Làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ và các viện, sở, ngành liên quan, nhà khoa học vừa qua, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong thời gian tới, việc nghiên cứu các sản phẩm khoa học và công nghệ cần tạo sự lan tỏa hơn nữa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trên lĩnh vực nông nghiệp giá trị cao trên địa bàn nói riêng.
Theo đó, trong thời gian tới, Lâm Đồng cần tập trung trước hết nghiên cứu, chuyển giao những sản phẩm khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp thông minh; công nghệ BigData, IoT, Blockchain, máy bay không người lái; chọn tại giống rau, hoa, cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế cao; bảo tồn, di thực và thương mại hóa các nguồn gien thực vật đặc hữu…
Trên các lĩnh vực khác cũng phải ưu tiên sản phẩm bảo quản nông sản sau thu hoạch gắn với logistic, tăng thời gian lên 2 - 3 lần; phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử; số hóa dữ liệu nông sản.
Bên cạnh đó còn có các mô hình kinh tế tuần hoàn giữa nông nghiệp, bảo vệ rừng gắn với chứng chỉ carbon; đánh giá cân bằng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Ngoài ra, cần quan tâm các giải pháp khoa học công nghệ di thực, bảo tồn và phát triển các loài dược liệu đặc hữu, quý hiếm của Lâm Đồng tiêu biểu: Sâm Việt Nam, atiso, diệp hạ châu, đương quy, nấm, trà…
Được biết, trong 5 năm vừa qua, Lâm Đồng đã nghiệm thu, chuyển giao khá nhiều sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả phát triển nông nghiệp ở địa phương. Đáng kể như quy trình canh tác nông nghiệp theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, Organic; công nghệ chọn tạo, ghép, cấy mô sản xuất giống cây trồng; công nghệ tưới kết hợp bón phân tự động…
Thiết nghĩ, để tiếp tục nâng cao hơn nữa tính ứng dụng của sản phẩm khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp Lâm Đồng theo chuỗi giá trị toàn cầu cần triển khai đồng bộ công tác nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm theo định hướng nêu trên...
VĂN VIỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin