Các chuyên gia và báo đài Trung Quốc đã đưa ra nhận định về việc hàng loạt lãnh đạo châu Âu thông báo sẽ đến thăm nước này trong thời gian tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4 |
Mặc dù Trung Quốc và các nước châu Âu không có cùng quan điểm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng các quan chức và chuyên gia Trung Quốc tin rằng hai bên có thể tìm được tiếng nói chung để tăng cường liên lạc và phối hợp với mục đích thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 25/2 tuyên bố ông sẽ đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4. Trước đó một ngày, Trung Quốc đã đề xuất giải pháp chính trị 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Thực tế rằng Trung Quốc tham gia vào nỗ lực hòa bình là điều tốt”.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Fu Cong cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel có thể thăm Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 và công tác chuẩn bị cho sự kiện này đang được tiến hành.
Tờ China Daily cho biết cũng có thông tin rằng Thủ tướng Italy Giorgia Meloni sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay.
Trong khi đó, tờ Global Times đưa tin nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc từ 28/2 đến 2/3.
Ông Cui Hongjian tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định với tờ Global Times: “Trung Quốc có thể nghiên cứu được vai trò mà Belarus có thể đảm nhận trong việc giúp thúc đẩy đàm phán hòa bình”.
“Để giải quyết khủng hoảng Ukraine, chúng ta không thể gây áp lực lên Nga và Tổng thống Vladimir Putin như phương Tây muốn. Chúng ta cần tìm ra liệu Trung Quốc và Belarus có tiếng nói chung và có thể phối hợp đóng một vai trò nhất định, đây sẽ là tập trung chính của chuyến thăm này”, ông Cui Hongjian nói.
Ông Wang Yiwei, giám đốc Viện các vấn đề quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá xu hướng các cuộc trao đổi cấp cao ngày càng tăng giữa Trung Quốc và châu Âu cho thấy EU không muốn chứng kiến một cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài bởi kinh tế và sự cạnh tranh của khối đã sụt giảm bởi sự kiện này.
Khi truyền thông đặt câu hỏi liệu có đề nghị Trung Quốc giúp gây sức ép với Nga hay không, Tổng thống Pháp Macron cho biết động thái này là nhằm đảm bảo Điện Kremlin không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học.
Ông Cui Hongjian nhận định: “Có khác biệt trong quan điểm của Trung Quốc và châu Âu về khủng hoảng Ukraine, phần lớn do nhận thức khác nhau về bản chất của xung đột”. Ông nói rằng có nhiều quốc gia châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), do vậy họ sẽ không chấp nhận rằng cuộc xung đột là do việc mở rộng sang phía Đông của khối quân sự này. Cũng theo ông, nếu Trung Quốc và Pháp hoặc Trung Quốc và châu Âu cùng đưa ra giải pháp thì nó nhiều khả năng sẽ được chấp nhận bởi các bên liên quan.
Về phần mình, ông Fu Cong nhận định rằng những chuyến thăm được lên kế hoạch cho thấy khủng hoảng Ukraine không ảnh hưởng đến sự phát triển của mối quan hệ Trung Quốc - EU.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị cũng vừa hoàn thành chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm với các điểm đến là Pháp, Italy, Hungary, Nga và Hội nghị An ninh Munich tại Đức.
Trong chuyến thăm của mình, ông Vương Nghị nhiều lần bày tỏ Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng hợp tác và nhấn mạnh rằng Trung Quốc cùng châu Âu là đối tác, không phải đối thủ và có nhiều cơ hội.
Giáo sư Chen Xulong tại Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh nhận định Trung Quốc có thể không nhất trí hoàn toàn với một số quan điểm của EU về vấn đề Ukraine nhưng cũng không muốn xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - EU.
Đề xuất đề xuất giải pháp chính trị 12 điểm Trung Quốc công bố hôm 24/2 nêu rõ các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế đã được công nhận; kêu gọi các bên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và cùng có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững hướng tới một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, cũng như hòa bình và ổn định trên lục địa Á - Âu.
Bắc Kinh cũng hối thúc các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình, cũng như kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng, ngăn chặn cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, Trung Quốc đề xuất tất cả các bên liên quan nên ủng hộ Nga và Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin