Vốn là một trong những địa bàn phức tạp về tình trạng phá rừng trái phép để làm nương rẫy, lấn, chiếm rừng để lấy đất… với nhiều thủ đoạn tinh vi. Để khắc phục những tồn tại trên địa bàn, từ đầu năm 2023, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri đã chủ động, quyết liệt thực hiện một số các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng và những tháng gần đây đã đạt được một số kết quả nhất định.
Họp bàn phân công công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng |
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri hiện quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 986/QĐ-UBND ngày 6/5/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho đơn vị chủ rừng quản lý; Các quyết định của UBND tỉnh thu hồi các công ty doanh nghiệp giao lại cho đơn vị quản lý. Theo đó, tổng diện tích đơn vị đang được giao quản lý là 13.219,74 ha. Trong đó diện tích quy hoạch phòng hộ 1.983,3 ha; diện tích quy hoạch sản xuất là 11.234,44 ha, bao gồm 44 tiểu khu và 1 ngoài tiểu khu trải dài qua 9 xã, thị trấn là xã Lộc Bắc, Lộc Phú, Lộc Ngãi, B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và thị trấn Lộc Thắng.
Những năm qua, các chương trình, chính sách kinh tế hỗ trợ cho miền núi đã góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, từng bước giảm nghèo bền vững, làm giảm tác động đến diện tích đất rừng, tài nguyên rừng, khoáng sản một cách đáng kể. Tuy nhiên, do đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn nên tình trạng khai thác gỗ, phá rừng trái phép để làm nương rẫy, lấn chiếm rừng trái phép để lấy đất vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Trong khi đó, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng mỏng, thu nhập thấp cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là khi trên địa bàn vẫn còn xuất hiện những đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri, từ đầu năm 2023 đến nay, trên lâm phần quản lý, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn xảy ra 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai; diện tích thiệt hại 0,464 ha. So với cùng kỳ năm 2022 có giảm (8 vụ) nhưng hiện tượng lấn rừng trồng cây dưới tán rừng có chiều hướng gia tăng và phức tạp, khó phát hiện và bắt quả tang đối tượng cũng như ngăn chặn. Mặc dù triển khai nhiều biện pháp nhưng trên diện tích rừng trồng sau giải toả vẫn còn gặp những khó khăn nhất định bởi một số đối tượng vẫn lén lút phá hoại. Nhiều khu vực trọng điểm trên địa bàn hiện cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai nên đòi hỏi công tác tuần tra, phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) phải thường xuyên, quyết liệt và hiệu quả nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi xâm hại tới rừng, đất lâm nghiệp.
Từ đầu năm 2023, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này trên địa bàn, Ban đã chủ động, quyết liệt thực hiện một số các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đơn vị đã tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra trên lâm phần được giao quản lý. Tổ chức rà soát diện tích lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp đã tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để trồng lại rừng. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri cũng đã tăng cường công tác trực, tuần tra, nắm bắt, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai. Tăng cường kiểm tra, truy quét, mật phục tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm nhằm ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất số vụ cũng như thiệt hại đến tài nguyên rừng và số vụ vi phạm không xác định được đối tượng.
Về công tác giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban có 418 hộ nhận khoán QLBVR trong đó 38 hộ người Kinh và 380 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 1 tập thể (Huyện đội Bảo Lâm). Diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 9.629,27 ha...
Để hoạt động này hiệu quả, Ban thường xuyên đôn đốc các hộ nhận khoán tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, tham gia trực, phối hợp tổ chức truy quét để phát hiện, ngăn chặn vi phạm kịp thời.
Tới đây, Ban sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp đã cho thu hoạch ổn định theo kế hoạch. Quản lý chặt chẽ đối với các diện tích đất trống, công trình rừng trồng; kịp thời xử lý dứt điểm các điểm nóng phát sinh liên quan đến đất rừng trên lâm phần được giao quản lý. Nâng cao hiệu quả công tác phối kết hợp với các ban, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân cam kết thực hiện trồng xen cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp đang sản xuất trồng cây nông nghiệp theo đề án của tỉnh, kế hoạch của huyện cũng như của Ban đã ban hành.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin