Đột nhập hầm khai thác cát lậu tại vùng giáp ranh

Điều tra: ĐÔNG ANH 08:25, 08/08/2023
Tin bài liên quan:
 
Tháo chạy khỏi hầm khai thác cát lậu

 

VIDEO: Đột nhập hầm khai thác cát lậu

 

• Giao Công an tỉnh chủ trì điều tra vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép tại vùng giáp ranh

 

• Khai thác cát trái phép, khi nào khởi tố hình sự?
 
• Vì sao để 5 xe đào khai thác cát lậu tẩu thoát?

 

 UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về việc khai thác, vận chuyển cát trái phép mà Báo Lâm Đồng phản ánh
(LĐ online) - Sau nhiều ngày theo dõi và đột nhập, phóng viên Báo Lâm Đồng đã điều tra được hoạt động lộng hành của một hầm khai thác cát lậu tại vùng giáp ranh giữa TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
 
3 xe vào bãi lấy cát cùng 1 thời điểm vào đầu giờ chiều ngày 28/7
3 xe vào bãi lấy cát cùng 1 thời điểm vào đầu giờ chiều ngày 28/7

Khi màn đêm buông xuống, tiếng máy bơm, máy đào vang vọng cả một góc rừng. Những chiếc gàu lớn của xe đào khoét sâu vào lòng đất đưa cát lên các dàn sàng được bơm nước liên tục. Ánh đèn từ những chiếc xe múc lúc ẩn lúc hiện, lâu lâu lại quét một vùng sáng lên những đống cát dần được vun cao.

 

Sau nhiều ngày theo dõi, 7 giờ tối 26/7, tôi quyết định đột nhập vào hầm khai thác cát lậu nằm lọt thỏm giữa ngọn đồi trồng keo trên địa bàn xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm).

4 xe đào tập trung cùng lúc tại chòi canh số 3 vào trưa ngày 23/7
4 xe đào tập trung cùng lúc tại chòi canh số 3 vào trưa ngày 23/7

Để tránh bị phát hiện, tôi phải tắt đèn xe máy và mò mẫm chạy lên con dốc cao gần cổng vào hầm cát trong cơn mưa như trút nước. Sau khi cất giấu xe vào một bụi rậm, tôi thận trọng tiến lại gần cánh cổng dẫn vào hầm cát. Do đã quan sát hiện trường từ nhiều ngày trước đó nên tôi nhanh chóng tiến đến đường dẫn vào một ngọn đồi bên trong bãi cát. 

Đường đi lổm chổm đá cuội lẫn với bùn đất và nước mưa khiến đôi ủng của tôi nhiều lần ngập sâu không nhấc chân lên được. Trong bộ quần áo mưa trùm kín từ đầu đến chân màu xanh đen, tôi như hòa lẫn vào những bụi dương xỉ và những chỏm đá nhô lên trên mặt đồi làm tôi cũng yên tâm hơn phần nào. 

Toàn cảnh hầm khai thác cát lậu chụp ngày 25/7
Toàn cảnh hầm khai thác cát lậu chụp ngày 25/7

Trong chiếc ba lô màu đen khoác sau lưng, có một cái bánh bao mua vội từ hồi chiều để chống đói phòng khi phải phục kích xuyên đêm, một con dao được quấn kỹ trong túi áo mưa để phát quang bụi rậm ẩn nấp những ngày trước đó và cũng có một phần ý định là để… phòng thân. 

Vừa chớm vào đỉnh đồi, tiếng máy nổ, máy đào đã vang vọng. Tôi vội nằm sát xuống mặt đất khi ánh đèn pha từ chiếc xe đào phía xa quét qua. Sau một thời gian định hình và để mắt mình dần quen với bóng tối, tôi chọn một địa điểm cạnh bụi dương xỉ và bắt đầu lấy máy ra quay hình. Trời mưa khiến màn hình liên tục bị ướt và nhòe, tôi lau vội bằng chiếc khăn mang theo bên mình và tiếp tục tác nghiệp.

Một xe vào lấy cát tại bãi vào ngày 22/7
Một xe vào lấy cát tại bãi vào ngày 22/7

Lúc này, phía dưới bãi cát trước mặt cách tôi khoảng 10m, vị trí mà những ngày trước đó tôi đã xác định có một chòi canh nằm ẩn dưới bụi tre và được tôi đánh số thứ tự là chòi 2, chiếc xe đào màu đỏ ẩn sau hòn đá to liên tục vươn gàu múc hỗn hợp đất, đá và cát đổ lên dàn sàng. Máy nổ công suất lớn cũng liên tục bơm nước lên mặt sàng để tách lấy cát. Một chiếc xe đào màu vàng khác múc cát đã được sàng rửa sạch vun lên thành đống cạnh đó.  

Cách chỗ tôi ẩn nấp khoảng 20m về góc phải, nơi có căn chòi ẩn sau hàng cây keo và được tôi đánh số thứ tự là chòi 3, 2 xe đào màu vàng cùng với dàn máy bơm sàng cát cũng đang hoạt động tương tự. Ánh đèn trên những chiếc xe đào xoay vòng theo hướng của gàu múc quét qua quét lại toàn bộ bãi cát. Ánh chớp kèm theo tiếng sấm thỉnh thoảng cũng làm bừng sáng một góc trời.

Sau khi hoạt động xuyên đêm, các xe đào được đưa về nơi ẩn nấp sáng 25/7
Sau khi hoạt động xuyên đêm, các xe đào được đưa về nơi ẩn nấp sáng 25/7

Suốt 5 tiếng đồng hồ có mặt tại hầm cát, 4 chiếc xe đào và 2 dàn máy bơm sàng cát hoạt động liên tục, không một nhịp ngơi nghỉ. Hoạt động đào múc, đổ hỗn hợp lên sàng, múc cát đã được rửa sạch vun thành đống cứ tuần tự được lặp đi lặp lại. 

Thỉnh thoảng, có xe máy cày, xe ben đến lấy cát trong đêm. Những gàu cát lớn còn sũng nước được múc vội lên xe. Tiếng xe ầm ì vượt qua con dốc cao sát cạnh chỗ tôi ẩn nấp để đưa cát ra ngoài.

Gần 1 giờ sáng, mưa thấm lạnh, tôi quyết định rời hầm cát trong tiếng ầm ì của máy móc chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sau một đêm sàn rửa, một đống cát lớn đã được vun cao vào sáng 29/7
Sau một đêm sàng rửa, một đống cát lớn đã được vun cao vào sáng 29/7

Tối 26/7, tôi quyết định dựng lều, loại lều dành cho một người mà tôi mượn được của một người bạn hồi chiều. Vị trí dựng lều là ở một ngọn đồi cách bãi cát khoảng 100m. Cũng như đêm hôm trước, mưa như trút nước đổ xuống lều kèm theo những tiếng gió rít lồng lộng do ở trên đồi cao, thế nhưng, tiếng máy đào, máy bơm nước sàng cát không vì thế mà bị lấn át. 

Đêm nay, hoạt động của các phương tiện cơ giới tại hầm cát cũng tuần tự lặp lại như đêm hôm trước. Đến khoảng hơn 1 giờ sáng, tiếng máy tạm ngưng nhưng đến 3 giờ thì hoạt động trở lại cho đến 6 giờ sáng. Sau đó, các xe đào di chuyển về gần các chòi canh hoặc đi vào các hàng keo để ẩn nấp, các dàn sàng cát vẫn nằm trơ trọi lại hiện trường. Sau 1 đêm hoạt động gần như liên tục, những đống cát trắng đã được vun cao ngất ngưỡng.

 

Mất nhiều ngày quan sát địa hình, tôi mới xác định được những đường vào hầm cát. Từ cuối đường Phan Chu Trinh (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) có 2 nhánh rẽ ôm trọn hầm cát này và đây cũng là 2 đường vận chuyển chính đưa cát lậu từ trong bãi đi ra. Cả 2 con đường đều phải đi qua những con dốc cao lổm chổm đá. 

Các xe vào bãi lấy cát vào sáng 3/8
Các xe vào bãi lấy cát vào sáng 3/8

Từ cuối đường Phan Chu Trinh nếu đi thẳng sẽ gặp cột mốc tam giác chỉ vùng giáp ranh giữa phường Lộc Tiến, xã Lộc Châu của TP Bảo Lộc và xã Lộc Tân của huyện Bảo Lâm. Đây cũng là điểm đầu của đường dẫn xuống hầm cát và gặp chòi canh số 1. Còn nếu rẽ trái theo hướng Công ty cao lanh Joton thì cũng sẽ vượt qua con dốc cao dẫn xuống hầm cát và gặp chòi canh số 2. Chòi canh số 3 được đặt giữa bãi cát, cũng là nơi nghỉ ngơi, ăn uống của tài xế và là nơi tập kết nhiên liệu. 

Để tiếp cận được hầm cát lậu này, tôi chọn vị trí những quả đồi cao xung quanh. Tùy từng ngọn đồi mà có thể quan sát thấy hoạt động của chỉ một góc hầm cát thông qua ống kính zoom 10x, 20x của máy ảnh. Có những ngày, từ một góc theo dõi, máy quay của tôi có ghi hình trọn vẹn 4 xe đào, 1 xe máy cày và một số xe gắn máy có mặt cùng lúc tại chòi canh số 3.

Quy luật hoạt động tại hầm cát này là đào và sàng cát chủ yếu vào ban đêm, thường bắt đầu từ 6 giờ tối và kết thúc vào 6 giờ sáng. Còn vận chuyển cát hoạt động cả ngày lẫn đêm, cao điểm nhất là lúc chập choạng tối. 

Sau khi chất đầy cát, các xe nặng nhọc leo lên con dốc cao vào sáng 3/8
Sau khi chất đầy cát, các xe nặng nhọc leo lên con dốc cao vào sáng 3/8

Trong ngày 22 và 23/7, hoạt động khai thác, vận chuyển tại bãi cát diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do là ngày cuối tuần nên tần suất hoạt động của các xe vận chuyển có ít hơn. 

Chiều 24/7, khi tôi chạy xe máy theo con đường mòn nhỏ hẹp từ đỉnh một ngọn đồi ra lại đường chính để trở về sau một ngày theo dõi bãi cát thì bất ngờ bị 3 thanh niên đón lõng. Trong bộ dạng của một người đi làm vườn với chiếc xe máy cà tàng, áo mưa trùm kín chỉ lộ ra đôi ủng, các thanh niên nhìn tôi dò xét và dõi theo hướng xe máy tôi chạy. 

Chạy được một đoạn, từ chiều ngược lại, 1 thanh niên khác đi xe máy bất ngờ quay đầu chạy sau theo dõi tôi. Thanh niên này tôi nhớ đã 1 lần chạm trán khi tiếp cận gần cổng vào bãi cát những ngày trước đó và có hỏi tôi rằng: “Anh Tư gọi anh vô hả?”. Lần đó, tôi đã trả lời thoái thác và rời đi. 

Cận cảnh 1 xe ben lớn của Quyết Hảo chở cát từ bãi đi ra vào ngày 29/7
Cận cảnh 1 xe ben lớn của Quyết Hảo chở cát từ bãi đi ra vào ngày 29/7

Để cắt đuôi thanh niên này, tôi bất ngờ quay đầu xe khi đang chạy trên đường Phan Chu Trinh, sau đó rẽ vào môt con hẻm và chạy ngoằn ngoèo qua nhiều con hẻm, tuyến đường khác rồi mới trở về nhà.

Sáng 25/7, trở lại quan sát hầm cát từ nhiều vị trí, mọi hoạt động ở đây im ắng. Sau khi chui mình qua cánh cổng rào khóa chặt dẫn vào hầm cát, tôi quan sát được một vài xe đào được đưa về gần các chòi canh hoặc đưa ra ven suối để cất giấu. Cả ngày hôm nay, mọi hoạt động đào bới và vận chuyển cát đều dừng lại. 

Những tưởng bị lộ, hoạt động tại bãi cát này sẽ dừng lại khá lâu. Thế nhưng, chỉ 1 ngày sau đó, sang ngày 26/7, hoạt động tại đây diễn ra bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra và kéo dài cho đến nay. 

Xe Quyết Hảo 49C 22281 chở cát về cửa hàng trên đường Tố Hữu (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) ngày 26/7
Xe Quyết Hảo 49C 22281 chở cát về cửa hàng trên đường Tố Hữu (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) ngày 26/7

Trong suốt những ngày theo dõi, mỗi ngày, tôi đều trở lại nhiều điểm quan sát trên các đỉnh đồi để quay phim, chụp hình hoạt động đào múc và xe cộ ra vào bãi cát, cũng như theo dõi nhiều chuyến xe chở cát lậu. 

 

Thời gian theo dõi bãi cát và hoạt động vận chuyển cát của tôi không thường trực 24/24 giờ. Thế nhưng, mỗi khi có mặt tại đây vào các khung giờ bất kỳ trong ngày, tôi đều ghi nhận được hoạt động vận chuyển cát từ bãi đi ra. Trung bình mỗi ngày đêm có trên 10 chuyến xe ben các loại và xe máy cày nhiều kích cỡ ra vào bãi lấy cát.

Xe múc và giàn sàn rửa cát liên tục hoạt động trong đêm 26/7
Xe múc và dàn sàng rửa cát liên tục hoạt động trong đêm 26/7

Sau khi nắm rõ quy luật hoạt động của hầm cát, tôi quyết định sẽ theo dõi để xác định những chuyến xe chở cát lậu về đâu. Vị trí đầu tiên tôi chọn ẩn nấp để ghi hình hoạt động vận chuyển là một bụi dương xỉ dưới rừng keo chỉ cách cổng ra vào hầm cát khoảng 15m. Rậm rạp, ẩm ướt do mưa kéo dài nhiều ngày và muỗi vây quanh là tất cả những gì có thể diễn tả vị trí ẩn nấp của tôi.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 26/7, 2 chiếc xe ben biển số 49C 22281 và 49C 25076 tiến vào hầm cát. Cả 2 chiếc xe này đều dán tên Quyết Hảo phía trước đầu xe. 

Ngày 7/8, có ít nhất 7 xe đào được tăng cường hoạt động tại bãi cát
Ngày 7/8, có ít nhất 7 xe đào được tăng cường hoạt động tại bãi cát

Khoảng 30 phút sau, 2 chiếc xe nặng nề leo dốc, ở từ phía xa cũng nghe tiếng máy gầm rú. Từ vị trí quan sát, tôi quay được xe dừng ngay cổng ra vào. Tài xế leo lên thùng xe để phủ bạt, trùm kín số cát được vun đầy trên thùng. Không hiểu vì lý do gì, sau khi phủ bạt, tài xế leo xuống xe và đi bộ tiến về phía tôi ẩn nấp. Tôi nín thở, nằm ngữa người sát ra nền đất và vội tắt máy điện thoại đang ghi hình để phòng khi bị lộ còn giữ được hình ảnh đã quay nhiều ngày trước đó. Một phút sau, tôi từ từ ngồi dậy thì thấy tài xế đã lên xe rời đi. Rời nơi ẩn nấp, tôi vội lên xe máy chạy theo dấu chuyến xe này. Những ngày sau đó, tôi cũng đã đi theo nhiều chuyến xe khác.

Dù bãi cát nằm ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm nhưng đường vận chuyển cát lại hoàn toàn đi qua phường Lộc Tiến của TP Bảo Lộc. Lộ trình của các xe thường là từ bãi cát ra đường Phan Chu Trinh, ra Quốc lộ 20, sau đó tùy bãi đổ ở đâu mà các xe có những hướng rẽ khác nhau. 

Khu vực bãi khai thác cát trái phép nhìn từ bản đồ Google Map
Khu vực bãi khai thác cát trái phép nhìn từ bản đồ Google Map

Đối với Cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) Quyết Hảo, 3 xe ghi tên của chính cửa hàng này thường đi trên Quốc lộ 20 về hướng TP Đà Lạt, sau đó rẽ vào ngã ba Đại Bình (đường Trần Hưng Đạo, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) rồi đổ cát xuống bãi tại cửa hàng trên đường Tố Hữu. Đây cũng là nhà xe có tần suất vận chuyển cát nhiều nhất trong suốt những ngày tôi theo dõi bãi cát này. 

Một số xe thì vận chuyển cát theo hướng về đường tránh phía Nam, sau đó rẽ vào đường Lam Sơn (phường Lộc Sơn) để đổ cát cho một cửa hàng VLXD tại đây; hoặc chạy về hướng xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) để đổ cát cho Cửa hàng VLXD Nam Phương; về xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm) để đổ cát cho Cửa hàng VLXD Kim Thịnh…

Xe đổ cát tại một điểm sản xuất cống bi, trụ bê tông trên đường hẻm Lê Phụng Hiểu (phường Lộc Tiến) vào chiều tối 7/8
Xe đổ cát tại một điểm sản xuất cống bi, trụ bê tông trên đường hẻm Lê Phụng Hiểu (phường Lộc Tiến) vào chiều tối 7/8

Một hướng khác là các xe từ bãi cát ra Phan Chu Trinh, sau đó rẽ trái về đường Phan Đình Phùng và hướng về hồ Nam Phương (TP Bảo Lộc) để đổ cát tại một bãi tập kết tại đây, hoặc hướng về xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) để đổ cát cho một cửa hàng VLXD trên địa bàn. Ngoài ra, còn có nhiều xe máy cày, xe ben khác vận chuyển cát đến một số vị trí tại phường Lộc Tiến, Phường 2 (TP Bảo Lộc). 

Nhật ký ghi chép trong hơn nửa tháng của tôi ghi nhận, 3 xe của Quyết Hảo mang biển số 49C 25076, 49C 25067, 49C 22281 có không dưới 40 lần ra vào bãi chở cát. Cũng chính xe Quyết Hảo thường xuyên vận chuyển cát, vật tư khác trong nội bộ hầm khai thác này. 

Đặc biệt, sau khi lấy cát, một số xe phải di chuyển khoảng 30 - 40 km mới đến chỗ đổ trên địa bàn huyện Bảo Lâm như: Xe 49X 8792 chở cho Cửa hàng VLXD Phương Nam ở xã Lộc Thành, xe 49H 00588 chở cho Cửa hàng VLXD Kim Thịnh ở xã Lộc Nam và xe 49C 26080 chở cho Cửa hàng VLXD Vũ Dịu ở xã Lộc Phú.

Xe máy cày cũng là “đội quân” tích cực tham gia vận chuyển cát
Xe máy cày cũng là “đội quân” tích cực tham gia vận chuyển cát

Ngoài ra, còn có xe 49C 27109 chở cho một bãi tập kết cát ngay đầu đường Phan Chu Trinh, xe 49H 02142 chở cho Cửa hàng VLXD Hùng Phát trên đường Mạc Đỉnh Chi (Phường 2, TP Bảo Lộc) và rất nhiều xe mang biển số khác…

 

Trong chuyến công tác ngày 17/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã đến kiểm tra khu vực khai thác cát trái phép này. Tại thời điểm kiểm tra, khu vực này đã được cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm và UBND xã Lộc Tân phối hợp lập biên bản vi phạm; đồng thời, tiếp tục xác minh, điều tra để xử lý theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh nhanh chóng với hợp với TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm tiếp tục kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm tại đây.

Một tháng sau, ngày 18/4, phóng viên Báo Lâm Đồng trở lại khu vực này thì thấy bãi cát không hoạt động. Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, khi trở lại một lần nữa thì ghi nhận bãi cát đã hoạt động rầm rộ. 

Ngày 7/8, trời bắt đầu nắng sau hơn 10 ngày mưa dầm, nên số lượng xe đào được đưa đến bãi nhiều hơn để tăng cường hoạt động. Tần suất vận chuyển của các xe cũng cao hơn những ngày khác. Đặc biệt, chỉ trong khoảng thời gian từ 18g30 đến 20g30, tôi ghi nhận được 4 chuyến xe máy cày, 6 chuyến xe ben đã vào bãi chở cát ra.

Vậy, chủ hầm cát lậu này là ai, hoạt động tại đây đã thu lợi bất chính như thế nào và vì sao cơ quan chức năng không kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khai thác cát trái phép này theo như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng?

Theo tìm hiểu, khu vực khai thác cát lậu này trước đây là của một công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Sau đó, công ty này hết giấy phép nên đã dừng khai thác. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát lậu tại đây vẫn thường xuyên diễn ra.

Các xe vận chuyển cát ra khỏi bãi được ghi nhận nhiều ngày liên tục tại nhiều thời điểm trong ngày. Ảnh cắt từ clip
Các xe vận chuyển cát ra khỏi bãi được ghi nhận nhiều ngày liên tục tại nhiều thời điểm trong ngày. Ảnh cắt từ clip

Theo một người dân có vườn cà phê cạnh hầm cát, hiện nay, hầm khai thác cát đang do 2 người đàn ông mang tên K.T và N.T điều hành. Một nguồn tin khác thì cho biết chủ hầm cát này chính là của doanh nghiệp Q.H.H 

Các xe đến bãi lấy cát thường trả tiền mặt hoặc chủ các cửa hàng VLXD sẽ chuyển khoản thanh toán cho chủ hầm cát trước rồi xe đến múc cát. Xe ben có tải trọng lớn thường chở trung bình 15 khối cát/chuyến, xe nhỏ hơn thì từ 8 - 10 khối, các xe máy cày thì 2 - 3 khối.