Thời gian qua, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã có nhiều nỗ lực và dành sự quan tâm lớn cho việc đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề một cách toàn diện...
Thời gian qua, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã có nhiều nỗ lực và dành sự quan tâm lớn cho việc đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề một cách toàn diện. Trong đó, chương trình liên kết đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp là hướng đi được nhà trường quan tâm đầu tư.
|
Sinh viên Khoa Cơ khí của trường thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: Thy Vũ |
Theo thầy Trương Duy Việt - Trưởng Phòng Đào tạo của Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, để tạo đột phá trong chương trình đào tạo, nhiều năm qua, nhà trường đã tăng cường hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, nhằm tạo việc làm bền vững cho người học sau khi tốt nghiệp. Việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo sẽ giúp cho chất lượng đào tạo được nâng cao do doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho học sinh có môi trường thực hành tốt nhất. Các em dần làm quen với môi trường làm việc hiện đại, kỷ luật cao, kỹ năng tay nghề sát yêu cầu thực tế. Đồng thời, các doanh nghiệp được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hiện tại, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch, cơ khí - động lực, điện, kinh tế và nông nghiệp. Cụ thể: Công ty Cổ phần Phát triển thương mại và đầu tư Việt Nhật, Công ty TNHH Pan Asia Đà Lạt, Tập đoàn Tôn Hoa Sen, Công ty Ô tô Trường Hải, Khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt… Bên cạnh đó, trường cũng đã ký kết hợp đồng liên kết đào tạo với các đơn vị doanh nghiệp nước ngoài: Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Quality Training Solutions (QTS), Công ty TNHH quốc tế Sanko Gakuen Nhật Bản để đào tạo tiếng Anh và tiếng Nhật theo yêu cầu doanh nghiệp và học sinh - sinh viên trong trường. Mặt khác, doanh nghiệp còn phối hợp với Trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học: doanh nghiệp đặt hàng hoặc cùng phối hợp nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện công nghiệp, nông nghiệp, như lập trình các phần mềm phục vụ công tác quản lý, hệ thống nhà kính thông minh ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nấm theo tiêu chuẩn Nhật Bản…
“Nhà trường có chủ trương đào tạo 30% là lý thuyết, 70% còn lại là thực hành. Để sinh viên có cơ hội thực tập, cọ xát với thực tế thì không thể không cần doanh nghiệp, vì dù nhà trường có hiện đại đến đâu thì cũng không thể có môi trường làm việc thực thụ, tác phong công việc và cả thái độ thận trọng đối với các sản phẩm thật và thêm vào đó là trang thiết bị cũng không thể được đầu tư hiện đại như ở các doanh nghiệp. Ngược lại, khi cùng hợp tác với nhà trường, các doanh nghiệp cũng có lợi đó là nguồn lao động, ưu tiên chọn lao động... Đó là bí quyết để nhà trường và doanh nghiệp cùng tìm đến với nhau. Nếu như thời gian đầu nhà trường phải trả tiền để doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thì thời gian gần đây, doanh nghiệp đã không nhận tiền của nhà trường nữa mà thay vào đó là trả công cho các em sinh viên thực tập. Tuy số tiền không nhiều nhưng cũng là động lực giúp các em thực tập sinh làm việc tốt hơn và có trách nhiệm với công việc của mình. Bên cạnh đó, việc được cọ xát thực tế, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực tập cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các em sau khi ra trường” - thầy Trương Duy Việt nói thêm.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, em Phạm Anh Tùng (sinh viên K 10, lớp Điện công nghiệp), vừa mới ra trường cho biết: “Trong quá trình theo học tại trường, em có 2 lần được đi thực tập, đó là thực tập giai đoạn vào năm thứ 2 khoảng 1 tháng và cuối năm 3 em được đi thực tập 3 tháng. Em thấy quá trình đi thực tập rất bổ ích, vì đó là cơ hội để em áp dụng những kiến thức đã được học vào thực tế, được va chạm và rút ra những kinh nghiệm thực tiễn cho mình. Cũng trong quá trình đi thực tập, em được các anh làm tại công ty hỗ trợ rất nhiều, nên cũng không lúng túng và bỡ ngỡ nhiều. Giờ em đã ra trường, đã đi làm đúng ngành nghề mình học và cũng đã và đang áp dụng được cả kiến thức học trong nhà trường và cả kinh nghiệm học được trong quá trình đi thực tập vào công việc nên em rất vui”.
Thầy giáo Lê Thanh Quang - giáo viên Khoa Cơ khí động lực cho biết: “Đối với sinh viên trường nghề thì việc thực hành có ý nghĩa rất lớn. Trong quá trình đi thực tập, các em không chỉ được va chạm với thực tế mà còn học hỏi được rất nhiều, qua đó, giúp các em trưởng thành hơn. Và nhiều năm qua, các doanh nghiệp, các garage cũng tạo điều kiện rất nhiều để các em sinh viên của trường thực hành, học hỏi và nhiều em trong số đó sau khi kết thúc khóa thực tập đã được các doanh nghiệp, garage giữ lại làm việc”.
THY VŨ