Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu tối đa số vụ cháy và thiệt hại tài nguyên rừng, huyện Lâm Hà đề ra phương châm "phòng là chính" nhằm triển khai sâu rộng đến các địa phương trên địa bàn huyện.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm giảm thiểu tối đa số vụ cháy và thiệt hại tài nguyên rừng, huyện Lâm Hà đề ra phương châm “phòng là chính” nhằm triển khai sâu rộng đến các địa phương trên địa bàn huyện.
|
Huyện Lâm Hà tuần tra, giám sát, quyết không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô |
Hiện Lâm Hà có tổng diện tích đất tự nhiên là 93.023 ha, trong đó 23.330 ha diện tích đất có rừng và được phân bố ở 13/16 xã, thị trấn.
Theo ông Đồng Văn Tuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Do hai năm trước gần như không có mùa khô, mưa triền miên khiến cây thực bì mọc lên dày đặc. Bước sang năm nay, đã 5 tháng rồi vẫn không có mưa khiến việc bùng phát cháy từ các cây thực bì diễn ra là chuyện không thể tránh khỏi. Về rừng tự nhiên, tại một số chỗ sẽ được đốt trước mùa khô có điều khiển nhưng cũng không thể hết”.
Do đó, ngay từ đầu năm 2020, huyện Lâm Hà đã cũng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn với 16 thành viên. Còn lực lượng chữa cháy cũng được Ban Chỉ huy PCCCR xây dựng theo 3 cụm là Nam Ban, Quốc lộ 27 và Lán Tranh. Cụ thể, 100 người ở thị trấn Nam Ban và các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh và Nam Hà; 80 người được phân công về thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô và 60 người còn lại tập trung về các xã Đan Phượng, Tân Thanh, Phú Thọ. Ngoài ra tăng cường thêm 100 cán bộ, nhân viên thuộc Hạt Kiểm lâm, quân sự, công an, phòng nông nghiệp.
Hiện, Hạt Kiểm lâm huyện đã tổ chức tuyên truyền lưu động về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR mỗi xã 2 đợt trên địa bàn 13 xã, thị trấn. Đặc biệt, tập trung tại các xã có diện tích rừng trồng lớn, có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR cấp huyện, xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong việc tổ chức thực hiện. Cùng lúc triển khai ký hợp đồng bảo vệ rừng và PCCCR trong những tháng mùa khô tại các xã có rừng, kiểm tra và giám sát đảm bảo việc thực hiện hợp đồng đã ký đúng quy định.
Đầu mùa khô, các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm xây dựng phương án PCCCR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Theo đó, các hạng mục làm giảm vật liệu cháy được đưa lên hàng đầu.
Mỗi năm diện tích cần xử lý vật liệu cháy khoảng 2.000 ha, trong đó xử lý có đầu tư kinh phí của Nhà nước khoảng 100 - 150 ha, còn các đơn vị chủ rừng ngoài Nhà nước khoảng 1.500 ha.
Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng tự đốt trước có điều khiển rừng tự nhiên và rừng trồng không được đầu tư kinh phí xử lý vật liệu cháy khoảng 1.000 ha.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Lâm Văn Lộc - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cho hay: “Với đặc thù là rừng thông nhiều nên ngay từ khi bắt đầu bước vào mùa khô, chúng tôi đã cùng các chủ rừng đưa ra các phương án nhằm giảm tình trạng cháy. Hiện 100% chủ rừng đều xây dựng phương án phòng cháy với 6 phương án đã được phê duyệt thực hiện. Xác định “phòng là chính” nên đơn vị đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt 4 khâu tại chỗ, bao gồm: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ để ứng cứu kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra”.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác PCCCR trong mùa khô, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, trực PCCCR 24/24 giờ và thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, cập nhật thông tin dự báo cháy rừng để chủ động có phương án ứng phó hiệu quả nhất.
Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, làm chủ được mọi tình huống khi xảy ra cháy rừng nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do cháy rừng gây ra.
T.HIỀN - H.YÊN