Vùng 3 ngày ấy

08:04, 26/04/2018

Sau giải phóng, vào năm 1976, tôi được đến với Vùng 3, vùng đất giàu truyền thống cách mạng với tư cách là Thường trực Khu đoàn Khu phố 2 và sau là Tổng đội phó Tổng đội TNXP tỉnh Lâm Đồng kiêm chính trị viên Tổng đội đưa lực lượng thanh niên xung kích, thanh niên xung phong của khu phố và Thành đoàn Đà Lạt đến xây dựng kinh tế mới Vùng 3. Nhưng thời gian dài nhất là từ năm 1977 - 1978, so với một số đồng chí trụ bám ở đây thì không nhiều nhưng đối với tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Sau giải phóng, vào năm 1976, tôi được đến với Vùng 3, vùng đất giàu truyền thống cách mạng với tư cách là Thường trực Khu đoàn Khu phố 2 và sau là Tổng đội phó Tổng đội TNXP tỉnh Lâm Đồng kiêm chính trị viên Tổng đội đưa lực lượng thanh niên xung kích, thanh niên xung phong của khu phố và Thành đoàn Đà Lạt đến xây dựng kinh tế mới Vùng 3. Nhưng thời gian dài nhất là từ năm 1977 - 1978, so với một số đồng chí trụ bám ở đây thì không nhiều nhưng đối với tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc.
 
Ngày ấy, Vùng 3 trước năm 1975 gồm 3 xã căn cứ kháng chiến là Hợp Vông, Xi Nhanh, Lú Tôn, của 20 buôn đồng bào dân tộc thiểu số người Mạ. Đây là địa bàn chiến lược, nơi đứng chân vững chắc nhất của Tỉnh ủy Lâm Đồng (cũ) từ năm 1962 đến 1975; là đầu mối đảm bảo hành lang giao thông liên lạc cả đường bộ và đường sông của Tỉnh ủy và Khu 6 xuống đến các K về Trung ương cục miền nam (R); là nơi phục vụ, bảo vệ an toàn đường dây vận tải H50 từ biên giới Campuchia chuyển vũ khí, đạn dược về đây cất giư,̃ đồng thời là trạm trung chuyển cho các đơn vị lực lượng vũ trang; nơi điều dưỡng thương binh, học tập, huấn luyện sau các đợt tổ chức tấn công địch, đặc biệt là nơi sản xuất, tự túc lương thực lớn nhất của địa bàn Khu 6 mà nòng cốt là Công Doanh 19/8; nơi đầu tiên sử dụng cơ giới để khai hoang, làm đất với diện tích khoảng 500 ha, trong đó có 150 ha đất trồng lúa nước 2 vụ với năng suất cao.
 
Tuy vậy, so với lực lượng lao động mới đến, Vùng 3 là địa bàn hoàn toàn xa lạ, ngoài Nông trường Hà Giang, sau này đổi thành Nông trường Hà Lâm, có một số cán bộ làm lãnh đạo nông trường, số công nhân còn rất ít và một vài buôn là người dân tộc thiểu số trong các căn nhà sàn của xã Lộc Trung lúc bấy giờ trực thuộc huyện Bảo Lộc. Vùng 3 được bao bọc bởi một vùng núi non trùng điệp, đường sá đi lại khó khăn, men qua các sườn đồi, dọc theo các con suối, rẫy mì. Hồi ấy đi từ ngã 3 Mađaguôi vào đến Nông trường bộ Hà Giang (xã An Nhơn ngày nay), phải đi bộ hết một ngày, vượt qua sông Đạ Quay, mùa mưa nước sông chảy xiết, nắm chặt tay nhau lũ lượt từng đoàn, những lúc trời tối tổ chức lực lượng TNXP Hà Giang nấu cơm gói thành từng vắt, đốt đuốc soi đường ra đón và mang ba lô cho anh em vào. Khổ nhất của Vùng 3 ngày ấy là một vùng trũng, thời tiết khắc nghiệt, mùa nắng như thiêu đốt, mùa mưa thì nước ngập lai láng, ruồi, muỗi, vắt, nhiều nhất là ruồi vàng, anh em lao động mặc đồ ngắn liền bị ruồi cắn sưng to, đáng sợ là sốt rét rừng, kể cả sốt rét ác tính. Toàn vùng có 1 bệnh xá được xây dựng từ thời kháng chiến, có 1 bác sĩ nhưng thuốc men rất thiếu thốn, chỉ những loại thuốc trị bệnh thông thường, có lần tôi không may bị thương tại buôn Con Ó cách bệnh xá khoảng hơn 10 km, chạy về đến nơi do mất nhiều máu, ngất xỉu, không có thuốc tê nằm ở ghế nhờ TNXP nắm tay ghì xuống để BS khâu vết thương rất đau; điều kiện khám và chữa bệnh còn sơ sài, hầu như không có gì, nên anh em rất lo sợ khi bị đau ốm, sốt rét.
 
Những địa danh, bệnh mang dấu ấn của một thời TNXP ở Vùng 3 như: “Bệnh mù u” không biết có tên từ bao giờ nhưng để chỉ một số anh em lười lao động. Dốc “Ma Thiên Lãnh” (vào đó sợ sốt rét chết) là dốc ở đoạn vừa qua sông Đạ Quay vào Đạ Tẻh. Dốc “Mạ Ơi” là dốc qua 5 đồi, 6 khe thuộc xã An Nhơn. Sở dĩ gọi như vậy là vì TNXP Thành Đoàn thành phố Huế vào tiền trạm để lập vùng kinh tế mới 2 xã Hương Lâm, Đạ Lây, do đường sá đi lại vất vả, trơn trợt, lại nhớ nhà nên nhiều anh em khóc gọi “Mạ Ơi”, từ ấy có tên dốc “Mạ Ơi”. Vùng đất đó được nhạc sĩ Hà Linh Chi viết khi đi thực tế ở Hương Lâm.
 
“Trời xanh chi mà xanh xanh thế
Đất lạ gì đất níu bàn chân
Tôi gặp lại những người của Huế
Hỡi Hương Lâm một áng mây chiều…”
Hay trong TNXP có câu:
“Ai vô kinh tế Vùng 3
Đi vào xanh tóc, đi ra bạc đầu”
(Bụi mù mịt nhuộm trắng cả đầu người)
 
Điều này nói lên cái khắc nghiệt, gian khổ của Vùng 3 lúc bấy giờ, nhưng với tinh thần ý chí vươn lên của tuổi trẻ, hàng vạn thanh niên từ các tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng “Vượt Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”; “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”; Với khẩu hiệu “Đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần” đã từ bỏ cuộc sống nơi phố thị hăng hái xung phong lên đường xây dựng các vùng kinh tế mới, trong đó có Vùng 3 để góp phần xây dựng Vùng 3 thành một vùng trù phú, giàu sức sống như hôm nay.
 
Thành quả đó có sự đóng góp to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 trong hai cuộc kháng chiến đã dày công xây dựng. Sự lao động cần cù, nhẫn nại, khắc phục khó khăn, một nắng hai sương của nhân dân các huyện, trong đó có cả đội ngũ cán bộ tăng cường của Nông trường chè Tam Đường tỉnh Lai Châu, nhưng phải kể đến công sức của hàng vạn TNXP của các địa phương đến khai hoang, phục hóa, mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để đón dân đến sản xuất, lập nghiệp; mồ hôi công sức kể cả máu của họ đã đổ xuống và tô thắm cho vùng đất này. Riêng thành phố Đà Lạt, thành phố Huế đã có gần chục TNXP ngã xuống vì bệnh tật, vì tai nạn lao động mà không đòi hỏi một sự đền đáp nào; có người mang thương tật suốt đời cho đến khi chết như chị Cúc ở khu Ngọc Hiệp (Phan Đình Phùng - Đà Lạt) bị mất một mắt khi tuốt lúa; anh Nguyễn Văn Ninh, một mình khiêng cả cây gỗ dầu bị gãy cột sống để bắc cầu qua suối Đa Mí. Có hôm anh em TNXP vác vôi từ xã Đạ Kho (ngày nay) vào nông trường để khử phèn, rửa chua đồng ruộng dưới cái nắng chói chang, lột cả da người. Chính họ đã làm rạng rỡ thêm lá cờ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của tuổi trẻ Việt Nam; là động lực tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước của hôm nay và mãi mãi về sau.
 
NGUYỄN BẠN