Sự cần thiết của các điểm dừng chân

06:10, 16/10/2019

Lâu nay, những khu chợ do người dân tụ họp buôn bán nhỏ lẻ bên đường vẫn được gọi là chợ xép. Tại những diện tích đất trống, bà con  bán các mặt hàng nông sản "cây nhà lá vườn" là chủ yếu...

Lâu nay, những khu chợ do người dân tụ họp buôn bán nhỏ lẻ bên đường vẫn được gọi là chợ xép. Tại những diện tích đất trống, bà con  bán các mặt hàng nông sản “cây nhà lá vườn” là chủ yếu. Mặc dù quy mô nhỏ, gọn nhưng không khí buôn bán tại đây lại khá nhộn nhịp. Và có lẽ, người mua đến những phiên chợ xép bởi sự dân dã và tâm lý muốn mua nông sản từ vườn với giá bình dân, là bó rau bầu tươi ngon, trái bí non mơn mởn, con tép còn nhảy tanh tách, trái sầu riêng hái từ sau vườn vẫn còn ít mủ hay vài ba cọc măng tươi được hái từ trong rừng… Theo ghi nhận, chỉ tính riêng trục Quốc lộ (QL) 20, đoạn từ huyện Đức Trọng về huyện Di Linh có khoảng 7-10 khu chợ xép như vậy. Nhiều nhất có thể kể tới khu vực ven QL 20, đoạn qua 4 xã Gia Hiệp, Đinh Lạc, Liên Đầm, Tân Nghĩa. Ở đây, những chợ xép do người dân họp thường cách xa các khu chợ chính từ 3-4 km, diễn ra từ  6h sáng cho đến 5h chiều. Theo nếp quen, chợ xép của người đồng bào K’Ho sẽ bắt đầu vào tháng 2 và kết thúc vào cuối tháng 10, những tháng còn lại người dân nghỉ bán để lên nương làm rẫy, hái mướn cà phê, chè…
 
Những sạp hàng vẫn hàng ngày đón tiếp khách đi đường và người dân xung quanh
Những sạp hàng vẫn hàng ngày đón tiếp khách đi đường và người dân xung quanh
 
Tuy nhiên, việc hoạt động của những phiên chợ xép này đang là bài toán khó giải với chính quyền địa phương. Bởi chợ xép tồn tại một phần tạo nên nét đặc trưng riêng của người dân bản địa, giúp bà con có nguồn thu nhập hằng ngày; nhưng mặt khác, quy định của Nhà nước không khuyến khích và cho phép các chợ tự phát hoạt động làm ảnh hưởng tới công tác quy hoạch, quản lý hoạt động các chợ trên địa bàn, lấn chiếm lòng lề đường, ảnh hưởng tới an toàn giao thông...
 
Ông Đinh Duy Truyền - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh cũng thừa nhận việc người dân họp chợ mua bán ven đường đang là một phần nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con địa phương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không khuyến khích người dân tụ họp, buôn bán tự phát ven đường vì phát sinh các vấn đề về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…
 
Để giải quyết vấn đề trên, UBND huyện Di Linh mới đây đã phê duyệt đề án quy hoạch, định hướng một số điểm dừng chân cho du khách và người dân trên trục QL20 qua các xã Gia Hiệp, Đinh Lạc, Liên Đầm, Tân Nghĩa. Trong đó, bà con có thể bán các nông sản đặc thù của địa phương cho người dân và du khách, nhằm tăng thêm thu nhập. Nhưng rất tiếc, do nguồn kinh phí địa phương còn eo hẹp, đề án này hiện tới nay vẫn chưa được triển khai, thực hiện.
 
Trước đó, năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo về việc quản lý các khu chợ tự phát như trên tới các ban, ngành địa phương, nhằm tăng cường công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh nhấn mạnh công tác quy hoạch chợ cấp huyện, xã phải bảo đảm các tiêu chí về mỹ quan đô thị, hạn chế tối đa các khu chợ tự phát…
 
Với thực tế đang diễn ra, hoạt động tại những khu chợ xép này vẫn sẽ tiếp tục gây ra những khó khăn đối với không ít chính quyền địa phương khi phải cân bằng giữa yếu tố quản lý các nơi mua bán đúng quy hoạch và giữ lại nét văn hóa đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của người dân bản địa. Nếu đề án thực hiện các điểm dừng chân như của huyện Di Linh sớm được bố trí nguồn kinh phí thực hiện, hẳn sẽ giải quyết hài hòa những vấn đề giữa yêu cầu phát triển và nhu cầu dân sinh.
 
THÂN THU HIỀN