Vào ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Thông đạt 1-C/VP, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của tài liệu lưu trữ và cấm tiêu hủy tài liệu khi chưa được phép của cơ quan chức năng.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Ảnh: Internet |
Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, cơ quan lưu trữ đã được thành lập để phục vụ nhu cầu của đất nước. Trải qua 77 năm, ngành Lưu trữ đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo quản, lưu trữ tài liệu, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mộc bản Triều Nguyễn được quản lý bởi Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, cơ quan chủ quản Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã được UNESCO đưa vào chương trình Ký ức thế giới, đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước thành công của công tác lưu trữ. Những tài liệu này là những tài liệu đặc biệt có giá trị để nghiên cứu văn hóa Việt Nam thời kỳ phong kiến.
Ngược dòng lịch sử, trải qua các triều đại phong kiến, việc lưu trữ các tài liệu và thư tịch cũng đã được quan tâm rất lớn. Việc tàng bản thư tịch, tài liệu đã được các triều đại phong kiến Việt Nam quan tâm và xây dựng các cơ quan quản lý và lưu trữ. Kể từ khi Nhà Lý cho xây dựng một số cơ sở để chứa kinh sách, lập Văn Miếu (1067) và các nhà chứa kinh lớn như Tàng Thư Trần Phúc (1011), Nhà bát giác chứa kinh thành lập năm Tân Dậu (1021) Triều Lý Thái Tổ.
Trải qua các Triều đại Trần, Lê, Lê Mạt, Tây Sơn đều có xây dựng những cơ sở và thư viện để tàng bản tài liệu, sách vở. Nhà Trần cho xây dựng Quốc sử viện, Bí thư các, Điện Bảo Hòa.
Thư viện Sùng Chính thành lập năm Quang Trung IV (1791) tại làng Nam Hoa (nay là Nam Kim, Thanh Chương, Nghệ An), do Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Đây vừa là nơi để sách, tài liệu vừa là nơi dịch chú các sách kinh điển chữ Hán.
Đến Triều Nguyễn, việc tàng bản thư tịch đã có một bề dày lịch sử, cho dù trải qua chiến tranh liên miên, nội chiến kéo dài dẫn đến một số lượng không nhỏ sách vở, tài liệu bị hủy hoại hoặc bị mất mát, hư hỏng rất lớn.
Bước sang thế kỷ XIX và XX, nước Việt Nam phải trải qua nhiều biến động lớn, chịu tác động và cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều xu hướng, tư tưởng. Triều đại nhà Nguyễn được kế thừa một di sản văn hoá đã có quá trình phát triển gần 10 thế kỷ. Ngay từ khi xây dựng triều chính, nhà Nguyễn đã hết sức quan tâm đến việc thu thập sách vở, tài liệu từ các nguồn khác nhau để xây dựng một kho sách cổ của dân tộc. Năm 1911, vua Gia Long đã xuống chiếu cho các trấn từ Quảng Bình trở vào: “Đặt chiếu cho các sĩ dân từ năm Quý Tỵ trở về sau, năm Nhâm Tuất trở về trước, phàm những việc quan hệ đến việc nước, ai hay biên chép thành quyển đưa nộp cho quan sở tại, các cụ già ai hay nhớ việc cũ thì được quan sở tại mời đến hỏi, ghi chép chuyên tâm, lời nói nào ghi được vào sử sẽ có thưởng, thảng có can phạm huý cũng không bắt tội”.
Truyền thống lưu trữ thư tịch Hán Nôm của Triều Nguyễn được mở đầu bằng việc xây dựng các thư viện tại kinh thành Huế, bắt đầu là việc thành lập Quốc sử quán. Thế kỷ XIX, các vua Triều Nguyễn rất chú ý xây dựng thư viện như: Tàng thư lâu ở phía Tây hồ Tĩnh Tâm), Tân thư viện, Tử Khuê thư viện, Thư viện Đông Các, Tân thư viện, Thư viện Bảo Đại để bảo quản tài liệu và thư tịch.
Qua các bản thư mục và mục lục của những thư viện này, hiện nay còn giữ ở Thư viện Khoa học xã hội, Viện Thông tin khoa học xã hội, chứng minh rằng kho sách của các thư viện còn tương đối nhiều và đang tiến hành các khâu kỹ thuật như phân loại ấn phẩm, sắp xếp sách, xây dựng mục lục... Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi Thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam, chữ quốc ngữ đã được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, đồng thời dùng để in sách, thư viện bắt đầu bổ sung một số sách chữ quốc ngữ và sách phương Tây bằng nguyên bản hoặc bản dịch. Năm 1874, vua Tự Đức đã cho thư viện tàng trữ 16 bộ sách phương Tây như: Vạn quốc công pháp, Bác vật tân biên, Hàn hải kim châm, Khai mỏ yếu thuật... Từ đây, các vua Triều Nguyễn mới chú ý đến sách khoa học kỹ thuật, nhưng sách khoa học kỹ thuật nhập vào thư viện vẫn còn bị hạn chế.
Một trong những nơi lưu trữ tài liệu sách vở đồ sộ nhất của Triều Nguyễn là Quốc sử quán, với chức năng cơ quan biên soạn và khắc in những bộ sách chính văn chính sử quý giá của Triều Nguyễn, thì cơ quan này còn góp phần không nhỏ trong việc tập trung thư tịch Hán Nôm về Huế.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và nhiều năm sau đó, nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đã đốt, hủy hoại nghiêm trọng tài liệu lưu trữ. Do đó, rất nhiều tài liệu có giá trị của quốc gia đang lâm vào tình trạng nguy cấp của sự hủy hoại trên, do vậy, chỉ sau đó 6 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký văn bản thành lập cơ quan quản lý lưu trữ đầu tiên là Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện, đặt nền móng cho ngành Lưu trữ.
Nhận thức được tầm quan trọng cũng như giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Thông đạt 1-C/VP, về việc nhấn mạnh giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ và cấm tiêu hủy tài liệu lưu trữ khi chưa được phép của cơ quan chức năng.
Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, miền Bắc bắt đầu tiến hành thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế trong khi miền Nam vẫn còn bị Mỹ - ngụy chiếm đóng. Lúc này, nhiều công văn, giấy tờ sản sinh ra trong các cơ quan Nhà nước ngày càng nhiều, nhiệm vụ đặt ra lúc này đòi hỏi công tác công văn giấy tờ và công tác lưu trữ phải đáp ứng nhanh chóng, chính xác và kịp thời.
Trong Thông tư số 259/TT-TW ngày 8/9/1959, Ban Bí thư đã chỉ rõ “tài liệu lưu trữ là một tài sản quý báu, có tác dụng rất lớn trong việc nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm, định hướng chương trình, kế hoạch công tác và đường lối, phương châm, chính sách về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như khoa học kỹ thuật. Do đó, việc lưu trữ công văn tài liệu là một công tác hết sức quan trọng...”.
Sau giải phóng năm 1975, ngoài những tài liệu được sản sinh ra trong quá trình hoạt động của các cơ quan chính quyền, chúng ta còn tiếp quản và lấy được rất nhiều những tài liệu của Pháp và Mỹ - ngụy, rất nhiều tài liệu này đã cho chúng ta biết được rất nhiều thông tin quan trọng để củng cố chính quyền và những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Qua tài liệu lưu trữ, chúng ta có thể nghiên cứu những chính sách, đường lối và tư tưởng để xây dựng đất nước.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến tài liệu lưu trữ, vì tài liệu này là bản gốc duy nhất được bảo quản tại các trung tâm lưu trữ quốc gia, các trung tâm lưu trữ các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là những thông tin bổ ích, xác thực để các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề về đất nước, con người Việt Nam.
Trong sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập với các nước trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ thì tài liệu lưu trữ lại càng quan trọng hơn, bởi tài liệu lưu trữ là những chứng cớ xác thực, có căn cứ và mang thông tin chính xác để làm cơ sở cho những hoạt động của mỗi cơ quan.
Trong khuôn khổ hoạt động của ngành, một lần nữa Đảng và Nhà nước lại quan tâm nhiều đến công tác lưu trữ, bằng chứng là đã đầu tư xây dựng rất nhiều nhà kho bảo quản tài liệu, ngoài ra, Nhà nước cho thành lập Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Lâm Đồng để bảo quản tài liệu mộc bản quý hiếm của Việt Nam và nhiều tài liệu quan trọng khác. Đây chính là sự đầu tư cần thiết để lưu trữ Việt Nam hội nhập với quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin