Tại Hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức bằng hình thức trực tuyến, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX gặp khó khăn chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng, bên cạnh những nguồn lực hỗ trợ còn hạn hẹp, thấp xa so với nhu cầu thực tế.
Kinh tế HTX đang góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn |
Thông tin tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Văn Thanh cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX, 137 liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác (THT). Số HTX thành lập mới trong năm 2023 là 2.986 HTX. Theo ông Đặng Văn Thanh, năm 2023, số HTX tăng 1.261 HTX, so với năm 2022. Tương tự, số liên hiệp HTX tăng 7 liên hiệp HTX và số THT tăng 700 THT, so với năm 2022. Ông Đặng Văn Thanh bày tỏ, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với kinh tế HTX nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế nên khu vực kinh tế tập thể chưa phát triển như kỳ vọng. Các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít. Ngoài ra, Nhà nước chưa có cơ chế đặc thù cho các HTX trong việc sử dụng ngân sách, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tiêu chí HTX thụ hưởng chưa phù hợp, thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn địa phương. Thêm nữa, việc nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia vào thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX dẫn đến việc thực hiện chính sách còn chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng, làm giảm hiệu quả nguồn lực hỗ trợ...
Từ thực tiễn sản xuất của đơn vị, đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh mong muốn các ngân hàng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động của HTX để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù như xem xét cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai khi HTX có dự án sản xuất, kinh doanh mang tính khả thi, hiệu quả. Theo ông Tô Hoài Thanh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HTX Việt Nam, việc các HTX khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng là vì thường không có tài sản bảo đảm, năng lực tài chính còn yếu, thậm chí nhiều HTX chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn... “Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng, trước hết các HTX phải nâng cao nội lực và uy tín của mình. Uy tín đó là việc tuân thủ trả gốc và lãi đúng hạn”, ông Nguyễn Văn Ba - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Miến Việt Cường (tỉnh Thái Nguyên), chia sẻ.
Theo Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng có 547 HTX, với 37.390 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX khoảng 2,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên HTX khoảng 6 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận bình quân của HTX đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Theo bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng. Do đó, bà Cao Xuân Thu Vân đề nghị cần phải có giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX bao gồm cơ chế, chính sách hỗ trợ các quy định, hướng dẫn để thực hiện Luật HTX năm 2023 và các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt, cần sự nỗ lực của từng HTX, từng thành viên trong HTX để tổ chức hoạt động, quản lý kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin