Tỏa sáng vượt qua rào cản

04:12, 01/12/2022
Sinh ra không may mắn như các bạn đồng trang lứa, không nghe, không nói được, thế nhưng, em Huỳnh Ngọc Sơn - học sinh lớp 9, Trường Khiếm thính Lâm Đồng không vì thế mà chùn bước. Bằng khát khao và nghị lực, Sơn dùng sự khác biệt của mình để tạo nên những điều đặc biệt. 
 
Huỳnh Ngọc Sơn (thứ hai từ phải sang) luôn là tấm gương nghị lực để các bạn khiếm thính tự tin vững bước
Huỳnh Ngọc Sơn (thứ hai từ phải sang) luôn là tấm gương nghị lực để các bạn khiếm thính tự tin vững bước
 
Theo lời giới thiệu của các giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng, chúng tôi tìm gặp Sơn - một trong những gương mặt Tỏa sáng Nghị lực Việt năm 2022 được Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tuyên dương cuối tháng 10 vừa qua. Vì không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, những phút đầu của cuộc trò chuyện, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi lắng nghe Sơn chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng với sự trợ giúp của cô giáo, chúng tôi cũng dần hiểu hơn về hoàn cảnh của Sơn và câu chuyện vượt khó, nghị lực của cậu học trò khiếm thính.
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo, bố Sơn mất sớm do tai nạn giao thông, mẹ lại mắc bệnh tim mạn tính không thể lao động nặng, mọi gánh nặng chi tiêu cho sinh hoạt, thuốc men đều dồn lên vai người anh đầu. Dù không thể nói, cũng không thể nghe, nhưng từ nhỏ, Sơn đã hiểu được những vất vả của anh, sự đau yếu của mẹ. “Từ bé, em chỉ ước lớn lên sẽ kiếm thật nhiều tiền để phụ giúp cho anh và chữa bệnh cho mẹ”, Sơn thổ lộ. 
 
Mẹ Sơn, dù không muốn xa con, nhưng để em có môi trường học tập và phát triển phù hợp với thể trạng, năm 2007, khi em lên 5, gia đình đã gửi em theo học mầm non ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng. “Những ngày đầu sống nơi xa lạ, chưa biết ngôn ngữ ký hiệu, em thường thu mình trong phòng hay nơi góc sân trường, ngại ngùng, sợ sệt khi tiếp xúc với bạn bè và thầy, cô giáo”, Sơn nhớ lại. Nhớ mẹ và anh, nhiều đêm, em khóc một mình, cảm thấy tủi thân, em ước mình có thể nghe và nói bình thường như nhiều bạn nhỏ khác. 
 
Thiếu hơi ấm của cha mẹ khi còn quá nhỏ, lại thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, thầy, cô giáo ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng càng cố gắng bù đắp cho các em nhiều hơn. Ngôi nhà mới dù xa lạ, nhưng có lẽ, Sơn chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình thương của mọi người xung quanh. Từng bữa cơm, giấc ngủ của em đều được thầy, cô giáo và các anh, chị trong khu nội trú chăm sóc chu đáo. Và cả những lần bỡ ngỡ học ngôn ngữ ký hiệu đều có sự dìu dắt tận tình của các thầy, cô nơi đây. 
 
Từ những ký hiệu cơ bản, em dần học được nhiều ký hiệu ngôn ngữ bằng tay để giao tiếp với mọi người xung quanh. Cuộc sống của Sơn khi này cũng trở nên sôi nổi, nhiều màu sắc hơn trước. “Em dần quen với cuộc sống mới, bớt nhớ nhà và tự tin tiếp xúc, giao tiếp với bạn bè, thầy cô hơn”, Sơn nói qua ký hiệu tay. Luôn cầu tiến, chăm chỉ trong học tập, nhiều năm liền, Sơn đều là học sinh giỏi của trường. 
 
Không những chăm ngoan, học giỏi, Sơn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng và đảm nhận vai trò Đội trưởng Đội Sao đỏ của trường, nhận nhiệm vụ quản lý khu nội trú. Em luôn năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ thầy cô chăm sóc, chỉ bảo các em nhỏ tuổi hơn, là “anh Sao đỏ” mà bạn bè, thầy cô đều yêu quý. Sơn chia sẻ: “Khi còn nhỏ, em được các anh chị, thầy cô chăm sóc, nay đã lớn, em muốn thay các anh chị chăm lo cho các em như một người anh trong gia đình”.
 
Cô Nguyễn Thị Mai Linh, giáo viên Trường Khiếm thính nhận xét: “Ở trường, Sơn còn là Liên đội trưởng, là “thủ lĩnh nhí” giỏi giang, gương mẫu, tiên phong trong hoạt động Đội, luôn biết cách dẫn dắt các bạn tham gia các phong trào, hoạt động”. Nhiều năm liền, Liên đội Trường Khiếm thính Lâm Đồng luôn đạt danh hiệu vững mạnh cấp thành phố. Không chỉ vậy, các môn thể thao như bóng đá, bơi lội, võ thuật và cờ vua, Sơn đều biết và cho thấy năng khiếu của mình. Sơn tâm sự: “Em rất thích bóng đá, trên sân cỏ, em được thỏa thích chạy nhảy, được khẳng định sức mình, có thể cùng các bạn vui chơi, rèn luyện sức khỏe mà không bị giới hạn bởi ngôn ngữ nào”. 
 
Ngoài bóng đá, cờ vua cũng là môn mà Sơn thấy mình có nhiều lợi thế, em cũng đã đạt được nhiều thành tích ở bộ môn này. Nổi bật, tại Hội thi cờ vua khuyết tật khu vực phía Nam tổ chức ở Nha Trang, Sơn đã mang Huy chương Bạc về cho trường. Không còn tự ti, mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân, bằng nghị lực, niềm tin và khát khao của mình, Sơn tin rằng, chỉ cần dám ước mơ và luôn nỗ lực, phấn đấu, người khiếm thính vẫn có thể tỏa sáng trong đường đời của mình. Tuổi 20, Sơn vẫn luôn nỗ lực cho ước mơ của mình, phấn đấu học tập tốt, không phụ lòng thầy cô. Khi ra trường, em có thể tìm được một công việc có thu nhập ổn định để phụ giúp, chăm lo cho mẹ và anh; hơn hết là trở thành người có ích cho xã hội.
 
NHẬT QUỲNH