Phát huy vị trí, vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc vận động tín đồ tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát huy vị trí, vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc vận động tín đồ tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thống kê cho thấy, trong 4 năm qua, cả nước đã có gần 2000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Nhiều tỉnh, các tôn giáo đã có những mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như tỉnh Bình Thuận với mô hình "Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu" vùng đồng bào theo đạo Bàlamôn; tỉnh Quảng Nam với mô hình “Tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” của các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim, phường Minh An, phường Cẩm Châu, Cửa Đại; mô hình "Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường" tại Chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành.
Riêng tỉnh Lâm Đồng với mô hình “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” của Giáo xứ Thánh Mẫu, Phường 7; mô hình "Khu dân cư an toàn, sáng - xanh - sạch - đẹp" của thôn R'Chai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng; mô hình "Khu dân cư đoàn kết bảo vệ môi trường" ở thôn Đa Hoa, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương... được đánh giá rất cao.
Đến nay, toàn tỉnh có 569 khu dân cư tự quản tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, hầu hết các mô hình đều do chức sắc các tôn giáo chủ trì, phối hợp thực hiện, mang lại hiệu quả tốt, được tín đồ và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Điển hình như: Mô hình “Không rải vàng mã trong đám tang” được xây dựng và nhân rộng tại nhiều khu dân cư thuộc huyện Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai; trong đó có vai trò nòng cốt của các chức sắc trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện, Ban Đoàn kết Công giáo huyện, góp phần từng bước thay đổi nhận thức và hành vi của tín đồ, Nhân dân không chỉ về bảo vệ môi trường, làm xanh - sạch - đẹp đường làng, ngõ xóm mà còn trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.
Linh mục Phạm An Nhàn, nguyên Quản xứ Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, khi triển khai mô hình “Giáo họ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” đã vận động nạo vét trên 1.000 m kênh mương nội đồng, trồng 850 cây xanh, duy trì tốt việc ra quân dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng; Linh mục Phạm Văn Tuấn, Quản xứ Quảng Lâm, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, đã vận động bà con nhân dân trong thôn đóng góp thắp sáng 5 km đường quê, xây mới, tu sửa 15 hàng rào với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Hay như mô hình “Khu dân cư an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” tại thôn Tân Hòa, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, được Mục sư Ngô Thanh Hưng, Quản nhiệm Hội thánh Báp-Tít Bình An vận động trên 95% hộ gia đình ký cam kết và thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Nhìn chung, thời gian qua, ngành Tài nguyên - Môi trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình thực hiện các chương trình, các hoạt động về bảo vệ môi trường, huy động cộng đồng và các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, phát triển thành các phong trào về bảo vệ môi trường. Đồng thời, gắn bảo vệ môi trường với việc triển khai các mô hình điểm bảo vệ môi trường, lấy đó làm một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hiện 63/63 tỉnh, thành phố đều ký kết được chương trình/kế hoạch phối hợp, bước đầu đã tạo sự lan tỏa và phát huy được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân các tôn giáo tham gia với 1.014 mô hình của các tôn giáo đã được xây dựng.
Ông Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Thời gian tới, Mặt trận các cấp phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động, hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại gia đình và cộng đồng dân cư. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hội viên, đoàn viên và Nhân dân hưởng ứng các nội dung về môi trường và biến đổi khí hậu như: Nếp sống vệ sinh, xanh, sạch, đẹp, thói quen bớt xả rác, ăn uống hợp vệ sinh và bảo đảm sức khỏe; hưởng ứng các phong trào xanh: “Chủ nhật xanh”, trồng cây, trồng rừng, xanh đồng, sạch ngõ, sạch nhà, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, không lạm dụng đốt rơm rạ, đốt vàng mã, nhang hương gây ô nhiễm; vận động Nhân dân hưởng ứng việc hỏa táng, chôn cất đúng nơi qui định, hạn chế rác thải nhựa...
NGUYỆT THU