Thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của UBND tỉnh, 2 năm qua, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân Lâm Đồng đã đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an toàn để phát triển sản xuất.
Diễn tập để sẵn sàng ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân trong mọi tình huống |
Công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và Nhân dân trong ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đã đi sâu vào các vấn đề về: Hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn quy trình Ứng phó sự cố với các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ; Những quy định mới Chính phủ quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử… Hơn 4.000 tờ rơi hướng dẫn quy trình ứng phó sự cố đã được cấp phát cho các đơn vị, doanh nghiệp có thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và các hộ dân cư sinh sống gần cơ sở. Đã đào tạo, tập huấn cho hơn 200 lượt tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị X-quang trong y tế và có nguồn phóng xạ, qua đó trang bị kiến thức về các mối nguy hiểm và biện pháp bảo vệ khi xảy ra sự cố bức xạ liên quan đến thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế như: hiệu ứng sinh học bức xạ ion hóa; bảo vệ chống chiếu xạ ngoài; Một số tình huống sự cố bức xạ và kịch bản ứng phó điển hình đối với cơ sở X-quang; các khía cạnh liên quan đến tối ưu hóa an toàn bức xạ trong y tế và công nghiệp đối với cơ sở X-quang (gồm: công tác chuẩn bị ứng phó sự cố, các giai đoạn trong ứng phó sự cố, những tình huống ứng phó cụ thể và cấp cứu nạn nhân trong sự cố bức xạ). Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng hoạt động bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ đối với nhân viên bức xạ của cơ sở, người phụ trách an toàn, người quản lý của cơ sở. Nâng cao năng lực kiểm soát an toàn bức xạ cho đội ngũ những người trực tiếp làm việc trong môi trường bức xạ; chủ động kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho con người và môi trường sống.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.130 nguồn phóng xạ (trong đó, 239 nguồn phóng xạ đang sử dụng, 891 nguồn đang được lưu giữ); 185 thiết bị bức xạ đang được sử dụng. Các nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ hiện đang được lưu giữ và sử dụng tại 80 cơ sở, gồm: 2 cơ sở nghiên cứu, đào tạo (Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt); 1 cơ sở soi chiếu, an ninh hải quan (Cảng hàng không Liên Khương); 3 cơ sở ứng dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ trong công nghiệp (Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty Bia Sài Gòn - Lâm Đồng, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp); 3 cơ sở sử dụng thiết bị phân tích huỳnh quang tia X nhằm xác định tuổi vàng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Vạn Kim); 71 cơ sở chẩn đoán và điều trị trong y tế. Các cơ sở đã thực hiện tốt việc đăng ký cấp phép sử dụng và lưu trữ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ; tuân thủ theo các quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh việc kiểm kê xác nhận hiện trạng các nguồn phóng xạ, việc kiểm tra các nội dung liên quan đến công tác quản lý an toàn bức xạ; đảm bảo an ninh trong việc sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ theo quy định cũng được tiến hành theo định kỳ. Cụ thể như: Xem xét việc quy hoạch các khu vực đảm bảo an toàn bức xạ, các biện pháp đảm bảo an ninh trong việc cất giữ nguồn phóng xạ, việc đặt các biển cảnh báo an toàn bức xạ tại các khu vực lưu giữ nguồn; kết quả kiểm xạ khu vực lưu giữ nguồn phóng xạ, khu vực tiến hành công việc bức xạ; sổ kiểm đếm nguồn phóng xạ của các đơn vị; các hồ sơ về sự cố bức xạ (nếu có); các nội quy an toàn bức xạ; giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ...
Với đặc thù là địa phương có Lò phản ứng hạt nhân (Viện Nghiên cứu hạt nhân) và nhiều đơn vị có nhiều trang thiết bị chuyên dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, để chủ động với công tác ứng phó sự cố, Sở Khoa học và Công nghệ - Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy đã thực hiện việc mua sắm trang thiết bị chuyên dụng phục vụ hoạt động ứng phó sự cố, gồm: 2 máy đo nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt; 1 máy đo liều cao cầm tay; 3 máy đo tia X cầm tay; 2 máy tính xử lý; 5 bộ đàm liên lạc; xe đẩy nguồn). Các thiết bị đo có độ nhạy cao, thiết bị có khả năng nhận dạng nguồn phóng xạ giúp nhận diện chính xác nguồn phóng xạ, phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm kê nguồn phóng xạ và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ.
Trong 2 năm qua, Sở đã thực hiện 12 cuộc thanh tra, 2 cuộc kiểm tra với tổng số 48 cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ. Các cuộc thanh, kiểm tra tập trung vào các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, các cơ sở sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ; qua đó kịp thời phát hiện và xử phạt 4 cơ sở vi phạm. Còn lại, hầu hết các đơn vị đã chấp hành tốt Luật Năng lượng nguyên tử như: giấy phép còn hiệu lực, bổ nhiệm nhân viên phụ trách an toàn bức xạ được cấp chứng chỉ; trang bị liều kế cá nhân; khám (định kỳ 1 năm/lần), lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và lưu giữ hồ sơ theo dõi sức khỏe cho nhân viên an toàn bức xạ theo quy định; tham gia tập huấn, đào tạo cơ bản về an toàn bức xạ định kỳ 3 năm/lần; thực hiện kiểm kê nguồn, gắn nội quy an toàn bức xạ, quy trình sử dụng và vận hành nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ, sổ theo dõi vận hành, trang bị các biển báo bức xạ, đèn cảnh báo, dấu hiệu cảnh báo bức xạ theo quy định; thực hiện việc kiểm xạ định kỳ; đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
ThS. Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng cho biết: Thời gian tới, Ban Chỉ huy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về bức xạ và hạt nhân đến mọi tầng lớp Nhân dân; Tăng cường hoạt động kiểm kê nguồn phóng xạ và bức xạ được sử dụng và lưu giữ; đánh giá nguy cơ, sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh, đề xuất giải pháp phòng ngừa ứng phó. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện thiếu sót, tồn tại không đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân và có biện pháp khắc phục, tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tổ chức diễn tập để sẵn sàng ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân trong mọi tình huống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin