Tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội

LÊ HOA 05:52, 19/07/2023

Từ tháng 4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 05 ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược), nhằm tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội (TDCS) trên địa bàn tỉnh phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Tuần gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” là sáng kiến huy động vốn được thực hiện 3 năm nay, góp phần tạo thêm nguồn lực cho vay các đối tượng chính sách
“Tuần gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” là sáng kiến huy động vốn được thực hiện 3 năm nay, góp phần tạo thêm nguồn lực cho vay các đối tượng chính sách

Mục tiêu của kế hoạch là cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh; đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp triển khai thực hiện TDCS đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền trong xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho TDCS; tạo điều kiện để Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS trên địa bàn.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành đối với TDCS; tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý TDCS đặc thù của NHCSXH trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội. Tập trung huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS. Hàng năm, ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách chiếm từ 15 - 20% tăng trưởng dư nợ TDCS trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương chiếm tối thiểu 20%/tổng nguồn vốn.

Tăng trưởng dư nợ đi đôi với đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả TDCS. Triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình TDCS trên địa bàn theo điều kiện thực tế tại địa phương; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp; nghiên cứu, đề xuất mở rộng cho vay các đối tượng đặc thù của tỉnh, các đối tượng khó khăn chưa được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi như: học sinh, sinh viên, hộ có mức sống trung bình…

Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù. Xây dựng đội ngũ cán bộ NHCSXH có đạo đức nghề nghiệp, có đầy đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin chuyển đổi số trong điều hành, tác nghiệp; triển khai kịp thời các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH nhằm phục vụ tốt hơn các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động TDCS; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý và xử lý nợ rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển của NHCSXH; tăng cường công tác truyền thông của NHCSXH…

Để thực hiện kế hoạch này, tháng 6/2023, Ban Đại diện (BĐD) Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp - Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH làm Trưởng Ban. Kế hoạch cũng quy định nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với Chi nhánh NHCSXH tỉnh và BĐD HĐQT NHCSXH các cấp… tổ chức thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Để bảo đảm tập trung nguồn lực cho NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS theo kế hoạch, Chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung của Chiến lược và kế hoạch của UBND tỉnh; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung Chiến lược đến các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo các Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, thành phố tham mưu BĐD cùng cấp ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược trên địa bàn.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, có giải pháp huy động vốn tại địa phương, nhằm tăng cường nguồn lực đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng, tránh bị lợi dụng, trục lợi chính sách; đồng thời, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện TDCS, tình hình triển khai thực hiện Chiến lược, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chiến lược…