Nhắc đến dừa, người ta thường nghĩ tới Bến Tre - thủ phủ của những vườn dừa xanh bát ngát...
Nhắc đến dừa, người ta thường nghĩ tới Bến Tre - thủ phủ của những vườn dừa xanh bát ngát. Nên khi đến vườn dừa xanh trĩu quả của chị Triệu Thị Hà (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) nhiều người sẽ trầm trồ nhận ra, trên cao nguyên nắng gió, thứ cây này cũng có thể thích nghi, xanh tươi và cho trái ngọt. “Tất cả, do bàn tay, do cách làm của con người, bởi đất không phụ người” - chị Hà chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn (bên trái) - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cát Tiên thăm mô hình trồng dừa của gia đình chị Hà |
Chị Triệu Thị Hà sinh năm 1988 trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Bắc Cạn. Chị theo bố mẹ vào thôn Phước Thái, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp khi mới 2 tuổi. Kinh tế gia đình khó khăn nên khi trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng bố mẹ không có tài sản làm của hồi môn cho hai vợ chồng. “Cái khó ló cái khôn”, chị tự mày mò, tìm hiểu trên mạng và những người trồng dừa ở miền Tây. Với số vốn khiêm tốn chị tìm địa chỉ uy tín ở Tiền Giang mua 200 quả dừa khô mang về tự ươm và trồng thử nghiệm.
Chị Hà tâm sự, đất của gia đình được quy hoạch đa tầng cây, phía trên cao và 2 bên sườn đang canh tác cây điều, theo cấp bậc thang và các triền đất phẳng hơn trồng dừa và cây ăn trái, chăn nuôi bò. Dừa không kén đất, thích nghi nhanh chóng với từng loại đất, sau hơn 4 năm đưa vào trồng và dày công chăm sóc, cuối năm 2015 những cây dừa xiêm được chị trồng lứa đầu tiên bắt đầu cho quả bói, với năng suất mỗi buồng đạt khoảng 15 - 20 quả.
Đứng bên những cây dừa cho trái sai, chị Triệu Thị Hà phấn khởi chia sẻ: Ưu điểm của giống dừa xiêm không chỉ trái nhiều, trồng nhanh ra trái mà chất lượng trái rất cao. Dừa xiêm mỏng vỏ, nước nhiều, nước lại ngọt thanh. Ngoài ra, dừa xiêm rất dễ trồng, chỉ cần đóng cọc giữ cho cây đứng thẳng, dùng các vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm, tàu dừa khô che chắn gốc để giữ ẩm, hạn chế xói mòn khi tưới thời kỳ đầu và đánh luống cao ráo, có mương thoát nước. Để cho cây dừa nhanh phát triển, người trồng cần chú trọng bón phân một năm 2 - 3 lần, mỗi lần khoảng 0,5 kg/gốc. Loại phân dừa ưa thích nhất là DAP, sau mỗi lần bón phân phải gom đất bồi vào gốc, nếu bồi đất bùn non càng tốt.
Điều đặc biệt, trong quá trình chăm sóc vườn dừa của mình, chị Hà chủ yếu sử dụng phân chuồng (phân bò) để bón cho cây, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, cung cấp chất dinh dưỡng để cây nuôi lá và tránh tình trạng lá rụng, tăng chất mùn để làm tăng độ phì nhiêu của đất, giữ ẩm; kích thích bộ rễ phát triển, tăng khả năng chống chịu cho cây dừa trước thời tiết khắc nghiệt như nắng, hạn hán, xói mòn và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.
Tuy nhiên, trồng dừa phải chú ý theo dõi chuột, sâu đuông và bọ cánh cứng. Bởi vì, đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất, rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công, đến khi phát hiện thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá hủy. Vì thế, biện pháp phòng ngừa sự phá hại là thường xuyên kiểm tra và chăm sóc vườn dừa để kịp thời phát hiện sâu đuông, dùng bông gòn tẩm các loại thuốc hóa học như Basudin 50ND, Pyrinex 20 EC, Actara 25WG,… nhét vào các lỗ xâm nhập của sâu đuông sau đó dùng đất sét trám bít lỗ lại.
“Khác với những loại dừa thông thường, khi cây phát triển tới 7 - 10 m mới cho quả, còn vườn dừa xiêm, chỉ cách mặt đất 0,5 - 1 m. Vì vậy khi khi thu hoạch cũng không cần leo trèo cũng hái được dừa. Đặc biệt, nước dừa có vị ngọt thanh đậm hơn một số giống khác nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng” - Chị Hà cho biết.
Với khí hậu nắng gió của vùng đất phía Nam Lâm Đồng, cây dừa phát triển khỏe mạnh, mỗi năm, 1 cây dừa ra từ 15 - 20 buồng, mỗi buồng cho 18 - 20 trái. Số lượng dừa cho thu hiện tại mới chỉ đủ cung cấp cho thị trường quanh khu vực huyện Cát Tiên. Tùy từng thời điểm, mẫu mã, mỗi trái dừa chị Hà sẽ bán với giá dao động từ 7.000 - 12.000 đồng/trái. Cùng với dừa, từ cách quy hoạch trồng đa canh, khu vườn của chị Hà còn cho thu các loại trái cây như sầu riêng, mít, vú sữa, chôm chôm... mùa nào thứ đó, không khi nào không có nguồn thu.
Theo tính toán của chị Triệu Thị Hà, với 200 cây, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm trồng dừa xiêm đạt doanh thu từ 300 triệu đồng đến 350 triệu đồng, trừ chi phí lãi đạt khoảng 250 triệu đồng/năm.
Nhận thấy mô hình trồng dừa xiêm của gia đình chị Hà đem lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 1/2021, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Phước Cát 2 đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trồng dừa thôn Phước Thái. Đây là mô hình kinh tế mang tính bền vững, thiết thực và hiệu quả lâu dài, có khả năng nhân rộng để phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn xã.
THÚY NGÀ