Lịch sử Việt Nam, trong đó có cư dân Thăng Long - Hà Nội, gắn liền với những cuộc di dân, khẩn hoang, mở mang bờ cõi. Với cách đặt vấn đề đó, trong loạt bài hồ sơ - tư liệu ngắn này, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi xin dẫn những tư liệu về hai cuộc di dân trong thế kỷ XX của người Hà Nội lên cao nguyên Lâm Viên. Đó là cuộc di dân đầu tiên lập nên ấp Hà Đông từ các năm 1938-1942 và cuộc di dân lần thứ hai sau ngày nước nhà thống nhất, đã hình thành huyện mới Lâm Hà.
Kỳ I: Quá trình di dân lập ấp Hà Đông tại Đà Lạt
Nơi cao nguyên Lâm Viên xa xôi, từ đầu thế kỷ XX đã có một phần “máu thịt của Thủ đô”- những cư dân từ các làng bên hồ Tây như Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Vạn Phúc, Xuân Tảo, Ngọc Hà đã giã biệt cố hương “hành phương Nam” lập nghiệp. Những lưu dân xa xứ đến từ Hà Đông xưa (Hà Nội ngày nay) đã lập nên một vùng cư dân mới từ những ngày Đà Lạt còn là một đô thị non trẻ - đó là ấp Hà Đông - một trong những ấp người Việt đầu tiên của thành phố dưới chân Trường Sơn nam.
Thu hoạch hoa tại làng hoa Hà Đông, Phường 8, TP Đà Lạt |
Chúng tôi đã từng tiếp xúc và hỏi chuyện các bậc lão niên có mặt từ buổi đầu dựng nghiệp của ấp Hà Đông, trong đó có cụ Ngô Văn Bính, quê xưa ở làng Quảng Bá. Cụ Bính thời kỳ đó làm culy sắp chữ ở tòa báo La Voulte đóng trụ sở ở Hà Nội. Theo lời kể của cụ, một ngày, trên chính tờ báo La Voulte có đăng dòng tin tuyển mộ người di dân vào lập cư ở cao nguyên Đà Lạt nhằm khai thác đất đai trồng rau, hoa phục vụ cho đô thị nghỉ dưỡng này. Năm đó, cụ Bính 18 tuổi và cụ cùng hòa vào dòng lưu dân là những người đồng hương ở các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Vạn Phúc, Ngọc Hà, Xuân Tảo bên bờ hồ Tây vào cao nguyên Lâm Viên và là một trong những thành viên đầu tiên của ấp Hà Đông.
Cùng với hồi ức của cụ Ngô Văn Bính, chúng tôi đã lần tìm lại những trang tư liệu cũ về vùng cư dân mới độc đáo này. Vào hồi đầu thế kỷ trước, Đà Lạt đã bắt đầu phát triển theo hướng một đô thị nghỉ dưỡng hiện đại trên cao nguyên Trung phần. Niên giám lịch sử hình thành và phát triển Đà Lạt trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 có thể lược lại như sau:
- Giai đoạn 1 (1893-1899): Đà Lạt trong thời kỳ khám phá của người Pháp; từ khi Alexandre Yersin thám hiểm đến khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết định thành lập nơi nghỉ mát của người Pháp trên cao nguyên Lâm Viên.
- Giai đoạn 2 (1900-1914): Đà Lạt trong thời kỳ khai sinh; từ khi Paul Doumer quyết định lựa chọn Đà Lạt thay vùng Đăng Kia-Ăngkroet và tới những năm Đà Lạt bị lãng quên khi Paul Doumer rời Đông Dương.
- Giai đoạn 3 (1915-1922): Đà Lạt chính thức trở thành một đô thị trong thế chiến thứ nhất.
- Giai đoạn 4 (1922-1939): Đà Lạt trong thời kỳ phát triển thành một thành phố. Lúc này việc quy hoạch đô thị Đà Lạt theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ernest Hebrad.
- Giai đoạn 5 (1940-1945): Đà Lạt trong thời kỳ thịnh vượng thời Pháp thuộc, trở thành thủ phủ mùa hè của Đông Dương.
Như vậy, sự hình thành ấp Hà Đông được khởi lập trong giai đoạn người Pháp quyết định phát triển Đà Lạt thành một đô thị nghỉ dưỡng lớn nhất Đông Dương. Năm 1936, triều đình Huế đã lập ra tại đây một cơ quan hành chính đại diện cho người Việt cùng tồn tại bên cạnh Tòa Đốc lý của Thực dân Pháp. Vị Quản đạo đầu tiên của Đà Lạt là quan tứ phẩm Trần Văn Lý. Ngay từ ngày nhậm chức, ông Lý đã nhận thấy vùng đất màu mỡ này còn hoang sơ chưa được khai phá, khí hậu lại mát mẻ rất thích hợp cho việc sản xuất các loại rau, hoa và cây ăn quả. Trong khi đó, nhu cầu về thực phẩm tươi sống cung cấp cho người Pháp, quan lại Nam Triều và người dân địa phương và xuất ra ngoại tỉnh thì ngày càng tăng. Chính vì vậy, quan Quản đạo đã đưa ra sáng kiến về việc lập ấp trồng rau và hoa tươi cung cấp cho nhu cầu tại chỗ. Được sự đồng ý của người Pháp, ông Trần Văn Lý đã đề nghị ông Hoàng Trọng Phu lúc đó là Tổng đốc Hà Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ về việc di dân ngoài đó vào lập ấp tại Đà Lạt. Nhận lời đề nghị trên, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã lệnh cho ông Lê Văn Định lúc đó đang giữ chức Thương tá canh nông tỉnh Hà Đông xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện việc di dời dân Hà Đông vào khai hoang lập ấp tại Đà Lạt.
* * *
Nhận lệnh của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Thương tá canh nông Lê Văn Định đã thực hiện các bước chuẩn bị. Ông đã lập một chương trình cổ động trên báo chí đương thời về tiềm năng của vùng đất cao nguyên Đà Lạt và chủ trương di dân Hà Đông vào thành phố này (như tờ La Vuolte đã nhắc ở trên). Ông Định cũng đứng ra vay 500 đồng từ quỹ của Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ để thực hiện các công việc phục vụ cho đợt di dân. Số tiền vay được, ông trích ra 300 đồng gửi vào Đà Lạt cho quan Quản đạo Trần Văn Lý chuẩn bị cơ sở vật chất ban đầu nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho dân di cư, phần còn lại để mua vé tàu hỏa và cấp cho những người được tuyển chọn vào có chút vốn ban đầu chi tiêu và mua sắm công cụ sản xuất. Việc chuẩn bị phát quang, dựng nhà, đuổi thú dữ tại thung lũng phía Bắc Đà Lạt lập khu dân cư này được ông Trần Văn Lý giao cho ông Huyện Thượng Hàn Đăng - người Churu ở Đơn Dương tổ chức thực hiện.
Nhờ công tác cổ động tích cực, công việc tuyển chọn đạt kết quả tốt. Đầu năm 1938, hàng chục người từ các làng, xã trong tỉnh Hà Đông thời đó đã được tập trung về trụ sở của Hội tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Hầu hết trong số họ là nam giới khỏe mạnh do chức sắc các làng ven hồ Tây đề cử. Ông Lê Văn Định tuyển lựa được hơn 30 người và giao cho ông Vũ Đình Mấm, Tham tá canh nông tỉnh Hà Đông hướng dẫn thêm về cách trồng rau, hoa. Sau đó, họ được đưa đi tham quan và học tập phương pháp trồng rau, hoa của người Pháp tại làng Ngọc Hà, trong đó có vườn của ông Victor Vouillon và trại nuôi gà của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Họ cũng được bác sĩ Cao Xuân Cẩm khám và tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm và cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Ngày 31/5/1938, nhóm đầu tiên gồm 35 người là những cư dân vùng ven hồ Tây đã đặt chân lên đất Đà Lạt sau khi vượt một cuộc hành trình hàng ngàn cây số trên chuyến tàu hỏa được miễn cước hành lý và giảm giá vé. Sự có mặt của họ đã đánh dấu cho cái mốc đầu tiên dẫn đến sự hình thành một vùng cư dân mới của thành phố cao nguyên, là một minh chứng sinh động về ý chí của người Hà Nội xưa đi dựng xây quê hương mới.
Trong lần “hành phương Nam” đầu tiên, có 35 cư dân, gồm: 6 người của làng Quảng Bá, 6 người của làng Tây Tựu, 6 người của làng Ngọc Hà, 5 người của làng Xuân Tảo, 6 người của làng Vạn Phúc và 6 người của làng Nghi Tàm. Đó là các cụ ông Ngô Văn Hiện, Ngô Văn Hựu, Ngô Văn Tường, Trần Văn Y, Nguyễn Duy Thuấn, Lý Nhu, Nguyễn Xuân Hợp, Nguyễn Hữu Bái, Nguyễn Hữu Hắc, Đỗ Xuân Kể, Trần Văn Nga, Phương Văn Lầu… và các cụ bà như Cả Tục, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Nhớn… Sau chuyến đầu tiên một thời gian, đầu năm 1939 có thêm 19 người nữa vào và từ năm 1940 - 1942 lại có thêm 47 người nữa. Dân cư ngày càng đông hơn và cuộc sống trên vùng đất mới đã bắt đầu ổn định, những lưu dân xa xứ có nhu cầu hình thành một đơn vị hành chính riêng. Ban đầu cư dân ở đây đề nghị được lấy tên ông Hoàng Trọng Phu làm tên ấp nhưng quan Tổng đốc đã từ chối lời đề nghị này và gợi ý nên lấy tên Hà Đông đặt cho ấp để con cháu mai sau nhớ về cội nguồn, gốc gác của mình.
Những tư liệu trên đây khái lược về thời người hồ Tây “gánh tên xã, tên làng” theo cuộc di dân về phía phương Nam. Họ đã bước vào cuộc đấu tranh, chinh phục mở mang đất mới với buổi đầu khởi nghiệp trên vùng đất xa lạ vô cùng gian nan, khổ ải. Từ những cư dân quen sống giữa không gian vùng nông thôn ven thị đồng bằng Bắc Bộ, họ trở thành người mới của cao nguyên. Đất lạ quê người, bốn phía âm u rừng núi. Họ đối mặt với thiên nhiên hoang dã, với mưa rừng, gió núi, nước độc và thú dữ. Đối mặt với cuộc sống thiếu thốn trăm bề trong cái ngày đầu chưa quen phong thổ.
Thế rồi, họ đã vượt qua tất cả mọi gian lao bằng nghị lực và ý chí lập nghiệp của người Hà thành. Theo lời kể của cụ Ngô Văn Bính lúc sinh thời, năm 1938, cụ vào Đà Lạt, một mình chống chọi với muôn sự khó khăn nhưng vẫn nuôi chí thành công. Chỉ một năm sau, cụ viết thư về động viên bố mẹ và cả gia đình cùng vào. Khi đi, bố cụ Bính là cụ Ngô Văn Ất đã mang theo 2.000 củ hoa lay ơn. Từ 2.000 củ hoa ấy, gia đình đã có một vườn hoa nở rộ khi gặp đất đai và thời tiết thuận hòa và mang lại một nguồn thu nhập cao. Với 4 xu một củ giống, chỉ hai tháng sau đã có 2 hào một cây hoa, và cho thu nhập tới 400 đồng bạc Đông Dương, trong khi thời giá 2 đồng một tạ gạo. Tiếp đó, gia đình cụ lại thắng lớn về quả dâu tây với 1,5 đồng một cân mà hàng ngày thu hoạch hàng chục cân. Nạn đói năm 1945, gia đình cụ Bính đã gửi về quê nhà Quảng Bá hai tấn gạo để giúp người làng trong cơn hoạn nạn. Chính sự thành công của gia đình cụ đã củng cố thêm niềm tin cho những người dân xa xứ đến cao nguyên này và góp phần giữ chân những người còn dao động chưa yên tâm ở lại. Chính phủ Nam Triều thời đó cũng đã tặng “Bảo quốc huân chương” gia đình cụ và phong cho cụ ông Ngô Văn Ất (bố cụ Bính) hàm “cửu phẩm bá hộ”. Có thể nói, gia đình cụ Bính cùng với những nông dân của ấp Hà Đông đã góp công lớn trong việc khởi nghiệp trồng hoa trên cao nguyên Lâm Viên…
* * *
Đến nay, gần chín thập niên, cư dân làng Hà Đông vẫn giữ được phần nào phong hóa lề xưa, nếp cũ. Người dân làng hoa suốt nhiều tháng năm trăn trở cùng hoa, cùng đất, để giờ đây làng trở thành một điểm đến hấp dẫn; bên cạnh là vùng chuyên canh hoa thương phẩm còn là một điểm du lịch canh nông, với 230/450 hộ trồng hoa với diện tích canh tác trên 30 ha.
Từ năm 2017, Thành ủy Đà Lạt đã ra Nghị quyết chuyên đề “Phát triển các làng hoa trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. UBND TP Đà Lạt cũng đã ban hành Quyết định số 3436-QĐ-UBND ngày 24-4-2017 “Phê duyệt Đề án phát triển làng hoa Hà Đông, Phường 8, TP Đà Lạt”. Vận hội mới của làng hoa Hà Đông được đề cập trong mục tiêu chung của đề án này: “Áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại làng hoa Hà Đông. Phấn đấu xây dựng làng hoa Hà Đông trở thành điểm tham quan du lịch có chất lượng đặc thù phục vụ khách thông qua xây dựng các tuyến, tour du lịch đến các khu trồng trọt, các điểm, các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn...”.
TP Đà Lạt đang ở tuổi 130, theo hành trình phát triển, làng Hà Đông cũng đã có lịch sử 86 năm. Qua bao thăng trầm, biến thiên của thời gian, người hồ Tây đi lập nghiệp trên vùng đất cao nguyên vẫn giữ nguyên cốt cách hào hoa, thanh lịch và bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó. Họ mang theo giọng nói gốc của người Hà Nội xưa và “gánh” vào Tây Nguyên hoang dã thuở nào những nét văn hóa ngàn năm sông Hồng. Họ hòa mình vàvo thế núi, dáng sông, vào đời sống của cộng đồng dân cư quê mới. Họ góp sức, góp công, góp máu xương để bảo vệ và kiến thiết cho thành phố cao nguyên Đà Lạt ngày một đi lên...
(CÒN TIẾP)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin