Người dân tấp nập mua sắm chuẩn bị tết ông Công, ông Táo

07:01, 24/01/2022
(LĐ online) - Theo tín ngưỡng, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân cưỡi cá chép về trời báo cáo lên Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của các gia đình ở hạ giới trong năm qua. Lễ cúng ông Công, ông Táo thường được thực hiện vào ngày 22 cho đến trưa ngày 23 tháng Chạp tuỳ theo phong tục vùng miền và phương tiên đi lại của ông Công, ông Táo, không thể thiếu cá chép.
 
Cá chép vàng được bày bán và chào mời tại các chợ trong ngày cúng ông Công, ông Táo.
Cá chép vàng được bày bán và chào mời tại các chợ trong ngày cúng ông Công, ông Táo.
 
Dạo một vòng các chợ trên địa bàn huyện Đức Trọng, từ sáng 22 tháng Chạp âm lịch, có rất nhiều quầy hàng bày bán cá chép vàng. Nhiều người dân cũng tranh thủ đi chợ sớm để sắm sửa lễ vật với giấy gió, hương hoa, trầu cau, trái cây, xôi chè… nhằm thể hiện sự tôn kính đối với người trông coi bếp núc của gia đình.
 
Tại các chợ Liên Nghĩa, Fi Nôm, cá chép được người bán đựng vô thau nước hoặc đóng sẵn trong bịch ni lông, mỗi bịch 3 con cá có giá dao động từ 20 đến 30 ngàn đồng tuỳ theo kích cỡ. Các tiểu thương ở chợ cho biết, cá chép được nhập về từ Đồng Nai và một số địa phương khác, trung bình dịp này, mỗi tiểu thương có thể bán được từ 20 - 30 kg cá chép.  
 
Ngoài việc cúng cá chép sống rồi phóng sinh ra ao hồ, sông suối…, nhiều gia đình còn thay thế việc cúng cá chép bằng giấy để thuận tiện hơn. Chị Nguyễn Thùy Nhi chỉ vào bịch cá chép vừa mua, vừa vui vẻ cho biết: “Để thể hiện sự tôn kính đối với người trông coi bếp núc của gia đình, năm nào tôi cũng mua đầy đủ các lễ vât như cá chép, giấy cúng, xôi, chè... Tuy nhiên, tôi nghĩ, trong khả năng của mình, mọi việc mình cứ làm bằng cái tâm của mình là được”.
 
N.MINH