Thời gian qua, các hoạt động cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm... trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần phòng ngừa, hạn chế phát sinh các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
|
Các học viên lao động trị liệu tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Lâm Đồng. |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tương đối phức tạp, số người bán dâm ước tính là 400 người; có khoảng 800 tiếp viên nữ có độ tuổi từ 21 - 30 tuổi, làm việc tại gần 600 cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó, tập trung chủ yếu tại các địa phương như Đức Trọng, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.
Xuất phát từ thực tế trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương làm tốt công tác quản lý người hoạt động mại dâm tại cộng đồng; rà soát, khảo sát, nắm tình hình về tệ nạn mại dâm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm để phòng ngừa, phát hiện, có biện pháp ngăn chặn tội phạm liên quan mại dâm.
Trong năm 2021, các ngành chức năng, các địa phương đã tăng cường tổ chức các đợt truy quét hoạt động mại dâm công cộng; chủ động phát hiện những hành vi lợi dụng môi trường mạng internet, facebook, zalo... để hoạt động mại dâm; lập danh sách và quản lý nghiệp vụ với các đối tượng, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng hoặc có nghi vấn hoạt động mại dâm để chủ động biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, tăng cường công tác quản lý cư trú...
Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng vi phạm về trật tự an toàn xã hội, tệ nạn xã hội (TNXH). Qua đó, phát hiện, chuyển 1 vụ việc liên quan đến sử dụng trái phép chất ma túy đề nghị xử lý theo thẩm quyền; đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở; yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ cam kết không để vi phạm về trật tự an toàn xã hội, TNXH, làm tốt công tác phòng, ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng công an các đơn vị, địa phương triệt phá 2 tụ điểm hoạt động mại dâm, xử lý hành chính 1 chủ cơ sở, 4 người bán dâm, 4 người mua dâm, khởi tố 1 vụ án đối với 1 bị can tội chứa mại dâm.
Song song với đó, triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS; phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Đồng thời, khảo sát, làm việc với các cá nhân, đơn vị liên quan để vận động thành lập nhóm đồng đẳng của người bán dâm nhằm thực hiện mô hình hỗ trợ; phòng, chống bạo lực và hỗ trợ sinh kế, hòa nhập cho người bán dâm. Mặt khác, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Đội công tác xã hội tình nguyện, tăng cường hoạt động tiếp cận tư vấn, hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ cao, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Cùng đó, Sở cũng đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và cơ sở cai nghiện ma túy tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy; hướng dẫn các địa phương đăng ký và triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có TNXH; tham gia thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về tội phạm và TNXH. Tính đến 15/11/2021, tỉnh Lâm Đồng có 18/42 xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy; 110/42 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm.
Đồng thời, triển khai “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2021; hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua, bán người” năm 2021cho các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở và các địa phương tổ chức thực hiện. Các địa phương đã tư vấn,vận động 60 người nghiện, gia đình người nghiện đăng ký cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy; đề nghị tòa án Nhân dân cấp huyện ban hành quyết định áp dụng biện háp xử lý hành chính, đưa 117 người nghiện ma túy vào cai nghiện ma túy bắt buộc, tiếp cận tư vấn tâm lý, quản lý, hỗ trợ các vấn đề xã hội cho 390 người sau cai nghiện tập trung, đã trở về cộng đồng. Tổ công tác cai nghiện ma túy của các xã, phường, thị trấn đã quản lý, giúp đỡ 35 người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; 499 người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đội công tác xã hội tình nguyện đã tuyên truyền, tiếp cận, tư vấn, vận động cho khoảng 100 người nghiện, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm, người bị nhiễm HIV tại cộng đồng.
Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Lâm Đồng cũng đã thực hiện tốt quy trình cai nghiện, công tác cắt cơn nghiện được đảm bảo, không xảy ra các biến chứng; thực hiện tốt các mô hình quản lý, giáo dục; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao theo chủ đề; tăng cường các loại hình sinh hoạt văn hóa, lấy sinh hoạt văn hóa - thể thao để kích thích tính tích cực của học viên trong quá trình cai nghiện; thực hiện tốt quy trình lao động trị liệu, bảo đảm học viên không có thời gian nhàn rỗi... Cũng trong năm 2021, Cơ sở Cai nghiện ma túy Lâm Đồng đã tiến hành cai nghiện cho 536 người, trong đó, bắt buộc 27 người, tự nguyện 215 người, đối tượng nghiện không có nơi cư trú ổn định là 47 người. Riêng số người nghiện ma túy được quản lý tại cơ sở cai nghiện ma túy tại thời điểm ngày 2/12/2021 là 146 người, trong đó, có 143 người bắt buộc, 3 người tự nguyện.
Có thể khẳng định, thời gian qua, các lĩnh vực công tác về phòng ngừa như: tuyên truyền giáo dục, quản lý địa bàn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh TNXH; xử lý vi phạm; can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng đã được các ngành, đoàn thể, địa phương, những tình nguyện viên, cộng tác viên, đồng đẳng viên, tiếp cận viên nỗ lực thực hiện, đạt được những kết quả nhất định. Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm được thực hiện có hiệu quả. Quá trình thực hiện luôn gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua, do tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, kéo dài nên công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm TNXH; công tác tiếp cận, hỗ trợ người bán dâm, người nghiện và người sau cai nghiện tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra liên ngành tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tội phạm, TNXH và vi phạm pháp luật chưa được thực hiện một cách đầy đủ...
N.MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin