Tình trạng lấn chiếm hành lang lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh vào mùa khô 2023 tiếp tục tái diễn với hàng chục trường hợp vi phạm. Trong đó, có nhiều trường hợp kéo dài dai dẳng nhiều năm, chưa thể xử lý dứt điểm.
Một góc khu vực đập chính Đa Queyon, công trình Thủy điện Đại Ninh nằm giáp ranh với nhà dân, có nguy cơ xâm lấn ranh giới đất thủy điện cao |
Ngày 11/5, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1377, ngày 27/2/2023, Sở đã ban hành nhiều công văn đôn đốc các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm các công trình xây dựng trái phép thuộc phạm vi lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở báo cáo kiểm tra rà soát của UBND các huyện, thành phố, các chủ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh, từ ngày 14 đến 19/4, Sở Công thương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra thực tế tại 4 địa bàn huyện: Lạc Dương, Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng nhằm xử lý dứt điểm các công trình xây dựng trái phép thuộc phạm vi lòng hồ thủy điện và khu vực lòng hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là đôn đốc kiểm tra việc thực hiện xử lý dứt điểm tại công trình Thủy điện Đồng Nai 3 và 4...
Đến ngày 25/4, qua thống kê vẫn còn 36 công trình vi phạm, 56 hộ lấn chiếm phạm vi lòng hồ thuộc 12 công trình với các mức độ khác nhau. Đơn cử như tại huyện Di Linh theo báo cáo năm 2021 và 2022, UBND huyện đã ban hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng gần 200 triệu đồng với 3 trường hợp vi phạm các lĩnh vực đất đai và tài nguyên nước, yêu cầu tạm ngưng việc làm bè nổi, kinh doanh ăn uống không phép trên mặt hồ Thủy điện Đồng Nai 3; Thủy điện Đồng Nai 2. Tuy nhiên, các tháng đầu năm 2023, qua kiểm tra thực tế vẫn còn hiện tượng xây dựng và kinh doanh ăn uống và hoạt động thủy nội địa trên hồ Thủy điện Đồng Nai 3. Có 2 trường hợp chưa chấp hành quyết định của UBND tỉnh và nộp phạt, thực hiện khắc phục hậu quả và 1 trường hợp mới chấp hành thực hiện quyết định xử phạt, tháo dỡ một phần công trình vi phạm.
Tại địa bàn huyện Đức Trọng các tháng đầu năm 2023, tại khu vực Thủy điện Đại Ninh qua kiểm tra xã Ninh Gia vẫn còn 33 trường hợp và xã Phú Hội có 9 trường hợp, 1 tổ chức ảnh hưởng đến việc xây dựng hàng rào bảo vệ công trình đập. Có 19 trường hợp lấn chiếm đất lòng hồ, cửa nhận nước. Tại hồ Thủy điện Đa Dâng 2 có 1 trường hợp vi phạm xây nhà nuôi yến. Ngày 13/4, UBND huyện Đức Trọng đã có buổi làm việc giữa Công ty Thủy điện Đại Ninh và các phòng, UBND các xã để giải quyết các trường hợp lấn chiếm. Dự kiến các trường hợp vi phạm sẽ xem xét xử lý theo quy định trong trong thời gian đến.
Tại huyện Bảo Lâm, theo báo cáo, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Lộc Lâm, Lộc Phú và Lộc Bảo phối hợp với chủ công trình Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 tiến hành kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm. Đến nay, có 5 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Đồng Nai 4. Các vi phạm chủ yếu rơi vào trường hợp nuôi cá, chòi canh tự phát để phục vụ du lịch, canh tác cây ăn trái, xây dựng nhà gỗ trong hành lang bảo vệ hồ chứa,...
Đối với công trình Thủy điện Đa Siat nằm trên địa bàn huyện, tình trạng lấn chiếm đến nay phát hiện các hộ dân lấn chiếm lòng hồ khá nhiều, qua kiểm tra có 17 trường hợp (nhà xây kiên cố, nhà vách gỗ). UBND huyện Bảo Lâm giao UBND xã Lộc Bảo, mời làm việc nhiều lần nhưng có tình trạng các hộ dân bán sang tay, tổ chức san ủi,… khiến tình trạng khá phức tạp, nên rất khó xử lý.
Còn tại địa bàn huyện Lạc Dương, hiện có 2 đập, hồ chứa thủy điện tồn tại các công trình xây dựng trái phép thuộc phạm vi lòng hồ thủy điện (công trình Thủy điện Đa Dâng, Krông Nô 2). Qua kiểm tra thực tế và làm việc với UBND huyện Lạc Dương, công tác này chủ yếu là giao cho UBND các xã có liên quan phối hợp với các chủ đập thủy điện, UBND huyện Lạc Dương chưa xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
Theo đánh giá từ Sở Công thương, thời gian qua, tại một số công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, một số UBND cấp huyện, xã và các chủ đầu tư quản lý phạm vi lòng hồ thủy điện vẫn chưa phối hợp tốt, chặt chẽ. Các quy định về quản lý phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, vùng lòng hồ thủy điện tại địa phương và vùng bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của địa phương còn chưa sát với thực tế.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các chủ sở hữu đập, hồ thủy điện và địa phương liên quan đôi lúc còn chưa chặt chẽ, thường xuyên, gây khó khăn trong công tác quản lý, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến đập, hồ chứa nước thủy điện để đề xuất xử lý ngay từ đầu. Trong phạm vi công trình vẫn còn hiện tượng một số hộ dân khi thực hiện công tác giải tỏa đền bù không nhận tiền, đến vẫn cố tình “ở” trong lành lang bảo vệ công trình, xây dựng cơi nới vi phạm đến hành lang bảo vệ công trình nhiều năm nhưng các biện pháp giải quyết của địa phương chưa dứt điểm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin