Từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Đồng bào DTTS ở huyện Đạ Tẻh thành công với mô hình nuôi heo lai rừng lấy thịt và sinh sản |
Đạ Tẻh là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, gồm 8 xã và 1 thị trấn; 77 thôn, tổ dân phố; 13 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống với 3.063 hộ, chiếm khoảng 24% dân số như: Nùng, Tày, Dao, Mường, K'Ho, Hoa, Sán Dìu, Châu Mạ, Ê Đê, Chơ Ro, Thái… Riêng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên có 997 hộ, chiếm khoảng 7% dân số toàn huyện, hiện đang sinh sống tại các thôn, tổ dân phố thuộc các xã Đạ Pal, An Nhơn, Mỹ Đức, Quốc Oai và thị trấn Đạ Tẻh.
Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS luôn được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện. Các cơ quan chuyên môn đã tham mưu lãnh, chỉ đạo và ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản để thực hiện đảm bảo mục tiêu của chương trình. Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào DTTS số luôn được quan tâm, ưu tiên đầu tư; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn; kịp thời phân bổ các nguồn vốn của chương trình đúng nội dung, đối tượng… Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận trong việc thực hiện, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Hàng năm, trên cơ sở nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện Đạ Tẻh xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia; phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện từng chương trình với các tiêu chí cụ thể; chỉ đạo ưu tiên nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường giao thông, đường nội đồng, kênh mương thủy lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập của Nhân dân.
Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống bà con thôn Tố Lan thay đổi hẳn về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, nhiều gia đình khá giả, thôn hình thành được làng nghề, có cả xưởng sản xuất. Ai ai cũng chung niềm vui vì nông thôn mới khởi sắc từng ngày. Đến thôn Tố Lan hôm nay, sự thay đổi rõ rệt về kinh tế - xã hội là điều rất dễ nhận thấy; người người, nhà nhà tích cực lao động, sản xuất; xưởng tre tầm vông hoạt động nhộn nhịp trong ngày mùa khai thác. Gia súc, gia cầm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho bà con, bản sắc, truyền thống văn hóa được phát huy; hủ tục, đói nghèo rời xa buôn làng.
Năm 2023, huyện Đạ Tẻh đã hoàn thành hỗ trợ 7 căn nhà cho hộ gia đình đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo tại các xã Quốc Oai, xã Đạ Pal, thị trấn Đạ Tẻh với tổng số tiền 322 triệu đồng; thi công công trình nước sạch tập trung tại xã An Nhơn tại Thôn 5 và thôn Tố Lan; hỗ trợ vật dụng chứa nước. Hoàn thiện Dự án Định canh định cư buôn Con Ó, xã Mỹ Đức, hiện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện đã hoàn thành nghiệm thu khối lượng công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện các tiểu dự án phát triển giáo dục - đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc đồng bào DTTS, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai có 318 hộ, đa phần bà con là người đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Những năm gần đây, cuộc sống dân cư có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, song khó khăn lớn nhất vẫn là trình độ chưa đồng đều và tập tục canh tác của nông hộ trong thôn vẫn còn hạn chế. Từ đầu năm 2022, Đảng ủy, UBND xã Quốc Oai xác định xây dựng Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích 1,8 ha với sự tham gia của 12 hộ dân. Đây là Mô hình Dân vận chính quyền nên Đảng ủy, UBND xã đã huy động sự tham gia của cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể của xã. Đến nay, nhiều hộ dân trong thôn Đạ Nhar đã có thu nhập nhờ nghề “ăn cơm đứng” từ trồng dâu, nuôi tằm.
Thời gian tới, huyện Đạ Tẻh tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS; chuyển đổi nghề, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân vùng DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dân tộc. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS trong ý thức tự lực vươn lên, tích cực lao động, sản xuất. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nguồn lực về khoa học - công nghệ, vốn tín dụng ưu đãi; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin