Chương trình định canh, định cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn có đất ở và sản xuất...
Chương trình định canh, định cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn có đất ở và sản xuất. Tuy nhiên, tại huyện Đơn Dương, vốn phân bổ các dự án vẫn còn thiếu so với kế hoạch nên tới thời điểm hiện tại, các dự án đều chưa hoàn thành. Đời sống người dân vì thế chưa thể đi vào ổn định.
|
Cuộc sống mới của người dân vẫn đang tạm bợ. |
Có mặt tại thôn Ka Đô Mới 2 (xã Ka Đô) một ngày đầu tháng 3, dường như sự dang dở vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây. 22 nóc nhà nằm rời rạc - kiên cố có, tạm bợ có - là nơi sinh sống của 22 hộ dân từ gần 2 năm nay. Cái nắng mùa khô như gay gắt hơn khi trong thôn chưa có một cây xanh nào kịp cho bóng mát và những con đường đất bụi mù vì gió lộng.
Trong căn nhà dựng tạm bằng tôn, lỗ chỗ nắng vì những lỗ thủng hai bên vách nhà, anh Ya Tuấn (40 tuổi) chia sẻ: “Sau 9 năm phải ở nhờ trong căn nhà tạm ở mảnh vườn của người quen, năm 2016, khi chuyển đến đây, tôi mới có cảm giác có được ngôi nhà của riêng mình”. Niềm vui vẫn còn đó, và hẳn sẽ trọn vẹn hơn nếu gia đình anh và những hộ dân nơi đây không gặp những khó khăn, thiếu thốn về điện và nước. Người dân vẫn đang phải lắp tạm đường ống, dùng nhờ nước từ các hộ dân ở khu vực lân cận. “Khu vực này chưa có giếng nước, chúng tôi lại chủ yếu đi làm thuê làm mướn nên đời sống khó khăn, không thể có vốn để tự đầu tư được” - anh Ya Tuấn nói.
Dẫn chúng tôi đến thăm thôn Ka Đô Mới 2, ông Ma Reng - Trưởng Ban Mặt trận thôn Giãn Dân, tặc lưỡi: “Mọi thứ ở đây đều chưa ổn định!”. Ông nói vậy, bởi đến bây giờ, ngoài điện và nước, cơ sở hạ tầng giao thông trong thôn vẫn chưa được hoàn thành. Ông chia sẻ: “Bình thường, học sinh trong thôn có thể tự đi xe đạp để đi học. Nhưng đến mùa mưa thì ngập úng, đường lầy lội, đi bộ là cách duy nhất để các cháu đến trường. Quãng đường đến trường bình thường có 3 km, nay các cháu phải đi bộ tận 30 phút mới tới nơi, mà đứa nào cũng lấm lem bùn đất”.
|
Trước mùa khô này, người dân cũng lo không đủ nước sinh hoạt để dùng |
Trao đổi về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Ka Đô cũng công nhận, hiện, đời sống của bà con thôn Ka Đô Mới 2 vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Hợp cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, bà con trong thôn chủ yếu phải dùng điện nhờ từ các khu dân cư xung quanh. Điện yếu đã gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đến cuối năm 2019, Điện lực Đơn Dương đã tiến hành lắp đặt đường dây hạ thế. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các hộ dân trong thôn hiện cũng chưa có kinh phí để kéo đường điện về tận nhà.
Cũng theo ông Hợp, theo dự án định canh, định cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích đất theo thiết kế của dự án là hơn 400 m
2 cho mỗi hộ. Tuy nhiên, với diện tích này, bà con chủ yếu chỉ đủ đất ở chứ không có đất sản xuất. Người dân trong thôn Ka Đô Mới 2 chủ yếu vẫn đi làm thuê, một số hộ có vườn, rẫy ở xa. Thế nên, dù là dự án định canh, định cư nhưng thực tế, đây chỉ là khu vực nhà ở, không phù hợp cũng như không có đủ diện tích để tiến hành sản xuất nông nghiệp.
Những khó khăn, thiếu thốn mà thôn Ka Đô Mới 2 đang gặp phải cũng chính là tình trạng chung của các dự án định canh, định cư tại huyện Đơn Dương.
Theo thống kê của UBND huyện, hiện toàn huyện có 3 dự án định canh, định cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hoàn thành, bao gồm 2 dự án xen ghép ở thôn Kan Kil - thôn Ha Ma Sing (thị trấn D’ran), thôn Suối Thông A2 (xã Đạ Ròn) và dự án tập trung ở thôn Ka Đô Mới 2 (xã Ka Đô).
Theo đó, dự án định canh, định cư xen ghép ở thôn Kăn Kil, thôn Ha Ma Sing (thị trấn D’ran) có 30 hộ/190 khẩu với kinh phí được duyệt là 3.010 triệu đồng, vốn cấp năm 2008 đã thực hiện là 795 triệu đồng. Trong đó: 345 triệu đồng xây dựng phân trường Mầm non Ha Ma Sing, 450 triệu đồng hỗ trợ sản xuất, giải ngân và quyết toán vốn trong năm. Vốn còn thiếu chưa phân bổ là 2.215 triệu đồng. Tại thôn Suối Thông A2 (xã Đạ Ròn), dự án có 50 hộ với 260 khẩu, kinh phí được duyệt là 4.300 triệu đồng. Vốn cấp đã thực hiện là 1.450 triệu đồng, trong đó: Xây dựng đường giao thông nông thôn liên vùng 700 triệu đồng, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất 750 triệu đồng, 2 dự án trên được hoàn thành và quyết toán vốn trong năm. Vốn còn thiếu chưa phân bổ là 2.850 triệu đồng.
Đối với dự án định canh định cư tập trung Ka Đô Mới 2 (xã Ka Đô), dự án có 58 hộ/260 khẩu, kinh phí được duyệt là 8.000 triệu đồng, vốn đã thực hiện là 4.570 triệu đồng. Trong đó: san lấp mặt bằng khu quy hoạch 4,2 ha là 1 tỷ đồng; làm 2,2 km đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng là 3.570 triệu đồng. Vốn còn thiếu chưa phân bổ là 3.430 triệu đồng.
Theo UBND huyện Đơn Dương, khó khăn chung của các dự án định canh, định cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay là vốn phân bổ các dự án còn thiếu so với kế hoạch nên các dự án đều chưa hoàn thành. Cụ thể như ở dự án thôn Ka Đô Mới 2, các hạng mục bức xúc cần tiếp tục phân bổ vốn đầu tư để hoàn thành dự án gồm: 1 công trình đường GTNT nội vùng với chiều dài khoảng 950 m, kinh phí 1,1 tỷ đồng; 1 công trình nước sạch tập trung bằng hệ thống giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt cho 58 hộ thuộc đối tượng định canh, định cư tại khu dự án với kinh phí 1,2 tỷ đồng; 1 công trình điện hạ thế với chiều dài khoảng 500 m với kinh phí 335 triệu đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 53 hộ với kinh phí 795 triệu đồng (đã hỗ trợ sản xuất cho 5 hộ)... Tổng vốn còn thiếu ước tính trên 3,4 tỉ đồng.
Theo ông K’Sung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương, cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước phục vụ sinh hoạt chưa được đầu tư gây khó khăn cho sinh hoạt, phát triển sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc. Đời sống người dân chưa ổn định từ đó gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội cũng như công tác quản lý của địa phương. Qua khảo sát, làm việc, UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ nguồn vốn để hoàn thành công trình bức xúc nhất tại thôn Ka Đô Mới 2 trong năm nay. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ tiến hành vận động người dân tự chủ động dành dụm, đầu tư, ít nhất là trang thiết bị để kéo điện về từ trụ điện hạ thế. Dẫu biết là sẽ còn những khó khăn trước mắt nhưng không thể để bà con có tâm lý ỷ lại hoàn toàn vào hỗ trợ của Nhà nước.
V.QUỲNH - H.THẮM