Tìm giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ ở Lâm Đồng

NGUYỄN NGHĨA - VÕ TRANG 04:55, 22/09/2023

Thời gian qua, đặc biệt vào mùa mưa, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ và sụt lún, sạt trượt đất ở nhiều mức độ khác nhau, gây thiệt hại cả về người và tài sản. 

Hiện trường vụ sạt lở taluy ở khu vực hẻm 36 Hoàng Hoa Thám
Hiện trường vụ sạt lở taluy ở khu vực hẻm 36 Hoàng Hoa Thám

Để đánh giá nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh, ngày 22/9/2023, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Rất nhiều các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đã được tỉnh trân trọng mời tham dự hội thảo lần này. UBND tỉnh đặt kỳ vọng rất lớn vào hội thảo, với mong muốn sẽ thu nhận được các ý kiến tham vấn mang tính toàn diện để có thể nhận diện, đánh giá chính xác nhất các vấn đề đang ảnh hưởng đến thực trạng sạt trượt, ngập lụt trên địa bàn tỉnh, từ đó xác định các giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiệu quả lâu dài.

Hành lang bảo vệ công trình thoát nước và các ao, hồ 

Hành lang bảo vệ công trình thoát nước và các ao, hồ cơ bản đã được xác định tại đồ án Quy hoạch chung TP Đà Lạt (Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ), các đồ án quy hoạch phân khu, Quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 và Quyết định số 1016/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh, Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 27/1/2014 của UBND TP Đà Lạt. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử, trải qua nhiều năm, nhiều vị trí hành lang đã bị người dân xây dựng công trình kiên cố, bán kiên cố, công trình tạm, nhà kính sản xuất nông nghiệp; vì vậy việc giải phóng hành lang hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH NGẬP LỤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, ở đa số các huyện, thành của tỉnh Lâm Đồng, cường độ xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt thường ở cấp độ 1. 

Cấp độ 2 tập trung chủ yếu là ở các khu vực: Sông Đa Nhim, khu vực hạ du hồ Thủy điện Đa Nhim thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng; sông Đa Queyon tại các xã vùng Loan (các xã Đa Quyn, Tà Năng, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Hine của huyện Đức Trọng); sông Cam Ly đoạn qua TP Đà Lạt, thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng; suối Đa Nhim tại thôn K’long K’lanh, Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương; suối Đạ Sar, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; suối Phước Thành và suối Lang Biang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương; sông Đa Dâng tại thôn Đạ Nghịt, Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương; sông Đa Dâng đoạn qua huyện Lâm Hà; sông Krông Nô đoạn qua thôn Đạ Nhinh, xã Đạ Tông; suối Đa Tam đoạn qua xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng; suối Đại Lào đoạn qua xã Đại Lào, Lộc Châu, phường B’lao, TP Bảo Lộc; sông Đạ Huoai đoạn qua xã Đạ Tồn, thị trấn ĐạM’ri, xã Hà Lâm, Đạ Oai, huyện Đạ Huoai; suối Đạ Nhar khu vực xã Quốc Oai, Mỹ Đức; suối Đạ Miss khu vực xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh; ven suối Đạ Kho khu vực xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh; suối Đạ Sị khu vực xã Tiên Hoàng, Nam Ninh, Gia Viễn, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra lũ, ngập lụt đối với những khu vực này là do lượng mưa tập trung, mưa nhanh trong lưu vực có độ dốc lớn. Đặc điểm lũ, ngập lụt ở khu vực tỉnh Lâm Đồng thường có phạm vi ảnh hưởng hẹp, thời gian lũ lên và xuống nhanh, thường phổ biến dưới 2 ngày. Tuy nhiên, tốc độ dòng chảy nhanh nên thường gây thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, dân sinh, kinh tế, công tác cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn do nước chảy xiết. Đặc biệt, khi lũ thượng nguồn đổ về, thường rất bất ngờ, khó dự báo, cảnh báo trước, do vậy thiệt hại sẽ khó lường.

Trước tình hình ngập úng xảy ra liên tục, nhiều nơi; UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát toàn bộ các điểm ngập úng để có kế hoạch khoanh vùng xử lý. Qua rà soát, hiện nay, toàn tỉnh có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn.

Riêng đối với địa bàn TP Đà Lạt, tình hình mưa lũ và ngập úng những năm gần đây diễn biến khá phức tạp do thời tiết cực đoan, lưu lượng mưa lớn. Tình trạng ngập ghi nhận chủ yếu xảy ra dọc theo lưu vực suối Cam Ly giao với đường Phan Đình Phùng đến Khu dân cư Mạc Đĩnh Chi và xung quanh các hồ lắng hồ Xuân Hương.

Thống kê từ đầu mùa mưa năm 2023, TP Đà Lạt liên tục xuất hiện nhiều đợt mưa lớn và đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 23/6/2023, sau cơn mưa trên 60 mm trong khoảng thời gian từ 12h đến 13h30 thì nhiều đoạn đường ở trung tâm thành phố như Phan Đình Phùng, Tô Ngọc Vân, Trần Quốc Toản,… bị ngập sâu, nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ. 

Tiếp đó, là trận mưa diễn ra suốt từ đêm ngày 28 đến rạng sáng ngày 29/6/2023 với lượng mưa lên đến 200 mm đã tiếp tục gây sạt lở, ngập úng ở nhiều nơi giữa trung tâm thành phố. 

Trận mưa vào chiều 17/7/2023 với lưu lượng 90 mm chỉ trong khoảng một tiếng rưỡi cũng tiếp tục gây ngập ở các khu vực thường xảy ra ngập úng.

Ngập lụt ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt, giáp hồ lắng khu Golf Valley
Ngập lụt ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt, giáp hồ lắng khu Golf Valley

DIỄN BIẾN SẠT LỞ ĐẤT

Lâm Đồng là một trong những tỉnh Tây Nguyên có đặc điểm nền địa chất tính liên kết kém, chủ yếu là đất bazan bở rời, nhất là khi có mưa lớn kéo dài, lượng nước trong đất bão hòa, dẫn đến sạt lở, trượt, nứt đất. Ngoài ra, do kiến trúc địa chất, địa tầng tạo nên các cấu trúc địa chất không đồng nhất, các cung trượt có quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn.

Khi mùa mưa đến, sạt lở đất thường xảy ra nhất là các tuyến đường đèo đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn như trên Quốc lộ 20, 27, 28, đường 723… 

Sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở các sông, suối trong tỉnh như sông Đạ B’Sa (huyện Đạ Huoai), sông Đồng Nai (huyện Cát Tiên), sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương), sông Đa Dâng (huyện Lâm Hà), suối Đạ Mí, sông Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh), sông Krông Nô (huyện Đam Rông), khu vực sườn dốc (huyện Lạc Dương). Ở các đô thị trong tỉnh, hiện tượng sạt lở đất cũng thường xuyên xuất hiện tại thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương), TP Đà Lạt. Đặc biệt, sạt lở đất do tai biến địa chất xảy ra nghiêm trọng ở thị trấn Di Linh và các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Gia Hiệp (huyện Di Linh).

Hoạt động xây dựng

Hoạt động san gạt, đào đắp tạo mặt bằng xây dựng để xây dựng công trình tại các vị trí, khu vực sườn dốc, taluy âm/dương cao, có nguy cơ sạt trượt. Qua rà soát của cơ quan chức năng cho thấy đều có hoạt động xây dựng công trình, san gạt mặt bằng.

Trong các tháng đầu năm 2023, do lượng mưa nhiều, kéo dài làm nền đất yếu, gây một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng.

Ngày 17/6/2023, xảy ra 2 vụ sạt lở đất tại TP Đà Lạt làm 2 người thiệt mạng và 1 điểm sạt lở bờ taluy tại TP Bảo Lộc làm 1 người thiệt mạng, 1 bị thương, hư hỏng một số tài sản.

Ngày 29/6/2023, thống kê xảy ra 13 điểm sạt lở đất trên địa bàn TP Đà Lạt, làm 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương; 2 nhà kiên cố bị sập, 1 nhà kiên cố bị hư hại nặng, 9 căn nhà bị hư hỏng một phần, 1 cột điện bị gãy đổ; 13 cây thông bị ngã đổ. Vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng và gây thiệt hại nghiêm trọng mà đến nay vẫn chưa thể khắc phục hiện trạng đất chính là vụ sạt lở xảy ra đêm 28 rạng sáng 29/6/2023 tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP Đà Lạt. Một bờ ta luy bị sập đã làm 2 người chết, 5 người bị thương, ảnh hưởng nhiều ngôi nhà của người dân. Lượng mưa đo được vào đêm đó lên đến 200 mm.

Ngày 30/7/2023, một vụ sạt lở taluy nghiêm trọng, gây thiệt hại vô cùng lớn về người xảy ra tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai), vùi lấp trụ sở Trạm Cảnh sát Giao thông Mađagui và 4 người thiệt mạng (gồm 3 chiến sỹ công an và 1 người dân). Vụ sạt lở này cũng chia cắt hoàn toàn giao thông qua đèo Bảo Lộc vào thời điểm đó.

Đầu tháng 8, ở Bảo Lộc đoạn đường tránh Quốc lộ 20, thuộc địa phận phường Lộc Sơn, cũng xảy ra một vụ sụt lún đất làm gãy đứt mạnh cũng ở đường tránh này. 

Trước đó, vào tháng 7/2023, tại Lâm Hà cũng xảy ra hiện tượng sạt trượt gây nứt nhà, đường đi, vườn tược của người dân giáp khu vực đang thi công Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh, Lâm Hà. 

Các chuyên gia khảo sát thực tế tại các điểm sạt trượt đất và ngập lụt cục bộ

Chiều ngày 21/9, lãnh đạo và các chuyên viên Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã cùng với các nhà khoa học, các chuyên gia có chuyến khảo sát thực tế tại rất nhiều các điểm sạt trượt đất và ngập lụt cục bộ trên địa bàn TP Đà Lạt như: Khu vực sạt trượt đất trên đường Khe Sanh, đường Hoàng Hoa Thám (Phường 10); đường Đặng Thái Thân (Phường 3); Khu dân cư Số 5 (Phường 4); khu vực suối Phan Đình Phùng (khu vực Hải Thượng và La Sơn Phu Tử), Vườn hoa thành phố; khu Golf Valley. Đây là các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và đã có những vụ sạt lở hay ngập lụt cục bộ mỗi khi vào mùa mưa. 

Việc khảo sát thực tế trên nhằm phục vụ cho buổi hội thảo diễn ra vào sáng 22/9 tại TP Đà Lạt. Sở Xây dựng mong muốn, qua việc khảo sát thực tế, các chuyên gia có những nghiên cứu, tìm hiểu thêm về địa hình, địa chất, và có thêm cả những góc nhìn để có những nghiên cứu, đề xuất chính xác nhất.