Việc lập barie để bảo vệ đường do người dân đóng góp một phần kinh phí ở một số khu dân cư, khu vực vùng nông thôn mặc dù được xem là giải pháp bảo vệ đường nhờ hạn chế được xe ô tô có tải trọng lớn đi vào gây hỏng đường, nhưng hầu hết việc lập các barie này hiện được người dân thực hiện trái phép, không theo một quy định nào, và chưa được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép nên gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là đối với một số hộ gia đình làm ăn kinh doanh chuyển chở hàng hoá.
Nhiều con hẻm nhỏ trên địa bàn Phường 9 (TP Đà Lạt) bị người dân tạo barie ngăn xe trọng tải lớn đi vào vì sợ ảnh hưởng tới mặt đường bê tông. Ảnh: Chính Thành |
Việc lập barie trên với những tuyến đường bê tông liên thôn, liên xã hoặc cả những con đường nhựa nối kết với các trục đường chính để ngăn cản các loại xe có tải trọng lớn đi vào đã được nhiều nơi làm từ lâu nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, về mặt pháp luật, không có quy định nào cho phép làm việc này, bởi việc dựng thanh chắn hay đặt các bảng hiệu giao thông là chức năng của cơ quan quản lý giao thông. Vì tự ý dựng barie không theo quy định, quy chuẩn nên có trường hợp đã gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Một số nơi, barie được lắp đặt quá thấp, lỏng lẻo, không an toàn nên đã gây ra va chạm làm một số người khi tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm bị va quẹt vào barie gây hư hỏng phương tiện. Một số hộ gia đình có các hoạt động kinh doanh du lịch hay người dân nơi khác đến mua đất xây dựng nhà cũng gặp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông khi chuyên chở khách, đất, đá ra vào bị cản trở.
Ông Ngọc Minh, Đà Lạt bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy việc này nhiều người làm vẫn tưởng là đúng và không bị nhắc nhở nên đã có rất nhiều nơi học theo để bảo vệ đường sá. Nhưng theo tôi, cách làm này cần phải được thẩm định của các cơ quan chức năng chuyên môn và hiện nay rất đáng báo động vì ngày càng nhiều nơi lập barie để ngăn cản các phương tiện có chiều cao là chính. Cái được theo quan điểm này chứa đựng trong đó việc làm sai luật bởi Luật Giao thông đường bộ đề ra nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ là phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; không được phép lắp đặt thiết bị khác gây cản trở người tham gia giao thông. Cá nhân tôi cũng đã từng phản ứng không đồng ý cho lập barie ở đầu hẻm nhà tôi vì tôi cho rằng điều đó không hợp pháp và gây cản trở giao thông”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số tuyến đường trong khu vực đô thị, mặc dù được quy hoạch đường rộng, trải nhựa và ở ngay trung tâm thành phố nhưng sau khi người dân đóng góp một phần tiền làm đường vẫn để barie và tổ chức khoá barie lại, giao chìa khoá cho 1, 2 người chịu trách nhiệm và chỉ mở barie cho các phương tiện của người dân sống trong khu dân cư đó khi có nhu cầu ra vào đậu đỗ hoặc phải xin phép đại diện khu vực. Rất nhiều trường hợp xe cao vượt chiều cao của barie mặc dù trọng tải không quá lớn do chở hàng hoá nhẹ nhưng khi đến giao hàng trong khu dân cư gặp rất nhiều khó khăn vì phải sử dụng xe trung chuyển hàng hoá vào trong gây thêm tốn kém và bức xúc cho một số hộ dân kinh doanh hoặc các nhà xe. Thực tế theo tham khảo ý kiến thì ở một số tổ dân phố, nhiều hộ dân cũng bày tỏ quan điểm chưa đồng tình với cách làm này bởi nó không phải là cách làm đúng và rất nhiều lần gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, vì họ chỉ là một trong số những ý kiến thiểu số không đồng ý trong khu phố nên buộc phải tuân theo. Theo ý kiến của một số người dân thì tại các trục đường công cộng phải xin ý kiến cơ quan chức năng trước khi lắp đặt các biển bảo giao thông, nếu 1 số tuyến đường cần thiết phải hạn chế chiều cao hoặc trọng tải thì chỉ nên lắp đặt các biển báo hạn chế chứ không nên lắp đặt các barie một cách tuỳ tiện, vừa trái quy định pháp luật, vừa không mỹ quan và gây phiền hà cho người dân.
Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh việc dựng barie không theo quy định, để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân, các khu phố không tự ý lắp đặt hàng rào, trụ cột chắn ngang đường dẫn vào khu phố gây cản trở giao thông.
NGUYÊN THI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin