩm điện ảnh nhằm đạt được sự cân bằng giữa “sáng tạo”, “truyền bá” và “hưởng thụ” các giá trị văn hoá nghệ thuật. Khán giả là động lực quan trọng cho văn hoá nghệ thuật, thậm chí là lực lượng thúc đẩy và định hướng cho điện ảnh phát triển. Đặc biệt, khi các tổ chức văn hoá nghệ thuật phải độc lập về tài chính trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động và sản phẩm nghệ thuật của họ phải hướng tới khán giả nhiều hơn để đảm bảo cho tổ chức có thể hoạt động và phát triển.
Thay đổi cơ chế quản lý văn hoá từ việc “chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa chính phủ và các khu vực tư nhân”. Với chính sách này, việc tham gia của nhiều bộ phận xã hội từ chính quyền trung ương, chính quyền địa phương cho đến các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và cộng động trong quá trình hoạch định chính sách không phải áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, của từng người dân. Đây cũng chính là xu hướng quản lý văn hoá hiện đại của nhiều nước như Pháp, Thuỵ Điển, Phần Lan.
Liên quan đến phân loại phim, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh góp ý Điều 33 Dự thảo Luật quy định 6 mức phân loại phim chỉ mới chú trọng phân loại phim phục vụ mục đích cấp giấy phép phổ biến phim nên chỉ mới chú trọng đến đối tượng và độ tuổi xem phim. Điều nay đúng nhưng còn hết sức đơn giản, chưa rõ nội hàm, chỉ căn cứ vào đối tượng xem phim, và chưa đi vào bản chất của điện ảnh. Cần chú trọng việc phân loại điện ảnh và có hệ thống khái niệm pháp lý về từng loại sản phẩm điện ảnh. Chính sách điện ảnh, hoạt động điện ảnh, quản lý nhà nước về điện ảnh, sử dụng tác phẩm điện ảnh, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh…, tất cả đều cần gắn với quy định pháp lý về phân loại sản phẩm điện ảnh.
Bày tỏ quan điểm về lĩnh vực giấy phép xuất khẩu phim (Điều 18. Phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng), đại biểu cho rằng quy định này chưa thực sự phù hợp. Hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp, mà các nhà làm phim độc lập đều có thể sản xuất phim và tải lên các nền tảng trực tuyến (không chỉ các nền tảng OTT mà còn có thể là các nền tảng xem video như youtube, facebook hoặc các nền tảng đám mây). Phim trên các nền tảng này có thể được phổ biến cho người xem ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trường hợp này đã làm lu mờ đi khái niệm “biên giới” và gây khó khăn trong việc xác định thế nào là hành vi “xuất khẩu phim”, dẫn đến sự phân biệt giữa việc phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống với phim “xuất khẩu” trên internet. Rất khó lý giải tại sao phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống lại cần kiểm duyệt mạnh mẽ hơn, trong khi phim xuất khẩu theo hình thức này thường có khả năng lan tỏa, tiếp cận ít hơn và khả năng thu hồi (nếu cần) cao hơn so phim trên internet. Vô hình chung, việc này lại khiến các phim của Việt Nam có xu hướng phát hành trên nền tảng hơn so với việc xuất khẩu chính thống do những phức tạp về mặt thủ tục.
Kết thúc chương trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý trách nhiệm, xác đáng của các ĐBQH. Đồng thời giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngày mai 29-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
NGUYỆT THU