Đi tìm địa chỉ đã mất

VÕ TRẦN PHÚ 06:39, 21/12/2023

Báo Lâm Đồng cuối tuần số 672-6457 ra ngày 7/10/2023 có tựa “Khu biệt thự Lê Lai nơi hội tụ di sản kiến trúc Pháp tại Đà Lạt”, có đoạn viết về đập thủy điện Cam Ly như sau: “...Ông Jean Oneil - là một đại tá quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương dưới thời toàn quyền Doumer. Năm 1920, sau khi về hưu, ông chọn vùng đất Cam Ly nằm phía Tây Bắc TP Đà Lạt lập nên đồn điền và cho đắp một đập nước ở khu vực sân bay Cam Ly làm thủy điện...”.

Bức tường nhà máy điện Cam Ly còn sót lại bên bờ suối
Bức tường nhà máy điện Cam Ly còn sót lại bên bờ suối

THỦY ĐIỆN CAM LY

Nói đến thủy điện Cam Ly, đây là nhà máy thủy điện đầu tiên trên đất Lâm Viên. Rất tiếc, khi tôi lớn lên, nhà máy này không còn nữa, do trận lũ làm vỡ đập thủy điện ở suối Cam Ly. Năm 1904 (năm Giáp Thìn) một trận cuồng phong quét qua vùng Nam Bộ khu Sài Gòn thời bấy giờ làm chết gần 3.000 người, gây ách tắc giao thương trên vùng đất Nam Bộ. Lúc này, Nhà máy Thủy điện Cam Ly chưa ra đời. Đến năm 1952 (năm Nhâm Thìn) theo người xưa kể lại: Trời mưa như trút nước liên tục hơn 10 ngày đêm. Lượng nước đổ về hồ Xuân Hương dữ dội khiến đập xi phông (cầu Ông Đạo) bị vỡ, nước lũ tràn ngập cuốn theo đất đá, quét qua ấp Ánh Sáng, khu Lò Mổ, xóm Lò Gạch (đường Hoàng Diệu ngày nay). Một làng người thượng đầu thác Cam Ly cũng bị cuốn trôi theo dòng nước, gây ra nhiều thiệt hại cho cư dân sống hai bên dọc suối. Dòng lũ đổ xuống thác, tràn qua vịnh Oncil (ngày nay là nhà máy nước thải) làm vỡ đập thủy điện Cam Ly. Chôn vùi nhà máy thủy điện trong nước lũ.

Tôi về Phường 7, gặp lại những người lớn tuổi mà thời thơ ấu của các ông đã gắn bó với dòng suối này. Ông Phan Nắng, 79 tuổi, nhà ở tổ dân phố Cao Thắng nhớ lại: “Tôi ở Quảng Ngãi vào đây khi lên 12 tuổi. Thường ngày tôi thả bò trên vùng đất này nên tôi biết con đập vỡ và nhà máy khi chưa bị người ta tháo dỡ. Có lúc chăn bò mỏi mệt, tôi ngã mình trên hai đường ống bằng gang, dẫn nước xuống nhà máy, ngủ trưa”. Còn ông Võ Văn Kiểng, nhà ở tổ dân phố Bạch Đằng, 76 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tuổi thơ của ông gắn liền với dòng suối Cam Ly. Những ngày nghỉ thường vào đây bắt cá, mò cua đá, xúc hến. Ông nhớ lại: “Những năm tháng tuổi thơ, tôi thường vào đây tắm, ngày ấy dòng nước ở suối Cam Ly trong xanh, có chỗ nhìn rõ từng đàn cá lội, nay nước bị ô nhiễm. Cũng thời gian này, tôi thường theo các ông anh vào mặt đập để lấy sắt về làm xà đơn, xà kép. Cây nào to hơn làm xà beng nhổ đinh, đào đất, bạt taluy”.

Hai ông cùng tôi lặn lội qua những khúc quanh dưới lòng suối, trèo qua những con dốc, vượt qua những nhà lồng trồng rau, hoa. Chúng tôi lội xuôi theo dòng suối mới tìm được từng mảng tường bê tông còn sót lại của nhà máy thủy điện dọc hai bên bờ suối. Tại đây, tôi đã gặp anh Lê Tuấn Dư có vườn rau cạnh nhà máy, anh cho biết: “Mùa này mưa nhiều nước lên cao nên không thấy chữ số, về mùa khô nước cạn, con số hiện ra 1925”. Con số này minh chứng cho sự ra đời của nhà máy. Thông thường, khi tôi đi làm phim tài liệu về thủy điện, trên mỗi nhà máy đều có ghi những con số đánh dấu năm hoàn thành đưa vào khai thác - nhà máy Ankroet (Suối Vàng) 1945, Đa Nhim 1961, Đạ Mi 2001.

Tại Công ty Điện lực Lâm Đồng, tôi gặp ông Nguyễn Văn Dũng - nguyên là Phó Giám đốc công ty. Khi tôi hỏi ông về Nhà máy Thủy điện Cam Ly, ông nói: “Thật tình mà nói tôi không rõ về nhà máy này, đây là một nhà máy thủy điện nhỏ của tư nhân, chỉ phục vụ cho gia đình và trang trại. Theo quy định của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, nhà máy nào đưa vào hoạt động khai thác kinh doanh thì mới có tên trên bản đồ lưới điện quốc gia”.

NHỮNG ĐỊA CHỈ LỊCH SỬ TRÊN DÒNG SUỐI

Đầu tiên phải nói đến cuộc trả thù đẫm máu ở vùng Cam Ly... Tên mật thám Haasz là một sĩ quan an ninh Pháp, y nổi tiếng là tàn ác, dã man với những đòn tra tấn man rợ như thời trung cổ. Đội cảm tử Phan Như Thạch lên kế hoạch hành động là phải diệt cho được tên này. Sau mấy ngày điều nghiên, nắm rõ thời gian đi về của tên này. Chiều ngày 11/5/1951, một số anh em được giao nhiệm vụ đã đột nhập vào nhà tên Haasz (biệt thự Hoa Hồng, số 17 Huỳnh Thúc Kháng - thị xã Đà Lạt). Mai phục chờ y đi làm về, tiêu diệt tên này bằng ba phát súng tiểu liên, anh em rút về căn cứ an toàn. Để trả thù và trấn an tinh thần binh lính, vào lúc 19 giờ ngày hôm ấy, địch lùa 20 tù nhân chính trị ở Nhà lao Đà Lạt lên xe GMC chạy về hướng Cam Ly để xử bắn. 19 người đã ngã xuống, duy nhất chỉ còn lại bà Nguyễn Thị Lan bị thương còn sống sót - nhà ở số 142, đường Hai Bà Trưng Phường 6, TP Đà Lạt.

Lúc sinh thời, tôi thường đến thăm ông Đinh Sỹ Uẩn (Ba Thiệp) nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên tỉnh đội Tuyên Đức (trong kháng chiến chống Mỹ). Ông kể cho tôi nghe về đập nước Cam Ly: “Về mùa mưa, nước lũ dâng cao, không thể lội qua suối. Từ chiến khu Suối Tía muốn đi công tác đột nhập về vùng cây số 4, số 6 (khu Ngô Quyền, Bạch Đằng, Đa Thành, Phước Thành…), muốn băng qua suối thì phải đi trên mặt đập, mới đến nhà chị Năm Mên (mẹ tôi) tức là bà Trần Thị Thêm - Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hôm nào trời mưa dầm không trở về cứ được thì ở trong hầm bí mật sau chuồng bò nhà chị Năm Mên. Ban ngày thì ngủ dưới hầm, ban đêm thì đi vũ trang tuyên truyền, rải truyền đơn, tổ chức phát triển thêm cơ sở…).

Cách mặt đập khoảng chừng 500 m, đi xuôi theo dòng kênh về hướng hạ nguồn là nhà máy thủy điện. Mẹ tôi kể lại: “Nơi đây, đặt một hộp thư bí mật (Gọi là hộp thư chết) ngoài nhà máy, hộp thư chỉ có người đưa và nhận mới biết chỗ. Vì sao phải đặt hòm thư chết? Sau khi ta giết tên Nọ làm mật thám cho Tây ở đồn Đa Thành, tại ngã ba đường Cao Thắng - đường Bạch Đằng. Địch cho lính bảo an, cảnh sát đi bố ráp, lùng sục, bắt giam những gia đình cơ sở cách mạng. Cán bộ đội vũ trang tuyên truyền không đột nhập vào bên trong để móc nối cơ sở nên phải đặt hộp thư chết. Cứ mỗi lần mẹ tôi đi thư, thường mang theo rựa chặt củi, liềm đi cắt cỏ, bứt đót. Khi tới gần nhà máy thủy điện, trước tiên là phải quan sát động tĩnh xung quanh, dọc đường đi có ai theo dõi mình không. Sau đó vào đặt thư, đồng thời, lấy thư ra chỗ bụi rậm giã vờ đi tiểu. Thực chất là cho thư vào quần lót, xong đâu đấy mới gánh củi về. Đôi lúc gặp địch tra hỏi, lục xét từng bó củi, từng bông đót, mẹ vẫn tĩnh bơ đối đáp với địch trôi chảy.

Chúng tôi tìm đường lên đỉnh cao chỗ dòng kênh dẫn nước xuống nhà máy. Trước mắt hiện ra một quang cảnh bao la, dưới thung lũng, nhà máy nước thải nằm trọn trong lòng hồ. Xung quanh giờ không còn những đồi thông reo vi vu, thay vào đó là những vườn rau, nhà kính dày ken. Tôi thoáng nghĩ, giá như không có cơn bão năm Giáp Thìn (1952) thì vùng này là một phong cảnh non nước nên thơ, hữu tình.