Phân tích thái độ chính trị và khả năng cách mạng của các giai cấp để xác định lực lượng và phương pháp cách mạng.
[links(right)]
Xác định lực lượng, phương pháp cách mạng và giá trị lâu bền của tác phẩm
Phân tích thái độ chính trị và khả năng cách mạng của các giai cấp để xác định lực lượng và phương pháp cách mạng.
Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên vai trò của nhân dân trong quá trình cách mạng “cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”, vì vậy phải làm cho dân giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo quần chúng vùng lên “đánh đuổi tụi áp bức mình đi”. Người phê phán hành động ám sát cá nhân và những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa “xúi dân bạo động mà không biết cách tổ chức”. Để làm cơ sở cho việc xây dựng các tổ chức cách mạng phù hợp với Việt Nam, với kinh nghiệm thực tế và tầm nhìn xa trông rộng của mình, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu, phân tích rất kỹ về lịch sử, cách tổ chức của phụ nữ quốc tế, công nhân quốc tế, thanh niên quốc tế, công hội, nông hội … và cho rằng: Cách mạng Việt Nam cũng phải tổ chức các đoàn thể quần chúng như công hội, đoàn thể phụ nữ, thanh niên... theo đường lối và phương pháp của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Quốc tế Cộng sản...
Đánh giá vai trò của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam, Người đã chỉ ra yêu cầu đối với từng tổ chức, chẳng hạn đối với phụ nữ “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo”; đối với giai cấp công nhân, Người tán thành Quốc tế đỏ “nếu thợ thuyền An Nam biết tổ chức thì chắc Quốc tế đỏ sẽ hết lòng giúp cho mà làm cách mệnh”. Một điều đặc biệt là trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày hoàn chỉnh lý luận về hợp tác xã như một hình thức tổ chức kinh tế - xã hội, có vai trò vận động nông dân đứng lên làm cách mạng “hợp tác xã trước là có ích lợi cho dân, sau là bớt sức bóp nặn của tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa”, “là để cho khỏi bị hàng buôn ăn bớt”.
Về đánh giá khả năng cách mạng của các giai cấp, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích làm rõ sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và khối liên minh công - nông. Liên hệ các cuộc cách mạng trên thế giới, Người đánh giá rất cao vai trò quan trọng của nông dân “Pa-ri Công xã vì tổ chức không khéo và vì không liên lạc với dân cày, đến nỗi thất bại” và cách mạng năm 1905 của Nga thất bại cũng là do chưa biết liên lạc với dân cày, “thợ thuyền với dân cày không nhất trí. Khi thợ thuyền nổi lên thì dân cày chưa theo ngay”. Chỉ khi hai giai cấp được thống nhất về chiến lược và chiến thuật như đã từng diễn ra ở Nga năm 1917, cách mạng mới có thể thành công. Từ đó, Người khẳng định “công nông là người chủ cách mệnh”, “là gốc cách mệnh” vì “công nông bị áp bức nặng hơn”, “công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết”, “công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới” còn “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”. Tuy vậy, nhưng Người vẫn nhấn mạnh lực lượng tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là phải tập hợp rộng rãi các thành phần, giai cấp trong xã hội, miễn là họ yêu nước “dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”.
Đồng thời với việc tập hợp đông đảo các lực lượng yêu nước, cách mạng muốn thành công cần phải biết cách làm, phải có phương pháp. Theo Nguyễn Ái Quốc, phương pháp cách mạng chính là cách thức vận động quần chúng, cách thức tổ chức đấu tranh, cách thức xây dựng các tổ chức quần chúng... Bởi lẽ, nếu không tập hợp, huy động được nguồn sức mạnh vô địch của quần chúng thì đội tiên phong của cách mạng sẽ không thể lãnh đạo cách mạng đi đến thành công.
Xác định vai trò lãnh đạo cách mạng và lý luận cách mạng tiền phong
Mở đầu cuốn sách “Đường Kách mệnh” (lời đề tựa), Nguyễn Ái Quốc đã trích dẫn luận điểm của V.I.Lênin trong tác phẩm “Làm gì”: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Điều này cho thấy, Người rất đề cao vai trò lý luận cách mạng tiền phong, đó chính là chủ nghĩa Mác – Lênin “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”; do đó cách mạng Việt Nam “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.
Nghiên cứu kinh nghiệm của phong trào yêu nước Việt Nam, phong trào của các dân tộc và giai cấp vô sản trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc kết luận, muốn có cách mạng “Trước hết phải có đảng cách mệnh” và đảng có vai trò to lớn và quyết định đối với sự nghiệp cách mạng “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Người đặc biệt lưu ý “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”. Chủ nghĩa tức là ý thức hệ, là tư tưởng và tinh thần, là tình cảm, niềm tin cách mạng, bảo đảm cho đảng có sự thống nhất về nhận thức và hành động. Không có chủ nghĩa, đảng không thể có phương hướng hành động, không thành tổ chức tự giác và kỷ luật, “cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Đặc biệt, trong bối cảnh ở Việt Nam, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bên cạnh luồng tư tưởng mác xít mới được truyền bá còn nhiều trào lưu tư tưởng phức tạp khác, đủ mọi màu sắc của chủ nghĩa dân tộc tư sản và tiểu tư sản... Nhờ có đầu óc phê phán cùng với sự phân tích thực tiễn sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu các chủ nghĩa, học thuyết, kiểm nghiệm nó qua thực tiễn cách mạng, để đi đến khẳng định theo chủ nghĩa Mác - Lênin “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Đó là vấn đề cốt yếu của lý luận cách mạng tiền phong, một trong những nội dung lý luận cốt yếu của tác phẩm “Đường Kách mệnh”.
Rõ ràng rằng, năng lực thực tiễn hóa lý luận của Nguyễn Ái Quốc không chỉ là vận dụng, thực hành lý luận trong thực tiễn mà trước hết là nhận thức lý luận một cách thực tiễn, tác động vào thực tiễn. Với phương pháp phân tích cụ thể những tình hình cụ thể, “Đường Kách mệnh” đã có sức thuyết phục, giáo dục mạnh mẽ, hướng dẫn, lôi cuốn nhân dân Việt Nam lựa chọn con đường giải phóng dân tộc đúng đắn.
Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm
Giá trị lý luận: Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết cách mạng Mác - Lênin, phù hợp với điều kiện của một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu. Điều này khẳng định các nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin không chỉ đúng ở châu Âu, mà còn có tính phổ biến trên phạm vi toàn cầu, kể cả ở phương Đông, châu Á. Qua đó, đánh dấu một giai đoạn mới trong nhận thức lý luận của Nguyễn Ái Quốc, góp phần phát triển sáng tạo lý luận cách mạng Mác - Lênin.
Giá trị thực tiễn:
(1) Đóng vai trò quan trọng trong việc tuyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; kết hợp phong trào yêu nước với phong trào quốc tế cộng sản; tạo tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.
(2) Góp phần khắc phục sự khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc; khẳng định rõ xu hướng lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển thời đại sau Cách mạng Tháng Mười Nga.
(3) Là cẩm nang; tài liệu mẫu mực trong việc học tập, nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhất là trong những giai đoạn lịch sử có tính bước ngoặt.
(4) Đến nay, nhiều vấn đề nêu lên trong tác phẩm như xây dựng, tổ chức, đoàn kết các lực lượng cách mạng; về vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng Đảng vững mạnh, nhất là các chuẩn mực đạo đức của người cộng sản... vẫn giữ nguyên tính thời sự.
Trong bối cảnh tình tình thế giới cũng như trong nước có những diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm Đảng ta đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, học tập với vận dụng sáng tạo và hành động theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ gìn và rèn luyện “tư cách người cách mạng”, phát huy những giá trị lý luận vô giá của tác phẩm “Đường Kách mệnh” vào thực tiễn cuộc sống và công tác. Đó là một trong những biện pháp đúng đắn nhất để tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
VĂN NHÂN