Hai cuộc di dân của người Hà Nội đến Lâm Đồng (Kỳ II)

UÔNG THÁI BIỂU 06:11, 10/10/2024

Kỳ II: Từ vùng kinh tế mới Hà Nội đến huyện mới Lâm Hà

Tại một hội nghị Trung ương sau ngày đất nước thống nhất bàn về việc phân bố lại nguồn lao động và dân cư trên phạm vi toàn quốc, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng chỉ đạo: Tổ chức đưa hàng triệu Nhân dân từ các tỉnh đồng bằng và đô thị đất chật người đông lên miền núi phía Bắc, đến Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới để khai thác có hiệu quả nguồn lực lao động, đất đai, làm ra nhiều của cải, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Chủ nhân tương lai của vùng đất Lâm Hà
Chủ nhân tương lai của vùng đất Lâm Hà

Sự hình thành vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng cũng bắt đầu từ chủ trương của Trung ương với sự chỉ đạo và triển khai trực tiếp của TP Hà Nội, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, ngày 10/10/1975, đoàn cán bộ đầu tiên của Hà Nội lên đường vào Lâm Đồng do ông Trần Duy Dương - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Trần Xuân Bảy - Thành ủy viên, dẫn đầu. Với sự trợ giúp của tỉnh Lâm Đồng, đoàn đã khảo sát vùng đất mới, quy hoạch, hình thành những bước đi đầu tiên cho việc khai hoang mở đất, lập nên vùng kinh tế mới, quê hương mới của người Hà Nội trên vùng đất đỏ cao nguyên Lâm Viên. 

Theo dòng hồi ức của những người tiên phong đi xây quê hương mới, “Thứ nhất là chống hà bá, thứ nhì khai phá sơn lâm” - câu thành ngữ xưa quả thật vô cùng thấm thía đối với những người con Thủ đô ngày đầu đi mở đất. Theo lời kể của ông Trần Xuân Bảy, khi đoàn khảo sát đặt chân lên vùng đất nam Tây Nguyên xa xôi, nơi ấy vẫn còn hoang vu với những dòng Cam Ly, Đạ Dâng ngàn đời trôi giữa chốn thâm sơn cùng cốc, nhiều cánh rừng nguyên sinh Nam Ban - Bãi Cháy - Lán Tranh chưa một lần in dấu chân người. Núi đồi xác xơ bởi thương tích của hai cuộc chiến tàn khốc. Lau lách ngập đầu. Đi đến đâu cũng gặp vắt xanh, ruồi vàng, muỗi vằn và rắn độc. Dấu chân thú dữ và dấu giày Fulro vẫn thường hằn trên những lối đi về. Xưa cha ông ta trên bước hành phương Nam đã “mang gươm đi mở cõi”, nay người Hà Nội đi dựng xây quê mới, ngoài dụng cụ, hành trang còn phải mang theo súng đạn. Họ đã đối mặt với một cuộc chiến thực sự để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, chống lại bọn phản động và mọi khó khăn để lập nền móng cho một vùng quê mới của người Hà thành trên cao nguyên xa xôi. Vượt lên tất cả mọi gian lao, nguy hiểm là trí tuệ, tấm lòng và ý chí của những người con Thủ đô... 

Ngày mồng 6 Tết năm Bính Thìn (1976), 100 thanh niên xung kích Hà Nội lên đường. Tiếp đó, 8 tổng đội thanh niên xung kích với hơn 2.000 người từ tất cả các quận, huyện Thủ đô cũng đã đồng loạt ra quân vào vùng đất Lâm Đồng. Họ mở đường, khai hoang, lập lán trại và gieo những hạt giống đầu tiên lên mảnh đất hoang cằn. Sự cống hiến, hy sinh của họ đã được trả lại bằng hàng chục điểm dân cư mới trên một vùng đất trải dài hơn năm vạn héc-ta. Từ Nam Ban đồi núi hoang vu đến Bãi Cháy -Lán Tranh rừng rậm nguyên sinh và tràn ngập cỏ tranh đã được khai hoang và chia thành những lô, những khu dân cư mới với những cái tên thân thuộc từ Hà Nội “gánh” vào: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh...

Trường học, trạm xá, chợ búa, cơ sở hành chính, đường giao thông và nhà văn hóa của Vùng kinh tế mới đã mọc lên trên vùng đất ấy trước khi những người dân đầu tiên của Thủ đô từ giã quê hương vào đây lập nghiệp. Nhịp sống sôi động mang khí thế Thăng Long - Hà Nội đã đưa đến cho vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ một sinh khí mới. Nền văn minh sông Hồng ngàn năm theo gánh gồng của những người đi khai hoang, lập nghiệp đã hòa quyện trong dòng chảy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên...

* * *

Ngày đó, đất nước vừa trải qua chiến tranh với muôn nỗi gian nan. Những người dân Thủ đô đi dựng xây quê mới cũng trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn. Đất lạ xứ xa, nỗi nhớ quê hương da diết. Thế nhưng, có hơn 95% những người dân vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng đã trụ lại và sinh cơ lập nghiệp cho đến hôm nay. Nhiều gia đình đã tồn tại ba, bốn đời trên vùng đất mới. Kết quả đó là một minh chứng về bản lĩnh và ý chí quyết tâm của người Hà Nội, là sự khẳng định những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo Trung ương và Thủ đô, sự phối hợp, hỗ trợ chí tình chí nghĩa của tỉnh Lâm Đồng trong chuyến đưa dân về phía phương Nam. Dân vững tin ở lại và yên tâm dựng xây quê mới, tiềm năng rộng mở của vùng đất bazan được đánh thức. Nhưng cũng phải mất nhiều năm với bao trăn trở, người Hà Nội trên mảnh đất Tây Nguyên mới chọn cho mình được hướng đi đúng, cách làm ăn chắc. Phải mất nhiều năm vật lộn từ trồng ngô, gieo lúa đồi rồi tập tễnh trồng cây công nghiệp..., thành công và thất bại đều đã nếm trải, có lúc khó khăn tưởng chừng không trụ nổi. Cuối cùng một cơ cấu kinh tế đã được hình thành: cây công nghiệp dài ngày cùng với chăn nuôi đại gia súc và khai thác vùng sình lầy cấy lúa nước và phát triển công nghiệp chế biến và du lịch - dịch vụ. Từ định hướng đó, những nương dâu, đồi chè, vườn cà phê đã từng ngày phủ xuống mảnh đất này một màu xanh trù phú, ấm no. Lâm Hà hôm nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn. 

Những người đầu tiên xây nền móng cho mảnh đất Lâm Hà phồn thịnh hôm nay giờ người mất, người đã đi gần trọn cuộc đời. Dòng hồi ức của họ là nỗi nhớ về một thời gian khó. Thanh niên Nguyễn Văn Ký của 48 năm trước giờ đây đã trở thành phụ lão, chia sẻ: “Tôi rời quê nhà Đông Anh vào đây năm 1976 cùng với rất nhiều thanh niên tiền trạm. Hồi đó, chúng tôi là những người lính vừa mới trở về đã lập tức lên đường làm nhiệm vụ xây dựng quê mới. Nhớ ngày ấy, chúng tôi tự hào về những điều đã làm”. Ông Nguyễn Duy Phác, cũng là một trong những người tiền trạm, nay an cư ở xã Tân Hà, trầm tư: “Đất này đã từng thấm máu của đồng đội tôi cũng như mồ hôi, nước mắt bao người!”. Còn ông Nguyễn Văn Lộc lại kể: “Hồi đó cả vùng rộng lớn này chỉ lèo tèo mấy hộ gia đình. Bốn phía là rừng. Buổi tối không dám thắp đèn đuốc. Không gian âm u với tiếng thú đi hoang và tiếng súng Fulro. Trong một thời gian ngắn mà có đến 4 thanh niên tiền trạm bị Fulro bắn chết, 3 trường hợp khác tử vong do tai nạn lao động và sốt rét”. Gia đình lão nông này là một trong 11 hộ đầu tiên vào xây dựng kinh tế mới từ năm 1976 tại địa bàn xã Mê Linh, xã có 1.700 hộ với 8.000 nhân khẩu hiện nay. Ông Lộc nói tiếp: “Nỗi nhớ quê nhà, sự cô đơn giữa miền đất mới đầy gian khó gặm nhấm tâm hồn những người xa quê đến khổ sở. Không ít lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc”. Thế rồi, bằng quyết tâm, bằng sự cần cù, họ đã tạo lập một cuộc sống mới. Người đến ngày một đông, Hợp tác xã Mê Linh thành lập, ông Lộc là chủ nhiệm đầu tiên...

Tháng 10/1987, Vùng kinh tế mới Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hà Nội giao lại “một phần máu thịt của Thủ đô” cho tỉnh Lâm Đồng quản lý, và huyện Lâm Hà ra đời bằng cuộc tao ngộ đầy ý nghĩa ấy. Vùng kinh tế mới Hà Nội ngày xưa, hôm nay đã có thêm người Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... cùng đến hợp cư. Từ một vùng cư dân chỉ có từ dăm bảy trăm hộ, huyện Lâm Hà hôm nay đã có dân số gần 168 ngàn người với 29 dân tộc anh em đang tụ cư ở 14 xã và 2 thị trấn, trên tổng diện tích tự nhiên hơn 979 ngàn km2. Huyện Lâm Hà đã trở thành một vùng chuyên canh cây công nghiệp; lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đang trên đà phát triển. Với sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của địa phương và giúp đỡ chí tình chí nghĩa của TP Hà Nội, kết cấu hạ tầng của Lâm Hà cũng được tăng cường không ngừng. Tất cả các xã, thị trấn đều có điện lưới quốc gia, điểm bưu điện văn hóa, từ huyện đến các xã đều có đường ô tô thông suốt và hệ thống thương mại dịch vụ được mở tới thôn, buôn, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Bên cạnh đó, sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa không ngừng phát triển. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được cải thiện, không còn nạn du canh du cư, nhiều hộ đồng bào đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vượt khó làm giàu…

* * *

Như đã kể, tháng 10/1987, Vùng kinh tế mới Hà Nội chính thức hoàn thành nhiệm vụ; Hà Nội giao lại cho tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà ra đời từ đó. Giao lại vùng kinh tế mới nhưng Hà Nội vẫn giữ trọn nghĩa tình với “một phần máu thịt” của mình. Trên vùng đất này, suốt 48 năm qua, thời điểm nào cũng có dấu ấn Thủ đô đậm in. Đó là những chuyến thăm hỏi; đó là sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất với bà con đi xa bằng việc đầu tư rất nhiều công trình như nhà văn hóa, trường học, bệnh xá, đường giao thông. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 2004 đến 2015, Thành phố và các quận, huyện Hà Nội đã hỗ trợ huyện Lâm Hà số tiền xấp xỉ 300 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng. Ngày huyện Lâm Hà kỷ niệm 40 năm thành lập Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng (năm 2016), người Hà Nội trên quê mới đã xúc động nghe lời phát biểu của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn coi Lâm Hà là một phần máu thịt thiêng liêng. Thủ đô sẽ luôn đồng hành với mỗi bước phát triển của Lâm Hà, tiếp tục hỗ trợ sức người, sức của, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân”. Một tin vui mới, mùa Thu 2024 này, TP Hà Nội đã quyết định hỗ trợ huyện Lâm Hà 120 tỷ đồng để xây dựng Quảng trường Thăng Long giữa trung tâm vùng kinh tế mới ngày xưa... 

Người Hà Nội trên đất Lâm Hà bao năm gắn bó với quê mới Lâm Đồng vẫn giữ trọn truyền thống văn hóa Tràng An và văn hóa Xứ Đoài. Họ đã “gánh cả tên xã, tên làng”, mang theo nền văn minh sông Hồng ngàn đời lên cao nguyên dựng phố, lập làng. Những địa danh Thủ đô giờ đây đã gắn bó máu thịt với màu đất bazan, với đồng bào địa phương. Những món ăn mang hương vị riêng như phở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, rượu Cát Quế - Hoài Đức trở thành những món ẩm thực đặc biệt giữa miền quê mới. Những làn điệu chèo cổ Hà Tây và ca trù Lỗ Khê vẫn thánh thót, quấn quyện cùng điệu Then, điệu Lượn, điệu Yalyău mỗi dịp người dân Lâm Hà mở hội...