Tôn K'Long ngày về

04:11, 30/11/2022
Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) hiệnkhông còn im ắng, thưa vắng bóng người qua lại như những tháng ngày vừa mới thành lập. Giờ đây, bà con trong thôn đã biết làm lụng, tích góp của cải để cùng nhau vun đắp, dựng xây nên một vùng quê trù phú, thanh bình. 
 
Trong ánh mắt của những đứa trẻ nơi miền quê Tôn K’Long luôn tràn trề nhựa sống.
Trong ánh mắt của những đứa trẻ nơi miền quê Tôn K’Long luôn tràn trề nhựa sống.
 
Gần 22 năm kể từ khi Tôn K’Long được thành lập theo dự án giãn dân của UBND tỉnh Lâm Đồng, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây dần thay da đổi thịt; điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư hoàn thiện để người dân an cư, lạc nghiệp.
 
Căn nhà nhỏ của chị Võ Thị Chi - Trưởng thôn Tôn K’Long nằm gần như cuối thôn, trước ngõ phơi đầy cà phê. Với chị Chi hay bà con Tôn K’Long, cà phê trước nay vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu chính cho người dân trong thôn. Ấy thế mà có thời điểm, cà phê, điều hay chè,... đều phải bán với giá rẻ và trừ chi phí thì người dân lời lãi chẳng được bao nhiêu. “Ngày trước, khó khăn là thế, nhưng bây giờ đỡ nhiều lắm rồi! Từ năm 2017, bà con trong vùng đã biết chuyển đổi cây trồng, biết học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc... từ những hộ dân vùng lân cận về trồng sầu riêng, bơ hay một số loại cây ăn trái khác. Nhờ vậy, cho tới bây giờ, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thôn đã đạt 42 triệu đồng/người/năm”, chị Chi phấn khởi.
 
Cũng giống như bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn, ký ức của ông K’Sĩ (50 tuổi) về mảnh đất cách đây khoảng hơn 20 năm về trước: Đường lầy lội chẳng ai muốn đi, cũng chẳng mấy ai muốn chọn Tôn K’Long là nơi sinh sống và phát triển kinh tế. Vậy mà giờ đây, những nhọc nhằn, vất vả ngày ấy đã dần được thay thế bởi một cuộc sống no đủ với đồi cà phê xanh bát ngát, những vườn cây trái trĩu cành cho năng suất cao và thu nhập ổn định... “Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết cuộc sống bà con trong vùng này ngày trước rất vất vả. Mỗi nhà cũng chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê, đường sá đi lại khó khăn nên làm gì cũng khó. Nhưng những năm sau này, được sự đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước, cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, và nhận khoán bảo vệ rừng nên bà con đã dần bước vào ổn định. Con em từ đó cũng đã được đến trường, biết đọc, biết viết và biết đến con chữ rồi! Gia đình tôi cũng thế, để cuộc sống khấm khá hơn, tôi bắt đầu chuyển đổi cây trồng từ năm 2017. Đến nay, tôi vừa trồng cà phê, trồng bơ, sầu riêng và có vài sào dâu tằm nên cũng có của ăn, của để. Trung bình mỗi năm, tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng, chưa kể diện tích sầu riêng mới chỉ bước vào năm đầu tiên cho thu bói. Bên cạnh đó, tôi cũng như người dân trong thôn tham gia vào tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Thay vì ngày xưa, người dân sống tự do, cuộc sống khó khăn khiến họ bắt buộc phải lên rừng chặt cây lấy củi đem bán, thì giờ đây, chúng tôi đều vui mừng khi việc bảo vệ rừng cho thêm nguồn thu nhập ổn định với 3 triệu đồng/quý”, ông K’Sĩ vui vẻ nói.
 
Đường sá trong thôn khang trang với 100% được bê tông hóa, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong vùng đóng góp một phần kinh phí để hoàn thiện. Trưởng thôn Võ Thị Chi bảo rằng, nhiều năm nay, nhận thức của bà con đã được thay đổi, họ không còn ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước mà chính bà con đã cùng nhau sẻ chia, kêu gọi đóng góp nguồn kinh phí nhỏ để cùng địa phương xây dựng những con đường kiên cố. Từ đó, giao thương, buôn bán đi lại thuận tiện, vào mùa cà phê, bà con không còn phải vất vả vận chuyển nông sản như trước. Điện, đường từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, trên khuôn mặt rạng ngời của những đứa trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại có thêm nhiều niềm vui bởi sau khi điểm Trường Tiểu học - THCS Xuân Thành phân hiệu Tôn K’Long được hình thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Sau đó, lần lượt phân trạm Y tế, rồi Trường Mầm non Đạ Pal phân hiệu Tôn K’Long cũng đã hiện hữu nơi vùng đất xa xôi của huyện Đạ Tẻh. Chị Cil Múp Mỹ Huệ - người dân trong thôn cho hay: “Ngày còn chưa có phân hiệu trường, con em ở thôn đi học xa và cực lắm! Nhưng rồi mọi thứ cũng đã ổn khi ở đây bắt đầu đã có trường học, có thầy cô giáo lên giảng dạy... Rồi dần dần mọi người cũng hiểu được rằng, cái chữ nó quan trọng đối với con em trong thôn như thế nào”. 
 
“Tôn K’Long bây giờ, ngoài tập trung vào phát triển kinh tế, bà con đồng bào cũng dần xóa bỏ những hủ tục, thay vào đó là tập trung xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của người Mạ như truyền dạy đánh cồng chiêng, hay dệt thổ cẩm”, chị Chi chia sẻ.
 
Rời Tôn K’Long khi nắng chiều đã nhạt, ánh điện bừng sáng lung linh trên miền đất ấy như đang báo hiệu một sự khởi đầu đầy hứa hẹn với người dân nơi đây. Dẫu biết rằng nơi ấy, một số hạng mục chưa hoàn thiện do những nguyên nhân khách quan, song bỏ lại những tháng ngày khó khăn ấy phía sau, những người dân Tôn K’Long bây giờ đã tự hào với diện mạo nông thôn tràn trề nhựa sống. Ở đó, bức tranh về thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những gam màu tươi mới sẽ là niềm tin, niềm hy vọng cho một tương lai về một vùng đất an cư, lạc nghiệp.
 
THÂN THU HIỀN