UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở 9 lĩnh vực, vấn đề, trong đó có các vướng mắc liên quan tới các công trình trọng điểm địa phương đang triển khai, đặc biệt là 2 dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
Cao tốc Liên Khương - Prenn dự kiến sẽ kết nối với cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 16 công trình trọng điểm, trong đó có 5 dự án đã hoàn thành thủ tục, được phân bổ vốn, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu xây lắp và triển khai xây dựng; 11 dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Trong đó, Dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với ý nghĩa to lớn, là động lực kích cầu cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương về lâu dài. Do đó, sau nhiều năm chuẩn bị, Dự án thành phần xây dựng Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 10/11/2022. Tuyến đường có chiều dài khoảng 66 km (đoạn qua địa phận Lâm Đồng có chiều dài 55 km), bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng (trong đó, phần vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng). UBND tỉnh đã làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai dự án; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và các thủ tục, điều kiện cần thiết để khởi công dự án trong tháng 9/2023.
Với Dự án thành phần xây dựng đường Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,6 km, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuyến đường có chiều dài khoảng 73,64 km, bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng (trong đó, phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 1.764 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng). Tuy nhiên, cả 2 dự án cao tốc này đều ít nhiều đang gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Ngày 18/5 vừa qua, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm trưởng đoàn đã làm việc với 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu. Tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình bày với Đoàn công tác các khó khăn, vướng mắc và đề xuất Đoàn công tác ghi nhận, trình Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ 9 vấn đề, lĩnh vực, trong đó có các kiến nghị liên quan tới 2 dự án đường cao tốc.
Cụ thể, Lâm Đồng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Trung ương cho Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với số vốn 2.000 tỷ đồng. Đối với đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương Lâm Đồng cần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng theo phương thức PPP. Các kiến nghị nêu trên địa phương đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2321/UBND-KH ngày 29/3/2023.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo quy định tại Điều 82, Luật PPP để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn huy động khác từ các nhà đầu tư quan tâm hoặc các ngân hàng và tổ chức tín dụng nhằm phát huy hiệu quả, tính khả thi dự án. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với các Dự án Cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương do địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với một số gói thầu Tư vấn thuộc dự án như: thẩm tra hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường; tư vấn thăm dò khoáng sản để cấp phép khai thác các mỏ vật liệu...
Bên cạnh đó, hầu hết thời gian thu hồi vốn đối với các dự án cao tốc đều trên 20 năm, trong khi thời hạn cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng chỉ 15 năm. Về nội dung này, địa phương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn này cho các nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn vay từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng để thực hiện dự án đường cao tốc theo hình thức PPP.
Với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã và đang chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án đường cao tốc nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian kết nối tỉnh Lâm Đồng với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), TP Hồ Chí Minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin