Quản lý chất thải trong nông nghiệp - những vấn đề đặt ra (Bài 1)

VIẾT TRỌNG 05:20, 28/08/2023

Với tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp trên 396,8 nghìn ha, Lâm Đồng đang là tỉnh dẫn đầu trong nước về nông nghiệp công nghệ cao với tốc độ tăng trưởng cao và giá trị sản xuất vượt trội so với mặt bằng chung cả nước. Canh tác nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (38,27% GDP) hiện nay, đóng góp lớn vào duy trì mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đầy tích cực này, công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp còn tồn tại rất nhiều bất cập, trong đó có việc phát sinh và xử lý chất thải trong nông nghiệp. 

 

Bài 1: Cần có giải pháp cho rác thải là phụ phẩm nông nghiệp 

 

Trong khi chất thải từ chăn nuôi hầu hết được tái sử dụng để làm phân bón, làm hầm Biogas cho chất đốt thì chất thải từ các phụ phẩm trong lĩnh vực trồng trọt phần lớn nông dân vẫn phải vứt bỏ, chôn lấp ngoài đồng ruộng hoặc đốt đi một cách phí hoài. 

 Canh tác hoa phát sinh chất thải rắn nông nghiệp hữu cơ khoảng 16,7 tấn/ha/năm. 
Trong ảnh: Ông Nguyễn Đình Đề trong vườn hoa cúc của ông tại Phường 12, Đà Lạt
Canh tác hoa phát sinh chất thải rắn nông nghiệp hữu cơ khoảng 16,7 tấn/ha/năm. Trong ảnh: Ông Nguyễn Đình Đề trong vườn hoa cúc của ông tại Phường 12, Đà Lạt

1 HA TRỒNG HOA PHÁT SINH TRÊN 16 TẤN RÁC THẢI/NĂM 

Khi chúng tôi đến vườn, ông Nguyễn Đình Đề, 56 tuổi, tổ dân phố Hòn Bồ, Phường 12, TP Đà Lạt đang gánh đôi sọt chuyển các khay hoa cúc giống mới ươm trong vườn xuống các luống đất làm sẵn để trồng. 

Vườn ông rộng 4,5 sào (4.500 m2), đất dốc bậc thang, mỗi bậc thang như thế là những khoảnh đất được trải bằng, toàn bộ được phủ nhà kính, mái lợp ni lông trồng hoa cúc. Ông bảo ông đã chuyên canh hoa cúc được trên 20 năm rồi. “Vậy có trồng các loại hoa khác không” - tôi hỏi và ông mỉm cười: “Không. Lâu nay chỉ trồng duy nhất hoa cúc thôi. Vì nhà rành hoa cúc, nhìn là biết bệnh tật của nó chứ trồng các loại hoa khác thì sợ lắm”. 

Ông Đề đưa chúng tôi đến góc vườn, nơi có một tấm bạt lưới nilong đang tủ một đống phụ phẩm nông nghiệp vun cao, dù dưới ông đã đào thêm hố sâu để bỏ chúng vào. Đây là đống thân hoa cúc còn sót lại trong vườn sau khi thu hoạch được dồn lại, rắc thêm một chất vi sinh (Trichoderma) cùng mật mía, được tưới nước hằng ngày giữ ẩm, ủ một thời gian thành phân hữu cơ để có thể bón cho cây trồng trở lại. 

Nhưng đống phụ phẩm đang ủ phân này theo ông Đề, nhìn lớn này nhưng chỉ khoảng trên 3 tạ, là phần sót lại của khoảnh đất 1 sào trong 1 lần thu hoạch trong năm”. Không phải của cả vườn. Cả vườn thì nhiều lắm” - ông Đề cười.

Vườn hoa cúc của ông được trồng cuốn chiếu, mỗi đợt xuống hoa như thế thời gian chăm sóc thường kéo dài khoảng 3 tháng 15 ngày là thu hoạch, ông xuống hoa theo khoảnh, để sao trong vườn tháng nào cũng có thu hoạch. “Nếu tính ra thì cả vườn tôi mỗi năm phụ phẩm như thế này cũng khoảng 6 -7 tấn”. Con số phụ phẩm này của khu vườn 4,5 sào của gia đình mà ông nhẩm tính có vẻ thấp hơn con số của ngành chức năng Lâm Đồng đưa ra. 

NHỮNG CON SỐ 

Lâm Đồng hiện có trên 300 nghìn ha đất canh tác nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng hằng năm đạt 396.830 ha (tăng 3.117 ha so với năm 2021), trong đó cây hàng năm 127.394 ha, cây lâu năm 269.436 ha. Tính đến cuối năm 2022, sản lượng lương thực Lâm Đồng đạt 188.810 tấn; rau đạt 2.970.476 tấn; hoa đạt 4 tỷ cành; cà phê đạt 545.338 tấn, chè đạt 166.295 tấn, cây ăn quả đạt 310.077 tấn. Chỉ tính trong 3 năm từ 2021 đến nay, Lâm Đồng đã chuyển đổi 44.523 ha, trong đó tái canh, ghép cải tạo cà phê 26.197,9 ha, trồng mới cà phê 175 ha; chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả 9.436,6 ha; trồng tái canh, ghép cải tạo điều 382,6 ha, chuyển đổi cây trồng trên đất điều kém hiệu quả 5.034 ha; chuyển đổi trên đất khác 6.966,6 ha. 

Cần biết rằng tất cả hoạt động trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và sơ chế ở trên đều phát sinh chất thải rắn là phụ phẩm nông nghiệp. Đây là các chất thải phát sinh trong quá trình trồng trọt chăm sóc như tỉa cành, làm cỏ...; những phần còn sót lại sau khi thu hoạch nông sản như thân cây, rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô, thân ngô; là bao bì đựng phân bón, bao gói hóa chất bảo vệ thực vật; các chất thải ra từ chăn nuôi, giết mổ động vật, chế biến sữa, chế biến thủy sản... 

Tuy nhiên, việc phát sinh chất thải phụ thuộc vào loại cây trồng và hình thức canh tác. Theo tính toán của ngành chức năng tỉnh, cây hàng năm như rau, củ, hoa tươi, cây lương thực có lượng chất thải rắn nông nghiệp hữu cơ thải ra ước tính khoảng 16,7 tấn/ha/năm, trong khi cây lâu năm như chè, cà phê, cây ăn trái ước tính phát sinh khoảng 0,57 tấn/ha/năm. Tổng lượng phế phẩm loại bỏ sau thu hoạch tính cho tất cả các loại cây trồng trên địa bàn Lâm Đồng phát sinh hằng năm khoảng 1.921 nghìn tấn.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi trong tỉnh cũng có lượng rác thải nông nghiệp phát sinh rất lớn hằng năm. Theo ngành chức năng Lâm Đồng, tỷ trọng chăn nuôi hiện chiếm đến 16% trong nền nông nghiệp tỉnh với xu hướng tăng đàn đang diễn ra nhanh những năm gần đây. Tính đến nay, đàn bò trong tỉnh khoảng 96.634 con trong đó bò sữa trên 25 nghìn con, heo 364 nghìn con, trâu trên 13 nghìn con; dê trên 12,4 nghìn con và đàn gia cầm có khoảng 11,41 triệu con. Hằng năm, một lượng lớn các chất thải dạng rắn như phân, thức ăn thừa, các loại đệm lót và bao bì thức ăn trong chăn nuôi phát sinh đều có khả năng gây ô nhiễm. Tổng số lượng phát sinh chất thải từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trên 1.530 tấn/năm. 

Nuôi trồng thủy sản cũng phát sinh chất thải trong nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.956 ha nuôi trồng thủy sản. Cùng đó diện tích sông, suối và mặt nước chuyên dùng để nuôi cá trên 11.887 ha. Có thể thấy việc nuôi trồng thủy sản tại Lâm Đồng chủ yếu là tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện, sông, suối; ngoài ra, có một số diện tích đất nông nghiệp là nuôi cá nước lạnh nhưng nhỏ lẻ, rải rác thuộc một địa bàn huyện Lạc Dương, Đam Rông vốn là những nơi có khí hậu phù hợp. Toàn tỉnh có khoảng 60 doanh nghiệp đã được tỉnh cấp phép nuôi cá nước ngọt tại các hồ, đập với diện tích trên 548 ha, trong đó có 30 cơ sở nuôi thủy sản lồng, bè trên sông, hồ. Sản lượng thủy sản đạt 8.566 tấn/năm, trong đó sản lượng cá nước lạnh khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, lượng chất thải rắn phát sinh hoạt động này khá ít, chủ yếu là chất thải phải tích tụ đáy thủy vực và chất thải vật tư nuôi trồng.

Cũng theo số liệu thống kê của tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 13.750 cơ sở ngành nghề nông thôn, trong đó chủ yếu là cơ sở cá thể với 12.935 cơ sở. Các ngành nghề chủ yếu là chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đan lát, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, xây dựng, vận tải, sửa xe. Mặc dù chưa có số liệu điều tra chính thức nhưng trong quá trình hoạt động các cơ sở này cũng phát sinh lượng lớn chất thải rắn.

TẬN DỤNG PHỤ PHẨM

Phải khẳng định một điều rằng, rác thải là phụ phẩm nông nghiệp đều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp xử lý một cách bền vững.

Trong chăn nuôi, điều đáng mừng, theo ngành chức năng tỉnh, hầu hết các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn trong tỉnh đến nay đã được đầu tư công nghệ mới với kỹ thuật nuôi chuồng kín, thông gió cưỡng bức và chủ cơ sở đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chủ yếu tập trung vào các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Gần đây, rất nhiều hộ nhỏ lẻ này đã được vận động sử dụng chế phẩm sinh học khử mùi và xây dựng hầm Biogas để sử dụng chất thải làm khí đốt thắp sáng hoặc đun nấu trong nhà. 

Trong khi đó, lĩnh vực trồng trọt, hầu hết các chất thải rắn phụ phẩm phát sinh trong canh tác lâu nay vẫn chưa có một giải pháp căn cơ để xử lý. Phần lớn chúng như thân, lá, rễ, rơm rạ, vì chúng có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên nên được người dân chôn lấp, vứt bỏ ngoài đồng ruộng hoặc đốt, những cách này nếu không được kiểm soát đều có thể gây ô nhiễm cho môi trường.

Như ông Đề cho biết, trước đây khi còn canh tác rau, sản phẩm phụ sau khi thu hoạch xong ông mang bỏ ngoài bờ gần suối để mưa nắng phân hủy dần. Còn khi trồng hoa cúc, do khối lượng phụ phẩm phát sinh rất lớn và đất đai hiện nay đều phủ nhà kính nên ông rải chúng ra trên đất cho vừa khô rồi đốt ngay trong nhà kính. “Mình phải kiểm soát lửa, chỉ cho cháy nhỏ, có khói thôi, không cho lên ngọn lửa là hư nhà” - ông Đề cho biết.

Là làng hoa nổi tiếng của TP Đà Lạt, Phường 12 hiện có 418 ha đất canh tác trong đó có 360 ha đã phủ nhà kính, hầu hết trong đó đều trồng hoa các loại với trên 1.500 hộ dân canh tác. Khối lượng phụ phẩm nông nghiệp từ các nhà vườn nơi đây phát sinh hằng năm là con số không hề nhỏ, phần lớn đều được xử lý bằng cách đốt. 

Nhưng đốt cũng không phải là cách tốt vì theo ông Đề, “đốt làm cho bề mặt đất phía dưới bị chai, không ổn lắm, phải cải tạo lại đất mới trồng được”. 

Gần đây, mô hình ủ phụ phẩm nông nghiệp biến thành phân bón hữu cơ đã được Hội Nông dân TP Đà Lạt đưa ra, tại Phường 8 chọn 1 hộ và Phường 12 chọn 1 hộ để thí điểm, gia đình ông Nguyễn Đình Đề được chọn. 

Như Hội Nông dân TP Đà Lạt cho biết, nếu mô hình này thành công thì thành phố sẽ dự kiến tiếp tục triển khai đến 120 gia đình trong toàn thành. Riêng Phường 12, theo ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường, mô hình này thành công thì địa phương sẽ vận động người dân áp dụng rộng cả phường.

Tuy nhiên, theo ông Đề, phải cần thời gian khá lâu để ủ đống phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ và cũng chưa biết rằng có thích hợp để bón cho hoa hay không, nhưng dù sao cũng mang lại hy vọng cho ông rằng các phụ phẩm rồi cũng có ích cho nông dân chứ ngày này tháng nọ đốt đi thì phí quá.

(CÒN NỮA)