Hạn hán kéo dài trong nhiều tháng qua, không chỉ khiến nguồn nước tưới cây trồng bị thiếu hụt trên diện rộng, mà nước sinh hoạt của người dân tại nhiều huyện phía Nam của tỉnh cũng đang dần khan hiếm.
Hạn hán kéo dài trong nhiều tháng qua, không chỉ khiến nguồn nước tưới cây trồng bị thiếu hụt trên diện rộng, mà nước sinh hoạt của người dân tại nhiều huyện phía Nam của tỉnh cũng đang dần khan hiếm.
|
Nguồn nước sinh hoạt của người dân nhiều địa phương phụ thuộc vào công trình nước tự chảy nên được cải tạo, nâng cấp thường xuyên |
Nhiều nơi khan hiếm nguồn nước
Xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) là địa phương được đầu tư 4 công trình giếng khoan cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do nguồn nước bị nhiễm phèn nặng không thể sử dụng, nên 3/4 giếng khoan phải “đắp chiếu”. Do đó, nguồn nước sinh hoạt của gần 700 hộ dân nơi đây phải phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống nước tự chảy và giếng đào. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, cứ đến mùa khô là toàn bộ giếng đào của người dân địa phương đều cạn “trơ đáy”. Trong khi đó, nguồn nước tự chảy chỉ đủ cung cấp cầm chừng cho khoảng 100 hộ dân.
Theo người dân xã Lộc Lâm, mùa khô năm nay đến sớm và khắc nghiệt hơn những năm trước. Vì thế, ngay từ giữa tháng 2, người dân đã phải mang can nhựa, chai lọ vào khe suối “cõng” nước về chống khát. Bà K’Dụ (Thôn 2, xã Lộc Lâm) cho biết: “Đã hơn 20 ngày qua, gần 200 hộ dân ở Thôn 2 đều phải mang can, chai nhựa vào rừng “cõng” nước về mới có để ăn uống. Còn tắm giặt thì bà con phải rủ nhau ra suối, vất vả lắm”.
Theo ông Nguyễn Đình Bình - Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, toàn xã có khoảng 700 hộ dân. Năm nay, toàn xã đã có hơn 70% hộ dân thiếu nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, Thôn 2 là cấp bách nhất vì tất cả bà con trong thôn đều không chủ động được nguồn nước tại chỗ. “Đó là chưa kể nguồn nước cung cấp cho hơn 600 học sinh tại 3 trường học trên địa bàn nếu có lịch đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch” - ông Bình lo lắng.
Không chỉ Lộc Lâm, mà tại các xã như Đạ P’Loa, Đoàn Kết (huyện Đạ Huoai), thôn Con Ó (xã Mỹ Đức), thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) và xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên)… cũng đang trong tình trạng khan hiếm nguồn nước sinh hoạt. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, đến thời điểm này, theo ghi nhận, toàn huyện mới có khoảng 40 hộ dân tại khu tái định cư (Thôn 1, xã Đoàn Kết) thiếu nguồn nước sinh hoạt do nắng hạn. Còn lại 10 giếng khoan, công trình nước tự chảy tại các xã Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Phước Lộc và Đạ Oai vẫn cung cấp đủ nguồn nước cho bà con sử dụng. Tuy nhiên, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài khoảng 1 tháng tới, thì chắc chắn người dân tại nhiều địa phương sẽ bị thiếu nước.
Trong khi đó, tại thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh), do suối Đạ Cọ bị chặn nguồn nên công trình cung cấp nước sinh hoạt tại đây bị “đắp chiếu” khiến hơn 170 hộ dân phải đối diện với cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông K’Brèo - cán bộ Mặt trận thôn Tôn K’Long, phản ánh: “Gần 4 năm nay, từ khi suối Đạ Cọ bị chặn dòng khiến công trình nước sinh hoạt bỏ hoang, người dân đã tìm mọi cách để kiếm nguồn nước sinh hoạt như đào, khoan giếng,… nhưng tất cả đều không có hiệu quả. Hiện, đang vào cao điểm mùa khô nên tình trạng thiếu nước của bà con càng nghiêm trọng hơn”.
Cần giải pháp lâu dài
Theo ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, toàn huyện đang có hơn 40 công trình giếng khoan, nước tự chảy được đầu tư xây dựng ở hầu hết các xã, thị trấn, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Song đến hiện tại, có 12 công trình giếng khoan không thể sử dụng vì hư hỏng hoặc nhiễm phèn nặng. “Thống kê sơ bộ, mùa khô năm nay, xã Lộc Lâm vẫn là địa phương có nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt nhất. Hiện tại, huyện đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp lại 3 giếng khoan trên địa bàn xã và xây thêm bể lọc để cung cấp nước cho bà con. Riêng với những xã có nguy cơ thiếu nguồn nước sinh hoạt như Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Bắc và Lộc Bảo thì các địa phương cũng chủ động lắp đặt các bồn nước công cộng dự phòng. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, chúng tôi sẽ đề xuất UBND huyện vận chuyển nguồn nước vào các buồn chứa đảm bảo cho bà con sử dụng. Về lâu dài, địa phương sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp những công trình nước sinh hoạt hư hỏng, xuống cấp và bị nhiễm phèn để đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho bà con” - ông Xuân cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Chi - Trưởng thôn Tôn K’Long, do công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn bị “đắp chiếu” đã nhiều năm qua, nên cứ đến mùa khô là người dân nơi đây phải đối diện với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Để bà con có nguồn nước sinh hoạt lâu dài, rất cần sự vào cuộc của UBND huyện Đạ Tẻh và các ngành chức năng cấp tỉnh nhằm khơi thông dòng suối Đạ Cọ.
Tương tự, tại huyện Cát Tiên, đang có hơn 400 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới, tập trung tại thị trấn Cát Tiên và các xã Đức Phổ, Nam Ninh, Đồng Nai Thượng. Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho biết: “Hiện, địa phương đang có 2 nhà máy nước sạch tại thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát với tổng công suất thiết kế 5.700 m3/ngày đêm, nhưng do thiếu nguồn vốn để triển khai các hạng mục theo thiết kế nên hai nhà máy này chỉ mới đạt công suất 3.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho gần 1.800 hộ dân. Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con, trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường kêu gọi thêm nguồn vốn đầu tư nhằm hoàn thiện các hạng mục công trình hai nhà máy nước theo đúng công suất thiết kế”.
HẢI ĐƯỜNG