Lâm Hà chú trọng đào tạo nghề nông thôn

T.T.HIỀN 06:12, 28/02/2024

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Lâm Hà luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Sau khi qua các đợt đào tạo nghề, nhiều hộ dân ở Lâm Hà đã phát triển trồng dâu, nuôi tằm 
đạt chất lượng cao
Sau khi qua các đợt đào tạo nghề, nhiều hộ dân ở Lâm Hà đã phát triển trồng dâu, nuôi tằm đạt chất lượng cao

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng dâu, nuôi tằm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Hà tổ chức tại địa phương, chị K’My (thị trấn Đinh Văn) đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dâu và đầu tư làm nhà nuôi tằm. 

Cũng như nhiều nông dân khác, trước khi được đào tạo nghề, chị K’My nuôi tằm theo phương thức cũ nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Sau khi qua đào tạo, nắm được kỹ thuật nuôi trồng, chọn giống, phòng bệnh cho tằm...; chị đã mạnh dạn đầu tư cho nghề “ăn cơm đứng”. “Bản thân tôi và 20 chị em học cùng đợt vừa rồi đã tự tin hơn trong cách nuôi tằm. Giờ đây, vợ chồng tôi cũng đã mở rộng 3 sào trồng dâu để nuôi tằm. Đến nay, thu nhập từ trồng dâu, nuôi tằm của gia đình bình quân là 9 triệu đồng/tháng, đã trừ chi phí”, chị K’My cho hay.

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian qua, huyện Lâm Hà đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, địa phương này cũng chủ động rà soát số lượng lao động đã, đang và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức mở các khóa dạy nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề. Trong đó, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thực hiện tốt đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường và doanh nghiệp sử dụng lao động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lệ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Hà cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Trung tâm đã chú trọng công tác đào tạo nghề, đặc biệt là cho lao động người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), từng bước giúp bà con ổn định cuộc sống. Năm 2023, Trung tâm đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho tổng số 766 học viên với tổng kinh phí đào tạo hơn 1,8 tỷ đồng. Cụ thể, trong đào tạo nghề nông nghiệp trồng dâu, nuôi tằm, Trung tâm đã tổ chức 19 lớp với 514 học viên và đào tạo nghề phi nông nghiệp; trong đó móc len có 4 lớp, thu hút 107 học viên, sửa chữa máy nông nghiệp 3 lớp với 88 học viên, hàn điện 1 lớp với 23 học viên và may công nghiệp 1 lớp với 34 học viên.

Trong năm 2023, toàn huyện Lâm Hà đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 512 người lao động, hoàn thiện hồ sơ và quyết toán 18 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp từ nguồn kinh phí của Tiểu dự án 3 thuộc dự án Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, 1 lớp đào tạo nghề trồng dâu, nuôi tằm chuyển qua thực hiện năm 2024.

Năm 2023, huyện Lâm Hà đã giải quyết và duy trì việc làm ổn định cho 4.324 lao động, đạt 123,5%; trong đó thông qua cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 1.689 lao động; tuyển mới tại các doanh nghiệp 103 lao động; xuất khẩu lao động 39 lao động; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật 1.630 lao động; đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm tại chỗ cho 863 lao động; ỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,6%, đạt tỷ lệ 102% kế hoạch giao.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trinh - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Lâm Hà đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề. Trong đó, tham mưu UBND huyện kế hoạch thực hiện đào tạo nghề từ nguồn vốn thuộc tiểu Dự án 3 - Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi năm 2024.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới, huyện Lâm Hà sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của huyện.