Năm nay vừa đúng 540 năm ngày bắt đầu khởi công dựng văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ngày 9/3/2010, tại Macau, Trung Quốc, bia tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam - sau Mộc bản Triều Nguyễn - được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới. Đây là một công trình kì vĩ, một pho sử khổng lồ trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Xung quanh việc dựng bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu vẫn ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh tư liệu |
1. Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám bắt đầu được khởi công ngày 15/8 năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 Triều Lê Thánh Tông (1482), và kết thúc vào năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 Triều Lê Hiển Tông (1780). Các bia khắc danh sách các tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 Triều Lê Thái Tông (1442) đến khoa thi năm Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 đời Lê Hiển Tông (1779). Như vậy, kể từ khoa thi năm 1442 đến khi lần đầu tiên triều đình bắt đầu khởi công dựng bia là 42 năm. Từ khoa Nhâm Tuất 1442 đến khoa thi năm 1884 thực tế có 12 khoa thi, nhưng chỉ có 10 bia. Hai khoa không dựng bia là khoa thi năm Thái Hòa thứ 11 (1453) và khoa Diên Ninh thứ 5 (1458). Đây là một bí ẩn của lịch sử mà nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
2. Bài văn bia nổi tiếng nhất chính là bài ký bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 Triều Lê Thái Tông (1442) do Thân Nhân Trung soạn. Đây là tấm bia đầu tiên nhưng nó nổi tiếng vì câu tuyên ngôn bất hủ đã được khắc trong tấm bia này “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí” (Hiền tài là nguyên khí của quốc gia). Tác giả của văn bia này là Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 Triều Lê Thánh Tông (1469), từng được vua Lê Thánh Tông phong là Phó Tao Đàn nguyên súy trong Tao Đàn Nhị thập bát tú do đích thân nhà vua làm chủ súy. Hiện tại, chiếc bia này nằm ở chính giữa khu bia phía Đông Văn Miếu. Nguyên văn toàn bộ đoạn văn bia này được Ngô Đức Thọ dịch ra tiếng Việt là “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”.
3. Trên tất cả các bia hiện nay ở Văn Miếu, những dòng mỹ hiệu, mỹ tự ca ngợi các chúa Trịnh đều bị đục bỏ, xóa chữ. Đây là vấn đề mà các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục quan tâm. Căn cứ vào một số tư liệu lịch sử, một số nhà khoa học (Ngô Đức Thịnh) cho rằng các đoạn đục bỏ này được thực hiện dưới đời vua Minh Mạng của Nhà Nguyễn, cũng có ý kiến cho rằng các triều đại sau theo tư tưởng chính thống nên không thể chấp nhận chúa đứng ngang hàng với vua nên đã ra lệnh xóa. Đặc biệt, một điểm kỳ lạ là có hai người bị xóa tên trên bia tiến sĩ là Ngô Thì Nhậm, tiến sĩ khoa Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) và Lê Quý Đôn, tiến sĩ khoa Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752). Ngô Thì Nhậm bị xóa tên, đã có nhiều nghiên cứu cho là do ông làm quan với nhà Tây Sơn. Riêng trường hợp Lê Quý Đôn bị đục tên khỏi bia đến nay vẫn là đề tài tiếp tục được nghiên cứu.
4. Hầu hết các tấm bia hiện còn đều có hình trang trí hoa cúc, long, ly, quy, phượng. Riêng bia khoa năm Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái thứ nhất Triều Lê Chân Tông (1643) lại có hình những người nông dân bên cạnh con trâu. Đây là một điều thú vị mà nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rất cao vì cho rằng nó thể hiện tư tưởng khuyến nông, trọng nông của triều đại. Khi xem lại tấm bia này, mặc dù thi từ năm 1443 nhưng 10 năm sau vào năm 1653 mới được dựng. Người nhuận sắc bia này là Dương Trí Trạch, Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ 20 đời Lê Kính Tông (1619) - người được đương thời ca tụng là bậc danh sĩ. Năm dựng bia này cũng là năm đầu niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất đời vua Lê Thần Tông - thời kỳ được đương thời ca tụng là thái bình thịnh trị.
5. Tiến sĩ là học vị đặc biệt cao quý, có khoa thi hàng mấy nghìn người tham dự nhưng triều đình chỉ lấy đỗ năm ba người. Nhưng điều đặc biệt có 3 người đã 2 lần xuất hiện tên trên văn bia, đó là Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Nguyên Chẩn và Nguyễn Nhân Bị. Ở bia khoa thi năm 1442, Trịnh Thiết Trường đỗ thứ 15 trong tổng số 24 người đỗ ở hàng Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Nguyên Chẩn - học trò ông - đứng thứ 24 (đứng cuối bản đỗ khoa này). Khoa thi năm Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 đời Lê Nhân Tông (1448), hai thầy trò ông rủ nhau thi lại để đoạt cho được hạng cao hơn. Kết quả là trong tấm bia này, Trịnh Thiết Trường đứng hàng thứ 2 hạng Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, tức đỗ bảng nhãn. Nguyễn Nguyên Chẩn vẫn đứng ở hạng Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân nhưng đã vượt lên hàng thứ 3 trong tổng số 12 người ở hạng này. Người thứ ba là Nguyễn Nhân Bị, trên bia tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 Triều Lê Thánh Tông (1466), tên Nguyễn Nhân Bị ở hàng thứ 4, hạng Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Đến bia khoa thi Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức 12 Triều Lê Thái Tông (1481), tên ông lại xuất hiện ở văn bia này, nhưng vẫn ở hạng Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân nhưng tụt xuống hàng thứ 7 trong tổng số 29 người ở bảng này.
Không những mang giá trị văn hóa, lịch sử trường tồn với những câu tuyên ngôn có giá trị bền vững, Văn bai Văn Miếu Quốc Tử Giám còn ẩn chứa nhiều câu chuyện đầy thú vị. Đọc lại Văn bai giúp ta thêm hiểu, thêm trân trọng giá trị văn hóa vĩnh hằng của dân tộc mà cha ông để lại.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hoàn, Uông Sỹ Lãng,
Phan Trọng Phiên, Vũ Miên, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (bản dịch của Tạ Thúc Khải),
Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1963.
2. Ngô Đức Thọ (chủ biên) (2006),
Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Văn học.
3. Ngô Đức Thọ (chủ biên) (2002),
Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ,
Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học
Văn Miếu - Quốc Tử Giám ấn hành.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin