Đánh giá thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch canh nông

03:12, 25/12/2020

(LĐ online) - Sáng 25/12, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và đề xuất phương hướng phát triển trong thời gian tới.

(LĐ online) - Sáng 25/12, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và đề xuất phương hướng phát triển trong thời gian tới. 
 
Dự hội nghị có Tiến sỹ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp, công ty lữ hành.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại hội nghị
 
Công nhận 33 điểm du lịch canh nông
 
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thực hiện xây dựng mô hình canh nông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, thành phố Đà Lạt: 23 mô hình, huyện Đức Trọng: 3 mô hình, huyện Lâm Hà: 2 mô hình, huyện Lạc Dương: 2 mô hình, huyện Đơn Dương: 1 mô hình, huyện Bảo Lâm: 1 mô hình, huyện Đạ Huoai: 1 mô hình. 
 
Quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” có thời hạn trong vòng 3 năm kể từ ngày ký. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi định hướng trong kinh doanh nên hiện nay có 4 đơn vị ngưng hoạt động, gồm hộ ông Trần Đức Quang (thuộc Hợp tác xã Xuân Hương); Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm Nông nghiệp Đà Lạt (Tập đoàn Lộc Trời); Công ty TNHH DL Nature’s; Atisô sạch Nguyễn Văn Tịnh (thành viên Tổ hợp tác Atisô Đạt Thành). 
 
Các mô hình du lịch canh nông đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các công trình, tiểu cảnh phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông khoảng 377 tỷ đồng. Diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông hơn 302 ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp 212 ha, diện tích đất xây dựng khoảng 9 ha và diện tích đất khác là 81 ha; tổng diện tích khu nhà kính, trưng bày, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, bãi đậu xe… chiếm khoảng 20,8 ha.
 
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị được công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” đã nêu nhiều ý kiến đóng góp và kiến nghị đề xuất cho đề án. Nhìn chung các ý kiến xoay quanh việc đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; hỗ trợ và định hướng về đào tạo nguồn nhân lực cho loại hình du lịch mới này.
 
Trần Huy Đường (Công ty Langbiang Farm) phát biểu ý kiến
Trần Huy Đường (Công ty Langbiang Farm) phát biểu ý kiến
 
Cần quy hoạch và phát triển chuyên nghiệp
 
Theo ông Trọng Nghĩa - Giám đốc Vietravel tại Đà Lạt thì hiện nay, du lich canh nông ở Đà Lạt vẫn chưa rõ ràng, quy mô còn nhỏ lẻ. 
 
Theo ông, Bộ tiêu chí về mô hình du lịch canh nông cơ bản ổn, nhưng tiêu chí về trải nghiệm của khách hàng tham gia vào quá trình canh tác, thu hoạch, sản xuất thì phải kèm theo cả các tiêu chí về an toàn sản phẩm. Ông cho rằng, với du lịch canh nông, không nhất thiết phải đưa tiêu chí về phần lưu trú và ẩm thực vào. Bởi khi làm nhà nông rồi mà làm thêm cả về lưu trú, ẩm thực thì lại cần phải gắn kèm những tiêu chí khác như vệ sinh an toàn thực phẩm rất khăt khe. Ông cũng đề xuất, cần lưu ý và đặc biệt quan tâm đến tiêu chí về môi trường đối với loại hình du lịch này và phải được xem là tiêu chí quan trọng nhất đối với du lịch canh nông.
 
Bên cạnh đó, để thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển chuyên nghiệp, đúng hướng và đạt kết quả tốt, phải quan tâm đến marketting. Phải có chiến lược marketting để giới thiệu đến khách hàng hiểu về quy chuẩn rõ ràng du lịch canh nông, có như vậy thì mới lan toả được khái niệm về du lịch canh nông đến được đông đảo mọi người, từ đó tạo ra thương hiệu để khách mỗi khi đến Đà Lạt là mong muốn được trải nghiệm loại hình du lịch này. 
 
Còn ông Trần Huy Đường (Công ty Langbiang Farm) cho rằng, du lịch canh nông ở Đà Lạt thời gian qua phát triển còn khá lộn xộn, trùng lặp. Một số nơi sao chép các mô hình ở nước ngoài vào Đà Lạt một cách thô thiển. Theo ông, xu hướng của du lịch canh nông là xuất khẩu tại chỗ và quá trình đơn vị ông đang thực hiện thời gian qua cho thấy đây là hướng đi tuyệt vời, hợp lý ở địa phương. Tuy nhiên, chính vì vậy nên cần phải làm sao trong thời gian tới loại hình du lịch này phải được tổ chức, quy hoạch và phát triển chuyên nghiệp. Đó mới là mục tiêu đề án cần hướng tới. Người làm du lịch cũng như nhà quản lý cần phải trả lời được câu hỏi “đất lành” ở Đà Lạt là gì và phát triển theo hướng “kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ấy thì mô hình du lịch này mới bền vững và đi vào chiều sâu. 
 
Cũng theo ông Đường, du lịch canh nông phải thật sự là loại hình du lịch an toàn, mang lại niềm vui cho du khách chứ không phải là để khách đến cơ sở của mình mà lại phải mang về làm quà những sản phẩm ở đâu đâu và không an toàn, không đảm bảo chất lượng, không nâng được tầm giá trị nông sản Đà Lạt. 
 
Ông cho rằng, với mô hình du lịch này, ngoài du lịch là sản phẩm chính thì sản phẩm nông nghiệp địa phương cũng phải là sản phẩm chính, quan trọng và đi song hành. Du lịch canh nông phải hỗ trợ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, để đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao chất lượng, ông kiến nghị nhà nước quan tâm hỗ trợ về chính sách để có thể hình thành các hợp tác xã nhỏ kết hợp hình thành chuỗi sản phẩm đa dạng, đảm bảo chất lượng phục vụ khách. 
 
Giám đốc Viettreval Đà Lạt phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Vietravel Đà Lạt phát biểu tại hội nghị
 
Tuyệt đối không được sử dụng đất nông nghiệp làm lưu trú
 
Trên cơ sở trả lời các kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp, đại diện các công ty lữ hành và các địa phương, sở ngành; trong đó, có rất nhiều ý kiến đề xuất về việc cho phép chuyển đổi một số diện tích đất để thực hiện các hạng mục xây dựng là nhà ở, kho bãi…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã kết luận hội nghị và nhấn mạnh: Việc phát triển du lịch canh nông là hướng đi đúng và cần thiết. Bởi, nếu không có du lịch canh nông thì nông nghiệp chỉ là nông nghiệp, nhưng khi có du lịch thì giá trị của sản phẩm nông nghiệp sẽ được tăng lên rất nhiều lần. Đà Lạt hiện đã có một số mô hình du lịch đạt đẳng cấp quốc tế. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số điểm quy mô nhỏ, trùng lặp, tạm bợ gây ảnh hưởng đến chất lượng của du lịch canh nông. 
 
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến thăm dò để hoàn thiện các tiêu chí về du lịch canh nông. Việc xây dựng mô hình du lịch canh nông không chỉ ở Đà Lạt mà hướng đến tất cả các huyện, thành trên toàn tỉnh và xây dựng ở nhiều lĩnh vực là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản, đặc biệt quan tâm và khuyến khích các mô hình mới. 
 
Trả lời kiến nghị về vấn đề hạ tầng trong đầu tư du lịch canh nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng nêu quan điểm của tỉnh về diện tích mô hình ở trung tâm thành phố và ở vùng ven, nông thôn; tỷ lệ đất sử dụng làm một số hạng mục hạ tầng phục vụ du lịch canh nông, nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt nhấn mạnh, diện tích hạ tầng trên đất nông nghiệp tuyệt đối không được sử dụng làm lưu trú.
 
Trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp, đại diện các mô hình, các sở, ngành địa phương, các tiêu chí đánh giá xét công nhận mô hình du lịch canh nông sẽ tiếp tục được tỉnh chỉnh sửa, lấy ý kiến rộng rãi để chính thức ban hành, dự kiến trong tháng 1/2021.
 
Kiến Huy Farm giới thiệu sản phẩm mới bên lề hội nghị
Kiến Huy Farm giới thiệu sản phẩm mới bên lề hội nghị

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
 
NGUYỄN NGHĨA